Nghịch cảnh tuyển sinh “vét”

Ngày 20/10, mùa tuyển sinh Đại học, cao đẳng 2015 mới chính thức khép lại nhưng hiện đa số các trường đã dừng xét tuyển từ đợt 3, tức là từ cuối tháng 9 và chỉ còn một vài trường CĐ vẫn kiên trì với hy vọng “vớt” được thí sinh trong đợt xét tuyển cuối cùng.


Nhiều trường không theo được đến đợt cuối xét tuyển ĐH, CĐ vì cho rằng đã hết thí sinh.

Nhiều trường không theo được đến đợt cuối xét tuyển ĐH, CĐ vì cho rằng đã hết thí sinh.

Nhiều trường không thể tìm đủ sinh viên

Câu hỏi thí sinh năm nay đi đâu được đặt ra với không ít trường, cả ĐH và CĐ. “Chắc chắn không phải vì chất lượng đào tạo. Nhiều trường đã hoạt động nhiều năm nay, được đầu tư liên tục, đã khẳng định uy tín nhưng vẫn không thể tuyển sinh đủ. Nguyên nhân không tuyển được sinh viên ở đây không chỉ xuất phát từ chủ quan các trường”- GS Trần Hữu Nghị, Hiệu trưởng trường ĐH dân lập Hải Phòng nhấn mạnh. “Ngành nông học của trường từ 2 - 3 năm nay rất khó tuyển nhưng trường vẫn cố giữ. Không hiểu năm nay trường có duy trì ngành này được hay không khi hiện số nhập học chỉ trên dưới chục em”, GS Trần Hữu Nghị cho biết thêm.

Trường ĐH dân lập Phương Đông may mắn hơn nhiều trường bạn khi nhận được gần 1.500 hồ sơ đăng ký xét tuyển. Tuy nhiên, so với chỉ tiêu, trường này còn thiếu hơn 700 sinh viên cả hệ CĐ và ĐH. “Chúng tôi không hy vọng tuyển đủ chỉ tiêu trong thời điểm khó khăn như năm nay. Chính vì vậy, dù thiếu hơn 1/3 chỉ tiêu, trường cũng tạm bằng lòng và quyết định dừng xét tuyển trước thời hạn của Bộ GD-ĐT” – PGS Bùi Thiện Dụ, trường ĐH Phương Đông cho biết.

Trong khi đó, các trường CĐ còn gặp nhiều khó khăn hơn. Trường Cao đẳng Bách Việt đã nhập học cho hơn 1.000 sinh viên trong tổng chỉ tiêu tuyển sinh đề ra là 2.400 cho hệ CĐ, tức còn thiếu đến hơn 50% chỉ tiêu tuyển sinh. TS Trần Mạnh Thành - Phó Hiệu trưởng trường CĐ Bách Việt cho biết, so với những năm trước, năm nay trường CĐ Bách Việt tuyển sinh không đạt. Nhiều trường hiện không muốn đưa ra con số tuyển sinh năm nay bởi lo ảnh hưởng đến hình ảnh nhà trường và cho biết sẽ đề xuất, kiến nghị Bộ GD-ĐT có giải pháp cả trước mắt và lâu dài ngay khi kết thúc đợt xét tuyển này.

Phát triển nóng sẽ dẫn đến đóng cửa

Chưa năm nào ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội lại phải kéo dài xét tuyển như năm nay khi số chỉ tiêu còn thiếu ở hệ ĐH là 2.300 và CĐ là 350. GS Vũ Văn Hóa, Phó Hiệu trưởng trường này lo ngại: “Trường hiện có hơn 1.000 giảng viên cơ hữu, tương lai của họ sẽ ra sao nếu cứ tiếp diễn tình cảnh tuyển chưa được 50% chỉ tiêu như hiện nay?”. Ông Trần Mạnh Thành, Phó Hiệu trưởng Trường CĐ Bách Việt cũng đặt vấn đề, với thực trạng tuyển sinh chỉ đạt trên dưới 50% chỉ tiêu như vậy, một số trường ĐH, CĐ ngoài công lập sẽ có nguy cơ đóng cửa ngành, thậm chí đóng cửa trường nếu như không có đủ tiềm lực để duy trì.

Nguyên nhân được chỉ ra ở đây, theo GS Trần Hữu Nghị là do phát triển nóng ở bậc đại học. Các trường ĐH vùng, ĐH địa phương công lập vẫn liên tục được thành lập, tuyển “vét” đến mức sàn lượng thí sinh có nhu cầu học ĐH. Với  hơn 400 trường ĐH, CĐ trên cả nước, chia bình quân mỗi tỉnh/thành có gần 7 trường, nên việc thí sinh “khan hiếm” là điều dễ hiểu.

Năm 2015,  gần 580.000 thí sinh đủ điểm sàn xét tuyển thì ngay trong đợt xét tuyển đầu tiên đã có gần 555.000 thí sinh trúng tuyển. Hơn 20.000 thí sinh còn lại chắc chắn phải cân nhắc kỹ năng lực cá nhân, cơ hội việc làm và khả năng tài chính trước khi chọn đăng ký vào các trường ĐH dân lập hay CĐ. Với họ, một khi đã trượt đợt tuyển sinh đầu thì phần lớn đã mất cơ hội vào những ngành nghề phù hợp. Việc chọn vào các trường còn chỉ tiêu trong đợt xét tuyển bổ sung chỉ là phương án thay thế hoặc là “chỗ trú chân” chứ không phải sự lựa chọn phù hợp với năng lực, nguyện vọng.

Trước giải pháp tạm dừng một số ngành đào tạo trước mắt và đóng cửa, sáp nhập trường ĐH, CĐ không tuyển sinh được trong tương lai để tránh lãng phí, PGS Bùi Thiện Dụ cho rằng đây là lộ trình tất yếu. “Việc cố duy trì một đơn vị hoạt động không hiệu quả là sự lãng phí, né tránh, không đồng nghĩa với giữ vững chất lượng giáo dục. Tôi cho rằng sáp nhập, cơ cấu lại là cần thiết, chỉ có điều đừng mang tính áp đặt, mang tính chủ quan mà phải theo định hướng, nhu cầu xã hội” – PGS Bùi Thiện Dụ chia sẻ.

Trước tình trạng tuyển sinh èo uột, kéo dài, không hiệu quả của một số trường ĐH, CĐ từ nhiều năm và đặc biệt là năm nay, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cũng thừa nhận đây là sự lãng phí nhân lực, vật lực. Bên cạnh đó, Thứ trưởng Bùi Văn Ga cũng cho biết, Bộ có thể tính đến phương án cơ cấu lại hệ thống các trường hợp lý hơn dựa vào đánh giá, đề xuất của địa phương cũng như bản thân các trường.

Theo Vinh Hương

An Ninh Thủ Đô