Người thầy hạnh phúc khi có trò chọn nghề giáo

(Dân trí) - Có nghề nào khi đi trên đường, chúng ta có thể lâng lâng khi nghe hai tiếng gọi "Thầy ơi!" hay hạnh phúc hơn nữa là có học trò của mình chọn nghề giáo.

Các thệ hế nhà giáo đã bày tỏ những tình cảm, suy nghĩ về nghề trong tọa đàm "Tri ân Người truyền lửa" do Trường THCS - THPT Đào Duy Anh, TPHCM tổ chức dịp kỷ niệm Ngày Nhà giáo 20/11 vào ngày 16/11.

Thầy Nguyễn Văn Ngai, nguyên Phó GĐ Sở GD-ĐT TPHCM chia sẻ, làm bất cứ việc gì, phàm là con người, đều cần có đức độ và có tài năng. Đối với người thầy, sẽ càng khắt khe hơn. 

Người thầy hạnh phúc khi có trò chọn nghề giáo - 1

Các thế hệ nhà giáo nói về hạnh phúc làm nghề.

Cái tài của người thầy không chỉ về mặt trình độ, kiến thức mà còn là kỹ năng, kỹ xảo để xử lý những tình huống gặp phải trong quá trình giáo dục, có thể là những tình huống tréo ngoe, khó khăn nhất.

Đạo đức, với thầy Ngai phải thể hiện qua sự ứng xử chuẩn mực, hướng đến học sinh. Có hai phẩm chất này, người thầy sẽ dẫn dắt học trò đi đúng hướng.  

Thầy Nguyễn Văn Ngai cũng trao đổi thêm, hiện mọi người nói nhiều về chương trình giáo dục phổ thông mới, nhiều giáo viên không khỏi lo lắng. Theo ông, người thầy cần thấy được chương trình mới có những lợi thế như thế nào, những điểm hay hơn ra sao so với chương trình cũ... Nắm được tinh thần này thì họ sẽ biết điều cần làm phát huy năng lực của mình và của học trò.

Người thầy hạnh phúc khi có trò chọn nghề giáo - 2

Với thầy Nguyễn Văn Ngai, người thầy không ngừng học hỏi, hoàn thiện mình chính là người thầy hạnh phúc

"Và bất kể hoàn cảnh nào, người thầy không ngừng học hỏi, hoàn thiện mình chính là người thầy hạnh phúc", thầy Ngai bộc bạch.

Thầy Trần Trung Kiên - Hiệu trưởng Trường THCS-THPT Đào Duy Anh, TPHCM chia sẻ nhiều câu chuyện nói về vai trò quyết định của giáo dục đối với sự phát triển của đất nước, của con người. Người thầy gách vác trọng trách này, vừa là trách nhiệm nhưng cũng là vinh dự, hạnh phúc.  

Người thầy cần thấy được bản chất của giáo dục và trong khả năng có thể của bản thân hãy làm vì điều đó. Bản chất của giáo dục không phải để thi cử mà theo ông Kiên nằm ở ba điểm: rèn luyện về mặt nhân cách, trau dồi về trí tuệ và nuôi dưỡng khát vọng. 

Nhân cách con người phải từ những điều rất nhỏ như lời cho hỏi, biết cảm ơn, xin lỗi, hiếu thuận... Những điều này, thầy cô giáo dục các em qua chính lối sống, cư xử của mình.

Thầy Kiên cho rằng, người thầy thật sự yêu thương học trò, hiểu được vai trò giáo dục của mình, sẽ tìm thấy hạnh phúc trong nghề.

Ông nói: "Có khi đi trên đường, lâng lâng với hai tiếng gọi "Thầy ơi!" hay hạnh phúc hơn nữa là có học trò của mình chọn nghề giáo vì mình đã truyền được lửa cho các em. Hạnh phúc trong cuộc sống còn gì hơn những điều như thế".

Người thầy hạnh phúc khi có trò chọn nghề giáo - 3

Theo thầy Trần Trung Kiên, hạnh phúc lớn nhất của người thầy là khi có trò chọn nghề giáo.

Đang học ngành Sư phạm tại ĐH Sài Gòn, em Thòng Kỳ Nam - cựu học sinh Trường THCS-THPT Đào Duy Anh làm nhiều người nhạc nhiên khi "bỏ hết" để chọn Sư phạm. Nam là học sinh giỏi nên mọi người đinh ninh em sẽ chọn những ngành "thời thượng" như ngân hàng, kinh tế, tài chính... 

Là thế hệ trẻ chọn Sư phạm, Nam chia sẻ, có thể nhiều ngành công nghiệp khác cho em nhiều cơ hội hơn nhưng nghề giáo là đam mê từ nhỏ của em. Nghề giáo có nhiều khó khăn, em nghe, em biết, nhiều người can ngăn... nhưng em không muốn vì thế mà không được sống đúng với ước mơ của bản thân. 

Với chàng sinh viên Sư phạm, cốt lõi của cuộc đời chính là được sống đúng với ước mơ, đam mê của mình hướng đến những điều tốt đẹp. Và chọn Sư phạm là hành trình giúp em theo đuổi ước mơ đó. 

Hoài Nam