Bạn đọc viết:

Người thầy ấm lòng với tiếng “dạ thưa”

(Dân trí) - Hơn chục năm qua gặp gỡ và dạy dỗ bao nhiêu thế hệ học trò với những tiếng ê a, tiếng thưa gửi cùng với nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau buồn vui lẫn lộn, nhưng chưa bao giờ lòng người thầy thấy hạnh phúc và sung sướng như tiếng “dạ, thưa” của những học sinh cũ đã rời trường.

Không biết từ bao giờ, mỗi khi băng qua con đường làng để đến với ngôi trường thân yêu, nơi đã gắn bó với cuộc đời tôi suốt 12 năm qua, tự nhiên trong lòng trào dâng cảm giác chờ đợi khó tả. Tôi chờ đợi nhiều điều trên con đường quen thuộc này. Tôi chờ một cơn gió đến, chờ một cánh đồng lúa chín vàng vào mùa thu hoạch, chờ đợi màu tím thương nhớ của hoa trinh nữ khi vào mùa, chờ đợi một tiếng xe quen thuộc của đồng nghiệp… Nhưng dường như tất cả đều không quan trọng.

Tự hỏi lòng mình, hóa ra, tôi đang chờ đợi một tiếng “dạ, thưa” từ lứa học trò cũ - những thế hệ đã bước qua cánh cổng trường THCS thân thương của tôi.

Một điều may mắn đối với ngôi nhà thứ hai của thầy và trò nơi đây đó là ngôi trường nằm giữa cánh đồng lúa mênh mông, bạt ngàn quanh năm đầy ắp nắng, gió và hương lúa ngào ngạt. Con đường dẫn lên thành phố chạy băng qua ngôi trường tôi. Con đường này không biết đã in dấu bao nhiêu kỉ niệm buồn vui.

Những lứa học trò rời trường, dù tiếp tục học lên cấp ba hay đi học nghề đều băng qua con đường này mỗi ngày. Điều này, ít nhiều làm những người thầy như chúng tôi luôn được gặp gỡ những gương mặt thân quen mà đời “người lái đò” một lần chở các em “sang bến”.

(Ảnh minh họa)
(Ảnh minh họa)

Nhưng một điều thật lạ kì! Hơn chục năm qua gặp gỡ và dạy dỗ bao nhiêu thế hệ học trò với những tiếng ê a, tiếng thưa gửi cùng với nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau buồn vui lẫn lộn, nhưng chưa bao giờ lòng người thầy thấy hạnh phúc và sung sướng như tiếng “dạ, thưa” của những học sinh cũ đã rời trường.

Đang buổi trưa hè oi nóng, cả thầy và trò đều vội vã đi đến nơi cần đến, tất bật, thu mình trong bóng nắng. Bỗng một tiếng “dạ thưa thầy/dạ thưa cô” vang lên. Như có phép màu, lòng người thầy bỗng có một làn gió mát thoảng qua làm dịu tâm hồn. Tự nhiên trong lòng cảm xúc trào dâng.

Tiếng “dạ thưa” nhỏ thôi, chỉ hai tiếng thôi nhưng nó có sức mạnh đến kì lạ. Thì ra ước mong của người làm thầy đơn giản lắm, chỉ mong các thế hệ học sinh còn nhớ đến mình dù đã rời trường cũ, hạnh phúc hơn khi lại được nhìn thấy học sinh thân yêu của mình. Các em vẫn hồn nhiên, tươi vui như ngày nào. Nhìn thấy các em thoáng qua trên con đường dài và hẹp, nhìn các em qua ánh nắng chói chang của ngày hè, lòng người làm nghề “gõ đầu trẻ” tự nhiên thấy yêu nghề hơn, hạnh phúc căng tràn.

Tiếng “dạ thưa” mong manh trên con đường nhỏ nhưng nó có sức mạnh ghê ghớm. Nó giúp người thầy thấy nhẹ lòng và đi tiếp đoạn đường dài còn lại, nó giúp người thầy thấy mình hạnh phúc vì đã lựa chọn đúng nghề, nó giúp con người hiểu rằng “sống ở đời chỉ có cái tình là ở lại”.

Tiếng “dạ thưa” to của cả một nhóm đi học cùng nhau có, tiếng “dạ thưa” của một em học sinh đi học đơn lẻ có… Nhưng lúc nào tiếng “dạ thưa” vang lên tràn đầy niềm vui, niêm tôn trọng, háo hức, hăm hở của người thưa lẫn người nhận.

Rồi sau tiếng “dạ thưa”, bao nhiêu khuôn mặt hiện về trong đầu người thầy, họ tên từng em học sinh, sức học như thế nào, hoàn cảnh gia đình ra sao, đặc điểm về tính cách của em đó… cứ ùa về trong đầu mỗi thầy cô - những người đã nhận tiếng “dạ thưa” từ bao thế hệ học trò của mình.

Tiếng “dạ thưa” vẫn tiếp tục vang lên trên trên một đoạn đường dài, tiếng “dạ thưa” sẽ đồng hành cùng thầy và trò suốt cả năm học. Ai đã đang làm nghề “kĩ sư tâm hồn” đều rất yêu và rất muốn nghe hai tiếng “dạ thưa” này.

Thanh Thanh

(Thừa Thiên - Huế)

Mọi thông tin, bài viết đóng góp cho chuyên mục Giáo dục, quý độc giả có thể gửi ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn .

Xin trân trọng cảm ơn!