Người thầy lặng thầm gieo hạt cho đời

“Giỏi việc nước, đảm việc nhà”, câu nói ấy rất đúng với GS.TS.NGƯT Nguyễn Thị Cành (SN 1954), giảng viên cao cấp Khoa Tài chính - Ngân hàng, ĐH Kinh tế - Luật (ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh), một trong 10 cá nhân được nhận Giải thưởng phụ nữ Việt Nam 2016. Bởi không chỉ hội tụ vẻ đẹp của phụ nữ Việt Nam , bà còn là người thầy đam mê nghiên cứu khoa học.

Dù đã tuổi nghỉ hưu, nhưng GS.TS.NGƯT Nguyễn Thị Cành vẫn miệt mài cống hiến cho sự nghiệp giáo dục. (Ảnh do nhân vật cung cấp)
Dù đã tuổi nghỉ hưu, nhưng GS.TS.NGƯT Nguyễn Thị Cành vẫn miệt mài cống hiến cho sự nghiệp giáo dục. (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Sinh ra tại vùng quê Thanh Hóa nhiều khó khăn, GS Cành rất ham học, đặc biệt là thích học môn Toán. Sau khi thi đỗ đại học với điểm số cao, bà được chọn đi học tại ĐH Kinh tế - Tài chính Leningrad (Liên Xô cũ). Sở hữu tấm bằng đỏ và cùng với niềm đam mê Toán học cháy bỏng, bà tiếp tục bảo vệ thành công luận án TS vào năm 1980. Về nước, trong thời gian làm giảng viên tại trường ĐH Kinh tế Quốc dân (Hà Nội), bà đã đưa ra nhiều đề tài khoa học khả thi, được ứng dụng vào thực tế hiệu quả.

Tham gia giảng dạy tại Khoa Kinh tế (ĐH Kinh tế - Luật, ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh), bà tiếp tục niềm đam mê nghiên cứu khoa học. Là GS lâu năm, nhưng bà không ngừng tự đổi mới, hoàn thiện mình trong việc giảng dạy và nghiên cứu. Dù ở cương vị nào, bà đều cống hiến hết mình. Bà đã thành công trong việc thực hiện 4 đề tài hợp tác quốc tế, 6 đề tài cấp ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh, gần 60 bài báo được đăng trên các tạp chí trong và ngoài nước, chủ biên 7 sách chuyên khảo, 3 giáo trình, 2 sách dịch. Từ khi về trường ĐH Kinh tế - Luật, GS Cành đã hướng dẫn thành công hàng trăm học viên cao học bảo vệ luận văn, 3 nghiên cứu sinh bảo vệ thành công luận án TS và hỗ trợ nhiều nghiên cứu sinh, các giảng viên trẻ làm nghiên cứu. “Những học trò của tôi ra trường đã phát huy được năng lực và có vị trí cao trong đơn vị, trong xã hội” - bà tự hào.

Bản thân là người phụ nữ thành đạt, GS.TS Nguyễn Thị Cành cũng luôn trăn trở một điều là mong cho những trẻ em nghèo, khuyết tật vơi bớt đi những đau thương và nước mắt để có thêm niềm vui và tiếng cười. Vì thế, để hun đúc lòng nhân ái, tinh thần chia sẻ với cộng đồng cho sinh viên, bà đã cùng công đoàn nhà trường tổ chức nhiều chương trình, hoạt động xã hội, từ thiện dành cho sinh viên, cho các gia đình chính sách, xây dựng nhà tình thương cho hộ nghèo ở các vùng nghèo. Những việc làm cao đẹp mang đậm tính nhân văn và ý nghĩa của nhà trường và GS.TS.NGƯT Nguyễn Thị Cành đã tạo động lực cho nhiều sinh viên nghèo vượt khó vươn lên đạt kết quả cao trong học tập.

Trở về với cuộc sống đời thường, gia đình luôn là bến đỗ bình yên, là điểm tựa để bà phấn đấu vươn lên khi phát hiện mình bị bệnh hiểm nghèo (ung thư trực tràng) cách đây hơn 2 năm. Phép lạ đã ban cho bà sức khỏe để có thể tiếp tục nghiên cứu, cống hiến, dù vẫn biết phải điều tiết lại chính mình. “Đam mê công việc là liều thuốc để tôi quên đi những lo lắng về bệnh tật” - GS chia sẻ. Điều làm nên sự phi thường, đặc biệt ở GS Cành chính là ý chí, nghị lực và niềm tin vào cuộc sống đã giúp bà vượt qua nỗi đau bệnh tật và những khó khăn, áp lực từ công việc.

Hơn 30 năm gắn bó với sự nghiệp “trồng người”, bà đã chèo lái vững vàng con thuyền tri thức, đưa biết bao thế hệ học trò cập bến tương lai, lặng thầm gieo hạt để có những mùa quả ngọt cho đời. Và giờ đây, dù ở tuổi đã nghỉ hưu, nhưng bà vẫn miệt mài cống hiến cho sự nghiệp giáo dục với những mong ước, mục tiêu cố gắng tận dụng thời gian còn lại của cuộc đời để truyền đạt kinh nghiệm cũng như kiến thức cho thế hệ trẻ, cho những người kế nhiệm.

Theo Trần Thảo

Kinh tế đô thị