Bạn đọc viết:

Ngợp với ôn thi như bão táp của... học sinh lớp 2!

(Dân trí) - Đọc bài viết “Mới học chữ hơn 3 tháng, trẻ lớp 1 đã toát mồ hôi với đề cương hàng trang A4” trên báo Dân trí, tôi rất chia sẻ với nỗi lòng của nhiều phụ huynh có con đang tập tành học chữ.

Con gái tôi cũng vừa trải qua giai đoạn “chạy nước rút” đầy áp lực hồi lớp 1 ấy. Và giờ cháu đang học lớp 2 cũng ôn thi học kỳ như bão táp!

Cuối tuần này, cháu bắt đầu thi hai môn chính là Toán và Tiếng Việt. Vậy là đầu tuần trước cô giáo đã bắt tay vào ôn tập cho cả lớp liên tục từ tiết này sang tiết khác. Bạn nào chưa thuộc hoặc chưa đạt yêu cầu phải ở lại lớp giờ ra chơi để lớp trưởng dò bài.

Hai ngày cuối tuần trước, cô giáo giao hai xấp bài luyện tập Toán và Tiếng Việt dày cộm yêu cầu các cháu hoàn thành. Đó là các dạng đề đã kiểm tra trong những năm trước và đề mở rộng trong các sách luyện tập. Vậy là cháu phải cắm cúi làm từ trang A4 này đến trang A4 kia.

Vì số lượng bài quá nhiều, cháu phải làm đến 11h đêm chủ nhật tuần trước vẫn chưa xong, vậy là hẹn đồng hồ 5h sáng thứ 2 dậy làm tiếp trước khi đến lớp. Còn cô bạn thân làm lớp trưởng của cháu kể phải thức đến 12h đêm đó trong tình cảnh ngáp ngắn ngáp dài còn bố mẹ cháu thì hối thúc đi ngủ vì thương con.

Một đứa trẻ mới lớp 2 mà đã thức khuya dậy sớm ôn bài, đúng là chạnh lòng! Nhưng chừng ấy vẫn chưa xong, hôm sau đến lượt ôn các bài tập đọc và trả lời câu hỏi. Phần luyện đọc diễn cảm bọn trẻ có thể tự ôn, bố mẹ chỉ giúp sức trong việc đọc câu hỏi đọc - hiểu và theo dõi con trẻ trả lời. Mọi thứ lặp đi lặp lại đến như cháo chảy mới làm bọn trẻ hài lòng vì sợ… cô la.   

Tiếp theo ôn luyện lại các dạng toán trong sách giáo khoa mà cô giáo đã chỉ định. Những phép tính lặp đi lặp lại với chi chít con số cộng trừ có nhớ, không nhớ khiến con trẻ “đánh vật” bên bàn học suốt cả buổi tối. Nhiều lúc nhìn con tính toán cộng trừ liên tục, tôi thấy thương vô cùng và nhanh nhảu đọc đáp án cho cháu ghi vào kết quả bởi chính tôi cũng đang choáng ngợp về độ dài và khó của toán lớp 2.

Hôm qua, cháu lại đem về nhà 5 đề làm văn đã viết ở lớp, giờ viết lại và phải thuộc lòng để cô giáo dò bài. Cô đã dặn đi dặn lại là đề thi nằm ở 5 đề bài ấy: Viết về mẹ em, gia đình em, cô giáo của em, anh chị em và một người bạn ở lớp. Thấy con ngồi loay hoay viết mà không hỏi han bài vở gì, tôi dò hỏi thì được biết bọn trẻ đã thuộc lòng 5 bài văn ấy từ lâu, giờ chỉ nhớ và viết lại để dò… trí nhớ và lỗi chính tả.

Lời ca thán “cách học không phải động não nhưng lại rất vất vả” của một phụ huynh trên báo Dân trí hoàn toàn chí lý và phản ánh trần trụi cách học và thi hiện nay ở tiểu học. Những đề bài “gạ” sẵn, cách “ôn tủ” và học sinh thi theo kiểu “chép thuộc lòng” hiện nay đang diễn ra nhan nhản ở nhiều nơi.

Nguyên nhân của thực trạng ấy bắt nguồn từ nhiều phía. Và chắc chắn rằng nguyên do cốt lõi của việc học “tủ”, thi “tủ” ấy bắt nguồn từ áp lực thành tích, điểm số của nhà trường và cả phụ huynh. Khi chất lượng học sinh giỏi ở tiểu học được đăng ký cao ngất ngưởng gần như tuyệt đối thì lẽ tất nhiên giáo viên phải lo lắng việc đạt chỉ tiêu. Mà muốn đạt chỉ tiêu thì chỉ còn cách chạy đua để ôn thi.

Và chúng ta cũng phải thẳng thắn nhìn nhận căn bệnh thành tích này đang được một bộ phận phụ huynh tích cực “đẩy thuyền” bằng nhiều cách: ép con ôn luyện, căn dặn đủ điều, gửi gắm giáo viên, năn nỉ xin điểm… Bởi họ cũng muốn con đạt điểm giỏi, mà phải trọn vẹn 10 điểm mới hài lòng. Vậy nên, trẻ làm toán không được sai một phép tính nhỏ nào, viết chính tả phải không lỗi, tập làm văn phải chỉn chu!

Kỳ vọng của người lớn chúng ta hầu như không có điểm dừng, chỉ tội cho những đứa trẻ phải oằn mình gánh áp lực thi cử, điểm số, thành tích. Càng ngẫm nghĩ về những đứa trẻ lớp 1 ôn đề cương hàng trang A4, lớp 2 thức khuya dậy sớm ôn bài, tôi càng thấy chạnh lòng bởi con đường học hành ấy sớm chông chênh và sẽ còn lắm gian nan phía trước…

Nguyễn Thùy

Mọi thông tin, bài viết đóng góp cho chuyên mục Giáo dục, quý độc giả có thể gửi ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn.  

Xin trân trọng cảm ơn!