Nghèo khó không dập tắt được ước mơ

Từ khi sinh ra đến nay, không biết mặt cha và mẹ bị bệnh hiểm nghèo nhưng Nguyễn Văn Nam vẫn quyết tâm học hành và thi đỗ trường Đại học Bách Khoa Hà Nội. 18 tuổi, tự mình bươn chải để tồn tại, Nam đã có cho mình những bài học quý báu về tinh thần tự lực.

“Đứa con của xã hội”

Nam không biết cha mình là ai, còn mẹ thì mắc bệnh hiểm nghèo. Nam lớn lên được là nhờ sự cưu mang của ông bà ngoại và họ hàng bên ngoại. Cách đây 12 năm, tưởng như Nam suýt không được vào học lớp 1 vì nay ở nhà này, mai ở nhà khác. Thời thơ ấu của Nam đầy cơ cực.

Nhớ lại quãng thời gian đã qua, Nam thở phào nhẹ nhõm bởi cuối cùng cũng đã vượt qua được những chuỗi ngày học hành lẫn kiếm ăn đắp đổi! Kỳ thực, ngoài mẹ ra, Nam còn có một người anh trai cùng mẹ khác cha. Nhưng anh trai Nam chỉ là một nông dân nghèo, lại đã có vợ và 2 con, có thương em cũng chỉ để trong lòng, chẳng nuôi nổi em.

Để theo học THPT, Nam cố gắng “cân đối” chi phí cho việc học hành của mình. Vở thì hầu như không phải mua (vì được tặng). Sách giáo khoa thì các thầy cô giáo trong trường THPT Kim Anh (nơi Nam theo học) cho mượn. Các thầy cô giáo đó còn thỉnh thoảng tìm cách trợ giúp Nam về vật chất.

Nam tâm sự: “Ngoài người thân, tôi sẽ phải mang ơn suốt đời những người như thầy giáo Thuận (hiệu trưởng), cô giáo Hoa (giáo viên chủ nhiệm), cô giáo Bích (cán bộ Đoàn)... Những cử chỉ giúp đỡ, quan tâm của các thầy, cô giáo đã mang đến cho tôi sự cổ vũ tinh thần rất lớn”.

Xã Minh Phú (Sóc Sơn, Hà Nội) của Nam là vùng quê nghèo, người dân lam lũ nên ít người theo học lên cao. Được tiếng là “người Hà Nội” nhưng cả xã mỗi năm chỉ vài người đỗ đại học. Việc Nam đỗ trường Đại học Bách khoa Hà Nội trong kỳ thi tuyển sinh đại học năm 2006 (với số điểm 24,5) đã trở thành sự kiện.

Nghèo khó không dập tắt được ước mơ

Nam nhớ lại: “Ngày nhận được giấy báo trúng tuyển, em đã ngồi kiểm lại tài sản của mình. Tổng cộng em có 1.820.000 đồng. Đó là số tiền em gom góp bao nhiêu năm từ rất nhiều nguồn. Chủ yếu là từ các khoản được khen thưởng vì thành tích học sinh giỏi. Tôi tự nhủ, mình thật may mắn vì được đi học đại học, vì thế có phải vừa đi học vừa đi bán bánh mì thì cũng phải cố mà học!”.

Không chỉ có ý chí tự lực cánh sinh mà Nam còn là người lạc quan bởi tự biết động viên mình.

Những ngày đầu lên Hà Nội đi học thật gian nan. Mất một tháng rưỡi đầu tiên, Nam gần như “tứ cố vô thân”. Không nơi ăn chốn ở, không có tiền mua tài liệu, thư viện trường đang xây nên không mượn được sách, Nam không học nổi. Qua thầy giáo cũ ở trường THPT Kim Anh, Nam được làm quen với một sư thầy. Thầy nhận đỡ đầu cho Nam rồi gửi Nam ở nhà chú Thủy (người bạn của thầy).

Nam kể: “Chú Thủy là bộ đội, tốt bụng lắm. Nhà chú gồm 2 vợ chồng, 2 đứa con và một bà mẹ già nhưng tổng số nhân khẩu trong nhà chú hiện nay lên đến 11 người!”.

Ngoài Nam ra, còn 5 anh chị sinh viên khác đang ở nhờ nhà chú. Mỗi người chỉ phải đóng 300.000 đ/ tháng tiền ăn. Nhà chú Thủy cũng đồng thời là xưởng giày da công (cô Dung, vợ chú Thủy phụ trách).

Ngoài giờ học, Nam cùng các anh chị khác phụ giúp xưởng giày, tiền thu được phục vụ các chi phí sinh hoạt và bù vào tiền ăn. Việc nhà tự mấy anh chị em cất đặt sắp xếp với nhau. Việc của Nam hàng ngày là rửa bát buổi tối và lau rửa cầu thang ngôi nhà 5 tầng. 

Cuộc sống mưu sinh và học hành tuy chật vật nhưng không dập tắt được mơ ước trở thành một nhà khoa học giỏi của Nam. Đến lễ nhận học bổng Khuyến khích Tài năng trẻ báo Tiền phong, Nam tâm sự: “Trước mắt là học thật giỏi để có học bổng du học nước ngoài, có thế mới mở rộng tầm nhìn được”. 

Theo Quý Hiên
Tiền Phong