Người thầy bỏ tiền tỷ để làm thiết bị thí nghiệm tặng trường học

(Dân trí) - Trước tình trạng “học chay” của nhiều trường học, thầy giáo Trương Anh Tuấn mặc dù đã nghỉ hưu nhưng hàng ngày vẫn say mê nghiên cứu, chế tạo các thiết bị thí nghiệm độc đáo. Nhiều sản phẩm mới được ông tặng miễn phí cho các trường học với tổng trị giá lên đến tiền tỷ.

Thiết bị thí nghiệm quang học

 

Đến thăm thầy giáo - kỹ sư Trương Anh Tuấn tại nhà riêng, chúng tôi được tận mắt chứng kiến phòng nghiên cứu, chế tạo của ông trên tầng 5 của ngôi nhà. Nhiều máy móc “mini” với vật dụng ngổn ngang ông tự hào cho biết: “Tôi cùng với một đồng nghiệp vừa nghiên cứu và chế tạo thành công thiết bị thí nghiệm dành cho bài học đệm không khí, cải tiến và phát triển thí nghiệm cho bài quang học trong bộ môn học Vật lý”.

Kỹ sư Trương Anh Tuấn đang nghiên cứu thực hiện thí nghiệm quang học
Kỹ sư Trương Anh Tuấn đang nghiên cứu thực hiện thí nghiệm quang học

 

80% trường học trên toàn quốc là học chay

Về công tác ở Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp từ năm 1985, kỹ sư Trương Anh Tuấn làm ở Công ty thiết bị giáo dục I. Nhiệm vụ của ông chủ yếu làm việc nghiên cứu và sản xuất thiết bị.

Từng là người đi thực tế và tập huấn về sử dụng thiết bị giáo dục, dưới con mắt của kỹ sư Trương Anh Tuấn thì trước đây và thậm chí là hiện nay thì có khoảng 80% trường học trên toàn quốc là học chay. Chỉ có hệ thống trường chuyên và một số trường chất lương cao thì được trang bị thiết bị thí nghiệm tương đối đầy đủ.

“Có những trường tôi đang chuẩn bị tặng thiết bị cho họ và khi khảo sát thì thấy đều hư hỏng cả. Ví dụ THCS Lê Ngọc Hân (Hà Nội), thiết bị được trang bị từ 2002 đến 2005, khi tôi đề nghị cho xem một bài thí nghiệm về quang, nhưng họ không tìm được, mỗi thứ một nơi, hỏng hết rồi, có gì có thể thí nghiệm được đâu. Tương tự ở trường THPT Quảng Xương 2, tình trạng thiết bị cũng hỏng hết rồi, không thể thực hiện thí nghiệm. Cấu tử, biến áp, nguồn hỏng rất nhiều… Nguyên nhân dẫn đến việc các thiết bị thí nghiệm hư hỏng là do khí hậu ẩm ướt, thiết bị bảo quản không có, tất cả thấu kính nấm mốc quá nặng, không sử dụng được…” - kỹ sư Trương Anh Tuấn “phác họa” tình hình thiết bị trường học sau chuyến đi khảo sát vừa qua.

Là một chuyên viên nghiên cứu, cả cuộc đời gắn bó với giáo dục nên kỹ sư Trương Anh Tuấn có những đam mê, để tâm rất nhiều làm sao có cải tiến cho nó tốt nhất, tiện lợi nhất. Ông đã tham khảo các mẫu mã, bài thí nghiệm của Hàn Quốc, Đức, Pháp, để làm sao đưa vào bài thí nghiệm đạt tiêu chuẩn và phù hợp với điều kiện tài chính.

Căn phòng trên tầng 5 của ngôi nhà là nơi nghiên cứu của kỹ sư Trương Anh Tuấn
Căn phòng trên tầng 5 của ngôi nhà là nơi nghiên cứu của kỹ sư Trương Anh Tuấn

 

“Do thiết bị không tốt, thực hiện thí nghiệm khó thành công, chuẩn bị mất nhiều thời gian nên giáo viên rất ngại làm thí nghiệm dẫn đến học sinh bị thiệt thòi” - kỹ sư Trương Anh Tuấn bày tỏ.

Cũng theo kỹ sư Trương Anh Tuấn thì có nhiều ý kiến cho rằng sau này xây dựng thí nghiệm ảo thì việc sử dụng thiết bị thí nghiệm sẽ hạn chế đi là không đúng. Các nước tiên tiến, họ vẫn sử dụng thí nghiệm trong phòng thí nghiệm thực tế. Đã là khoa học thực nghiệm cần phải thực hiện thật. Bên cạnh đó, quá trình làm thí nghiệm, ngoài việc cho các em nắm được bản chất vật lý thì rèn cho các em kỹ năng khéo léo, rất cần thiết trong thực hành, đào tạo, ngay cả việc điều chỉnh thấu kính, liên kết các cấu tử điện là rèn cho các em tính kiên trì cũng như nhẫn nại…

“Là người cả cuộc đời gắn bó với ngành giáo dục, đặc biệt là công tác thiết bị, tôi có trao đổi với các chuyên gia vật lý, họ đều có ý kiến, với các thí nghiệm ảo không thể thay thế các bài thực hành thật vì Vật lý là môn khoa học thực nghiệm” - thầy Trương Anh Tuấn bộc bạch.

Tiết kiệm tiền tỷ từ thiết thị thí nghiệm “made in” Việt Nam

Trước việc một số thiết bị thí nghiệm khó đều phải nhập khẩu từ nước ngoài về với giá thành rất đắt, kỹ sư Trương Anh Tuấn đã nỗ lực nghiên cứu trong hai năm và chế tạo thành công các thiết bị này với giá thành chỉ bằng 1/10.

Thầy Anh Tuấn cho biết, đối với thiết bị thí nghiệm bài học đệm khí thì ở Việt Nam phải nhập khẩu 99%. Một số chuyên gia kỹ thuật cũng đam mê thực hiện nhưng chưa có bộ nào sản xuất tại Việt Nam 100% cả. Đây là bài thí nghiệm khó thực hiện. Với nước ngoài thì đây cũng là một trong những bài đảm bảo độ chính xác, quá trình khí thổi đẩy xe lên dưới 0,1mm, nếu bề mặt gia công đệm khí không bằng phẳng thì bài thí nghiệm không thành công. Bài đệm khí có thể kiểm chứng tất cả các bài vật lý về cơ học. Với chương trình phổ thông, phần cơ học liên quan đến định luật Newton (lớp 10), còn Vật lý đại cương của các trường ĐH, CĐ cũng là một trong những bài ấn định của Bộ GD-ĐT, tức là bài đệm khí có mặt từ giáo dục phổ thông lên đến ĐH.

“Theo cá nhân tôi, nói đến bài đệm khí là các trường rất thích vì nó kiểm chứng các định luật Newton rất rõ ràng. Những năm cải cách trước, danh mục quy định của Bộ GD-ĐT bỏ bài đệm khí do quá đắt tiền, do ngân sách hạn hẹp. Nhưng khi cải cách xong lại đưa đệm khí vào chương trình chính thức, coi như bài nâng cao, với các trường có điều kiện và đưa vào danh mục bài thực hành với các trường chuyên vì quan niệm đào tạo học sinh giỏi. Tôi hy vọng, thời gian tới, bài này sẽ được Bộ GD-ĐT đưa vào danh mục chính thức các bài giảng trong trường phổ thông” – thầy Trương Anh Tuấn nói.

Để chế tạo thành công thiết bị thí nghiệm bài học đệm không khí “made in” Việt Nam, kỹ sư Trương Anh Tuấn đã nghiên cứu mất 1 năm. Một trong những khó khăn khi chế tạo đó là do phần cơ khí điều kiện chúng ta không như nước ngoài, và do làm ở quy mô nghiên cứu không có nhà xưởng, nên gia công để tạo mặt phẳng 1,5m thì phải có các nhà máy lớn, có công nghệ phay cơ khí lớn. Kèm theo bài đệm khí phải có đồng hồ đo thời gian đệm số. Với đồng hồ đo thời gian đệm số thế hệ cũ theo danh mục của Bộ GD-ĐT thì thực hiện đệm khí không thuận lợi, vì không có phần lưu nhớ trị số với từng cổng, không tiện lợi cho giáo viên và học sinh thực hiện thí nghiệm.

 

Những thiết bị thí nghiệm Vật lý của kỹ sư Trương Anh Tuấn cho kết quả rõ nét, giá thành chỉ bằng 1/10 so với hàng nhập
Những thiết bị thí nghiệm Vật lý của kỹ sư Trương Anh Tuấn cho kết quả rõ nét, giá thành chỉ bằng 1/10 so với hàng nhập

 

“Tôi nghiên cứu và đưa ra mẫu đồng hồ đo thời gian đệm số hoàn toàn tương thích với đồng hồ của các nước. Nếu nhập khẩu của Đức, thì chỉ đồng hồ này giá khoảng 700 USD, nhưng đồng hồ này chỉ 50 USD, giá thành đảm bảo, thực hiện trong nhiều năm. Đã đam mê thì phải lao động cật lực, miệt mài, tôi vẫn phải vay mượn bạn bè, ngân hàng, để thực hiện. Riêng bài đệm khí, tôi đã tặng cho 3 trường: THPT Mộc Lị, Mộc Châu (Sơn La); THPT chuyên Lê Hồng Phong (Nam Định) và mới đây nhất là trường THPT Trần Nhân Tông (Hà Nội)” - thầy giáo Trương Anh Tuấn chia sẻ.

Chưa dừng lại ở đó, mới đây, kỹ sư Trương Anh Tuấn tiếp tục nghiên cứu và chế tạo thiết bị thí nghiệm quang học sử dụng từ THCS đến đại học, từ các modul của nó để giảm thiểu chi phí.

Theo kỹ sư Tuấn, với quang học thì di chuyển phải đảm bảo đồng quang trục, nguồn chiếu sáng với đèn phải dễ điều chỉnh trên quang trục. Hiện nay tình trạng thiết bị của ngành giáo dục đang sử dụng một mẫu đèn mà xét về tiêu chuẩn quang học thì không đạt yêu cầu. Đèn đấy chỉ điều chỉnh được phương dọc mà không điều chỉnh được phương ngang. Kích thước không gian quá nhỏ, công suất lại lớn nên không an toàn cho giáo viên và học sinh, dễ làm bỏng tay. Điều quan trọng là không điều chỉnh được vào quang trục nên hình ảnh không rõ nét, nhưng có những bài thí nghiệm như xác định tiêu cự của thấu kính gây sai số nhiều. Giáo viên, học sinh rất khó tìm được khoảng nét một cách chính xác. Khoảng nét mà không tìm được chính xác thì không tìm được tiêu cự của thấu kính.

“Tôi đưa ra được mẫu đèn, điều chỉnh nguồn sáng vào quang trục thuận lợi nhất, lại cho hình ảnh rất sắc nét. Hiện đang khuyến khích sử dụng các phụ tải tiết kiệm điện, tôi dùng đèn led 3W, đèn hiện hữu trong các trường học là 21W, tuy là 3W nhưng hiệu suất rất tốt, cường độ sáng hơn đèn 21W. Bài quang này đang hoàn thiện nốt, chờ một số công ty gia công một số phụ kiện. Bài quang THCS sẽ tích hợp đầy đủ các định luật về quang, nói cách khác, trên bộ thí nghiệm đó, có thể thực hiện tất cả các bài quang của THCS” - thầy Anh Tuấn tiết lộ.

Theo tìm hiểu của Dân trí, gần 3 năm về nghỉ hưu đến nay, kỹ sư Trương Anh Tuấn đã tặng nhiều trường các thiết bị thí nghiệm miễn phí với tổng số tiền lên đến hàng tỷ đồng.

“Tôi không giàu có nhưng niềm đam mê thì lại không thiếu. Tôi mong muốn những sáng chế của mình sẽ giúp cho học sinh thoát khỏi cảnh “học chay” hiện nay” - thầy Trương Anh Tuấn tươi cười cho biết.

Nguyễn Hùng
(Email hungns@dantri.com.vn)