Người thầy là tấm gương đạo đức thiết thực nhất

(Dân trí) - Đó là lời nhắn nhủ của GS.TS Nguyễn Thị Doan, Phó Chủ tịch nước trong buổi gặp gỡ và chúc mừng thầy cô giáo, ngành giáo dục đào tạo TPHCM nhân kỷ niệm 31 năm ngày Nhà giáo Việt Nam vào chiều 19/11.

Cách giáo dục đạo đức hiện nay khiến đạo đức học sinh xuống cấp

Phó Chủ tịch nước đánh giá những năm gần đây, ngành giáo dục thực hiện đột phá trong công tác quản lý, nâng cao chất lượng giáo dục thành nhiệm vụ then chốt để nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Đặc biệt phải chú trọng giáo dục tư cách đạo đức của học trò lẫn chuyên môn của nhà giáo. Nguyên lý giáo dục kết hợp gia đình - nhà trường và xã hội là nguyên lý căn bản và xuyên suốt trong công tác giáo dục đào tạo.

Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan gửi lời nhắn nhủ với các thầy cô giáo TPHCM.
Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan gửi lời nhắn nhủ với các thầy cô giáo TPHCM.

GS.TS Nguyễn Thị Doan cho biết bà đã thực hiện nhiều chuyên đề liên quan đến giáo dục. Trong đó, “ở chuyên đề giáo dục đạo đức cho học sinh, khảo sát thực tế thì thấy rằng cách giáo dục công dân, đạo đức thế này đúng là lỗi của chúng ta, làm cho một bộ phân không nhỏ đạo đức học sinh xuống cấp. Giáo duc đạo đức không chỉ là thông qua môn Giáo dục công dân (GDCD) mà môn này hiện nay mỗi tuần có 1 tiết; nhiều trường lại không chú ý chương trinh ngoại khóa, giáo dục truyền thống thống qua tham quan. Nhiều giáo viên phàn nàn cách bố trí, giảng dạy môn này thêm nữa nội dung, kiến thức giảng dạy rất khô khan, nghèo nàn nên khảo sát nhiều nơi thường học sinh không thích học”, bà Doan chia sẻ.

Cũng theo Phó Chủ tịch, các cơ quan, đoàn thể phối hợp với nhà trường chưa làm tốt vai trò của xã hội trong việc giáo dục đạo đức đối với học sinh. Bên cạnh đó, Ban giám hiệu nhiều trường cũng thú nhận việc bố trí môn GDCD vô cùng khó khăn, vì không có thu nhập thêm, học sinh không muốn học nên  thay phiên nhau dạy như một môn phụ. Vì vậy, yêu cầu là phải lồng ghép vào trong các môn học và giáo dục đạo đức học sinh thiết thực nhất chính là thông qua tấm gương của người thầy trên lớp, phản chiếu đầy đủ, sinh động nhất cho học sinh noi theo.

Tại buổi gặp mặt, Phó Chủ tịch nước khen ngợi TPHCM vẫn có những điểm sáng như thầy giáo Trần Tuấn Anh, giảng dạy môn GDCD hoàn toàn bằng những tình huống rất đời thường, gần gũi và học sinh nào cũng thích học. TPHCM cũng là nơi đã đổi mới phương pháp trong môn GDCD.

Đừng để học vẹt - thu vẹt

Phó Chủ tịch nước cũng góp ý với những người làm giáo dục làm thế nào góp phần vào nâng cao chất lượng GD-ĐT, chất lượng quản lý năng động hơn, trình độ ai cũng tốt nên vấn đề là tìm ra cách làm mới. Lấy thầy và trò làm nhân vật trung tâm, nhìn vào đó mà suy nghĩ và lập trình ra các chương trình để phục vụ cho đối tựơng này.

Nhân dịp 31 ngày Nhà giáo Việt Nam, GS.TS Nguyễn Thị Doan chúc mừng các nữ nhà giáo.
Nhân dịp 31 ngày Nhà giáo Việt Nam, GS.TS Nguyễn Thị Doan chúc mừng các nữ nhà giáo.

Riêng với Nghị quyết Trung ương 8 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo, theo Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, nếu ngành giáo dục thực hiện được những điều trong nghị quyết thì sẽ đổi mới được nhưng sẽ rất cam go. Vì ngay như chương trình giáo dục phổ thông, làm thế nào đừng đưa chương trình nặng, học sinh không tiếp thu được; đừng biến các em thành học vẹt, học tủ để đi thi. Do đó, mong muốn các thầy cô giáo, nhà quản lý cố gắng đầu tư, nghiên cứu để chuyển biến chất lượng quản lý, từ đó làm chuyển bíên chất lượng giáo dục.

Ở cấp học cao hơn thì Phó Chủ tịch nước đưa ra vấn đề đáng quan tâm là tình trạng sinh viên đang rất thực dụng. “Phải tìm hiểu vì sao các em tham gia phòng trào nhiều thế, nào là tình nguyện viên, mùa hè xanh, hiến máu nhân đạo… nhưng lại không có “lửa” như ngày xưa. Các em tham gia rất nhiều phong trào tình nguyện nhưng có tự nguyện không, có thực chất không hay vì bắt buộc, vì “hồ sơ đẹp” để cộng điểm, xin việc. Như vậy là các em đã lệch lạc trong việc tham gia các phong trào sinh viên.

Ngoài ra, bà Doan cũng đánh giá rằng tình hình tuyển sinh các ngành nghề ở các trường ĐH còn mất cân đối quá. Thực tế những ngành về Kế toán, Tài chính , Quản trị Kinh doanh rất nhiều trong khi đó những ngành khoa học cơ bản lại rất ít. Thậm chí khi đi thăm các trường, các thầy đều cho biết có ngành nghiên cứu cơ bản, lực lượng giáo viên cả khoa đông gần 50 thầy nhưng năm nay chỉ được chừng chục thí sinh dự thi vào. Theo Phó Chủ tịch thì, nói đến quản lý giáo dục không phải chỉ giúp cho học sinh có tư cách đạo đức tốt mà làm thế nào giúp cho học sinh có đinh hướng nghề nghiệp tốt. Nguyên lý giáo dục gia đình, nhà trường và xã hội phải được quan tâm, có sự phối hợp thật tốt giữa gia đình, nhà trường và xã hội trong đó những cán bộ quản lý là hạt nhân là người kết nối chính.

Ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM tiếp thu ý kiến của Phó Chủ tịch nước và cho biết: chủ đề năm học này là nâng cao chất lượng quản lý và công tác nghiên cứu, dạy học phát triển toàn diện cá nhân học sinh, hình thành thế hệ học trò có phẩm chất và năng lực. Đây là khâu then chốt trong công cuộc đổi mới căn bản toàn diện giáo dục.

Phó Chủ tịch nước chúc mừng nhà giáo ưu tú Nguyễn Ngọc Ký

Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đã tới thăm và tặng quà Nhà giáo ưu tú Nguyễn Ngọc Ký.
Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đã tới thăm và tặng quà Nhà giáo ưu tú Nguyễn Ngọc Ký.

Cũng trong chiều 19/11, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đã tới thăm và tặng quà Nhà giáo ưu tú Nguyễn Ngọc Ký tại nhà riêng. Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan cảm ơn nhà giáo Nguyễn Ngọc Ký đã không ngừng cống hiến cho sự nghiệp “trồng người. Hiện nay dù đã về hưu, gặp nhiều khó khăn về sức khỏe, nhà giáo Nguyễn Ngọc Ký vẫn dành thời gian nghiên cứu các công trình giáo dục nuôi dưỡng tâm hồn các thế hệ học trò. Với nghị lực của mình, thầy Ký luôn là tấm gương sáng cho các thế hệ học trò noi theo.

Lê Phương

Dòng sự kiện: 31 năm Ngày Nhà giáo VN