Nghị lực vượt lên số phận của “thầy giáo không bằng cấp”

(Dân trí) - Sinh ra và lớn lên tại miền quê nghèo lại mắc biến chứng sau một cơn sốt rét, hoàn cảnh khó khăn, bệnh tật đeo bám khiến anh phải bỏ dở đèn sách từ năm học lớp 7. Tuy nhiên, với nghị lực phi thường, gần 20 năm qua, anh đã trở thành “thầy giáo” ôn thi cho hàng trăm học sinh đỗ đại học.

Anh là Đặng Tiến Dũng (SN 1957, trú xã Phúc Đồng, Hương Khê, Hà Tĩnh). Năm học 2018-2019 vừa qua, cả 21 học sinh được anh Dũng bồi dưỡng đều thi đỗ đại học từ 20,5 đến 24 điểm.

Tuổi thơ thiếu may mắn

Năm lên 6, cậu bé Đặng Tiến Dũng đang học dở lớp 1, sau đợt sốt rét ác tính biến chứng, lên cơn co giật, Dũng phải bỏ học để chữa bệnh. Thương con, bố mẹ đưa Dũng đi chữa bệnh, từ bệnh viện huyện đến tỉnh, từ Tây y đến Đông y suốt 3 năm trời nhưng không khỏi hẳn, Dũng bị liệt một chân.

Dù vậy, vì ham học nên Dũng xin bố mẹ vào học chương trình lớp 4 theo bạn bè cùng trang lứa, bỏ qua chương trình các lớp trước. Thấy con sáng dạ, có chí nên dù bận công việc, bố mẹ và các anh thay nhau cõng Dũng đi học.

Học đến lớp 7 thì bệnh cũ tái phát, một chân bị liệt hẳn, không tự đi lại được, bố của Dũng nhờ Binh trạm 12, Đoàn 559 đóng quân tại xã giới thiệu để đưa con ra Bệnh viện Quân y 108 chữa bệnh.

Trong chiến tranh ác liệt, việc đi lại rất khó khăn; dù có tốn kém và gian nan đến mấy, gia đình quyết vượt qua để thay nhau chăm sóc Dũng. Hơn 2 năm điều trị vẫn không có chuyển biến, một chân Dũng bị tê liệt hoàn toàn.

Trở về quê, vì chiến tranh phá hoại ác liệt, trường cấp ba sơ tán cách nhà hai mươi cây số, Dũng không thể đi học tiếp. Dũng buồn lắm nhưng số phận là vậy, biết làm sao được.

Nghị lực vượt lên số phận của “thầy giáo không bằng cấp” - 1

Anh Đặng Tiến Dũng - người thầy không bằng cấp.

Thấu hiểu hoàn cảnh và nghị lực, vả lại, thấy Dũng có chữ đẹp, thông minh nên xã đã bố trí Dũng làm thống kê, kế toán hợp tác xã, sau đó huyện hợp đồng làm công tác địa chính. Công tác ở huyện được ít năm, Dũng lại trở về địa phương làm bưu điện và thống kê xã; tham gia công tác Đoàn.

Hết tuổi Đoàn, anh trở về tự lao động để kiếm sống, xây dựng mái ấm gia đình. Ngoài trồng trọt, chăn nuôi, Dũng còn làm thợ xây, thợ mộc, sửa chữa xe máy. Những công việc ấy, người bình thường đã mệt, huống gì người tàn tật như anh, nhưng gánh nặng gia đình đặt lên vai, Dũng phải ráng sức chịu đựng, không nề hà bất cứ việc gì để mưu sinh, nuôi con ăn học.

Con học cha, cha học con

Đời anh phải bỏ dở đèn sách từ lớp 7 nhưng với các con anh đang ở tuổi ăn, tuổi học thì làm sao đây? Câu hỏi khó tìm lời giải khi Dũng là trụ cột của gia đình nhưng bị tàn tật, ốm đau thường xuyên, hoàn cảnh gia đình vô cùng khó khăn.

Thương bố mẹ, các con anh siêng năng, chịu khó lao động để đỡ đần gia đình, vừa có tiền ăn học. Điều đó đã giúp anh vơi đi phần nào sự mặc cảm của số phận và bệnh tật. Anh vật lộn với nhiều nghề và làm ruộng, buôn bán, tích góp từng đồng và vay ngân hàng hàng trăm triệu để đầu tư cho con ăn học.

Nghị lực vượt lên số phận của “thầy giáo không bằng cấp” - 2

Anh Dũng luôn trau dồi kiến thức sau mỗi ngày đứng lớp.

Ngày đi làm, đêm về anh phải làm người thầy “bất đắc dĩ”, cùng các con đèn sách ôn luyện, trau dồi kiến thức để kèm cặp các con học hành. Vậy là con học lớp nào anh học lớp đó. Anh tự học và làm học trò của con, đồng hành cùng con giải hết bài toán này đến bài toán khác. Sau khi cháu lớn vào đại học, anh lại bày dạy cho những đứa tiếp theo, rồi trở thành thầy giáo để phụ đạo cho con.

Sau bao gian truân, vất vả của anh đã được bù đắp. Đến nay, năm đứa con anh đều tốt nghiệp đại học, đều có việc làm ổn định, là giảng viên trường đại học, giáo viên THPT, giám đốc doanh nghiệp. Trong đó có 1 cháu đã học xong cao học, 2 cháu đang làm luận văn thạc sỹ.

“Điều hạnh phúc là các cháu không chỉ học giỏi mà tích cực tham gia hoạt động xã hội, có ý thức rèn luyện phấn đấu” - anh vui mừng “khoe” với tôi.

Năm cháu đều đạt học sinh giỏi tỉnh và quốc gia, đều tốt nghiệp đại học loại giỏi và đều được kết nạp vào Đảng tại các trường đại học. Ba cháu đạt giải Ba Sinh viên nghiên cứu khoa học, hai cháu được bầu chọn đi dự Đại hội Sinh viên tiêu biểu toàn quốc; được nhận học bổng toàn phần của trường đại học và học bổng sinh viên nghèo học giỏi do công ty Điện lực Hà Nội trao tặng. Cháu út được Trung ương Đoàn tặng giải thưởng Lý Tự Trọng, được nhận học bổng VietKids. 

Anh tâm niệm, cho con vàng bạc không bằng cho con kiến thức để mở mang tầm nhìn, để con tự lập trong cuộc sống.

"Người thầy không bằng cấp"

Từ việc dạy, ôn thi cho các đứa con đỗ đạt cao, anh Đặng Tiến Dũng được làng xóm biết đến và gửi con nhờ giúp đỡ trong việc học tập. Tiếng lành đồn xa,  học sinh đến xin học ngày càng đông, anh bồi dưỡng chương trình từ cấp một đến cấp ba, không chỉ có Toán, Lý, Hóa mà cả chương trình Ngữ văn cho các em trong xã, trong huyện và các huyện Can Lộc, Đức Thọ, Vũ Quang của tỉnh Hà Tĩnh. Hiện, anh Dũng còn mở thêm một lớp ở thành phố Hà Tĩnh.

Buổi đầu mở lớp dạy thêm đối với anh không ít gian truân. Vì muốn con nên người, anh gắng cập nhật kiến thức để giúp con mà thôi, anh không có chứng chỉ sư phạm và không nghĩ đến việc mở lớp dạy thêm, nhưng nhiều phụ huynh đến nhờ gửi con theo học, nể quá anh phải nhận lời. Từ đó bất đắc dĩ anh trở thành “thầy giáo không bằng cấp”.

Nghị lực vượt lên số phận của “thầy giáo không bằng cấp” - 3

Anh Dũng ôn luyện cho học trò tại nhà.

“Có lần, 8 cháu thi vào lớp 10 không đậu vì tỷ lệ tuyển sinh 1/4, các cháu đến xin học, mùa thi năm ấy, cả 8 cháu được tôi bồi dưỡng đều đậu vào lớp 10. Một hôm thầy T. là Hiệu trưởng trường THCS đến phê bình tôi gay gắt, bảo chưa học xong chương trình cấp 2 mà đi làm thầy, làm con người ta thêm dốt. Tôi buồn lắm, nhưng nén chịu; vì nể dân làng nhờ, mặt khác thương các cháu nên tôi phải ngăn ki - ốt làm đôi để bên ngoài sửa xe, bên trong mở lớp, hạn chế những dèm pha ác ý từ mọi người” - anh Dũng nhớ lại.

Cho tới khi, câu chuyện về anh được viết lên mặt báo, được các vị lãnh đạo đến thăm và động viên, anh mới công khai mở lớp. Cũng từ đó (khoảng năm 2000), anh không làm nông, làm nghề khác nữa, chỉ tập trung bồi dưỡng học sinh.

(Còn nữa)

Trần Thanh Bình

(Chủ tịch Hội Khuyến học Hà Tĩnh)