Quảng Bình:

Người phụ nữ dân tộc hiến đất làm trường học

(Dân trí) - Khi được vận động để xây dựng trường học cho các em học sinh mầm non tại bản làng của mình, người phụ nữ dân tộc Bru - Vân Kiều Hồ Thị Khun đã không ngần ngại hiến gần 800m2 đất vườn để làm điểm trường cho các cháu.

Khe Ngát là một bản nghèo thuộc thị trấn nông trường Việt Trung, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình với 100 phần trăm hộ dân là người dân tộc Bru - Vân Kiều. Toàn bản hiện có 95 hộ với trên 350 nhân khẩu. Cũng như nhiều bản làng khác ở Quảng Bình, người dân bản Khe Ngát chủ yếu sống dựa vào việc phát nương, làm rẫy nên cuộc sống còn rất nhiều khó khăn, vất vả.

Hiện nay tại bản Khe Ngát có gần 30 em học sinh mầm non. Tuy nhiên bản này vẫn chưa có phòng học cho các cháu. 8 năm qua, các cô giáo thuộc Trường mầm non Nông trường Việt Trung và các em nhỏ tại đây vẫn đang phải học nhờ tại nhà văn hóa của bản.

Các em học sinh mầm non tại bản Khe Ngát đang phải học nhờ ở nhà văn hóa
Các em học sinh mầm non tại bản Khe Ngát đang phải học nhờ ở nhà văn hóa

Để nâng cao chất lượng giảng dạy, mới đây UBND huyện Bố Trạch đã quyết định trích ngân sách để xây dựng điểm trường cho các em học sinh mầm non tại bản Khe Ngát, dự kiến công trình sẽ được khởi công xây dựng trong năm 2017. Tuy nhiên vì thiếu mặt bằng thích hợp nên chính quyền thị trấn Nông trường Việt Trung đã vận động các hộ dân trong bản hiến đất làm trường.

Trước sự cần thiết cấp bách cho con em đó , chị Hồ Thị Khun (45 tuổi), một người dân tại bản Khe Ngát đã tự nguyện hiến một phần đất của gia đình để phục vụ việc xây điểm trường mầm non cho các cháu học sinh trong bản.

Cuộc sống của chị Khun và những đứa con trong nhà còn rất nhiều khó khăn
Cuộc sống của chị Khun và những đứa con trong nhà còn rất nhiều khó khăn

Chồng chị Khun mất sớm, chị có tất cả 6 người con, trong đó 3 đứa đang đi học. Đứa con thứ 5 của chị là Hồ Thị San (SN 2013) cũng đang theo học tại lớp học mầm non ở nhà văn hóa. Hoàn cảnh gia đình chị rất khó khăn, diện tích đất canh tác ít, thu nhập của gia đình chủ yếu cũng chỉ trông chờ vào cây ngô, cây sắn và đi làm mướn.

“Mình cũng có con đang học mầm non nên rất thương các cháu, cái nhà văn hóa các cháu học chật chội tội lắm. Cũng mong bản có được cái trường mới đẹp hơn để các cháu học tập và vui chơi. Nghe nói các cháu sắp được xây trường mình cũng vui cái bụng, rứa nên khi các cán bộ vận động mình đồng ý hiến đất làm trường liền”, chị Khun tâm sự.

Tìm đến nhà văn hóa bản Khe Ngát, nơi các em học sinh mầm non đang học tập, chúng tôi mới hiểu được những khó khăn mà cô trò ở đây đang gặp phải. Hiện tại ở đây có 29 học sinh được chia làm 2 lớp, lớp dành cho 3-4 tuổi có 19 cháu và lớp 5 tuổi có 10 cháu. Vì học nhờ tại nhà văn hóa nên cơ sở vật chất và đồ dùng học tập của cô trò ở đây vô cùng thiếu thốn, đặc biệt là không có nước sinh hoạt.

“Ở đây không có nên việc vệ sinh cho các cháu rất vất vả, chúng tôi thường phải dùng xô nhựa để xách nước về dùng. Ngoài ra, mỗi lần họp bản lại phải ghép 2 lớp vào để học nên rất chật chội và không có chỗ cho các em ngồi” - cô Hoàng Thị Vương, giáo viên Trường mầm non Nông trường Việt Trung chia sẻ.

Cô Vương cũng cho biết, khi nghe tin huyện có chủ trương xây dựng điểm trường và chị Hồ Thị Khun đồng ý hiến đất để làm trường, các cô giáo và phụ huynh vô cùng phấn khởi. Các giáo viên cắm bản tại Khe Ngát cũng hy vọng điểm trường sớm được khởi công và hoàn thành để học sinh của mình được học tập tốt hơn.

Mảnh đất của chị Khun sẽ là nơi để xây dựng điểm trường khang trang cho các cháu mầm non trong bản Khe Ngát
Mảnh đất của chị Khun sẽ là nơi để xây dựng điểm trường khang trang cho các cháu mầm non trong bản Khe Ngát

Trao đổi với Dân trí, ông Nguyễn Đức Trường, Chủ tịch UBND thị trấn Nông trường Việt Trung cho biết, việc tự nguyện hiến đất làm trường của chị Khun đã được địa phương đánh giá rất cao. Ông Trường cũng cho biết, với sự nỗ lực của chính quyền và người dân, đời sống tại bản Khe Ngát đang dần được nâng cao, vượt qua cái đói, cái nghèo để đi lên.

“Chị Khun là một tấm gương trong việc xây dựng thôn bản, mặc dù cuộc sống còn vất vả, con còn nhỏ, đất canh tác không có nhiều nhưng khi được vận động, gia đình chị Khun đã không ngần ngại hiến đất nhà mình. Trước việc làm đó của chị, UBND thị trấn cũng đã có chính sách hỗ trợ một phần kinh phí cho gia đình này”, ông Trường cho hay.

Tiến Thành

Dòng sự kiện: Gương sáng giáo dục