Ngày Khuyến học Việt Nam 2/10: Tôn vinh lòng hiếu học

(Dân trí) - Hôm nay 2/10 - Ngày Khuyến học Việt Nam, đây là ngày mà nhiều người dân Việt Nam nhớ tới những gia đình khoa bảng, gia đình nổi tiếng về lòng hiếu học, cộng đồng khuyến học… một nét đẹp dân tộc Việt Nam luôn được đề cao và vun đắp.

Tháng 9/2008, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định số 1271/QĐ-TTg lấy ngày 2/10 hàng năm là “Ngày Khuyến học Việt Nam” với mục đích động viên các tầng lớp nhân dân, các tổ chức xã hội tham gia công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập; tôn vinh những gương sáng hiếu học, tập thể, cá nhân có thành tích trong công tác khuyến học, khuyến tài.

Không chỉ vậy, trong tháng 10 có rất nhiều sự kiện lịch sử quan trọng về giáo dục như Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi chống nạn thất học (10/1945); tháng 10/1968, Người gửi bức thư cuối cùng cho ngành giáo dục yêu cầu “Dù khó khăn đến đâu cũng phải tiếp tục thi đua dạy tốt và học tốt”; ngày 2/10/1996, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ nhất Hội Khuyến học Việt Nam…

Niềm vui của học sinh khi được tới trường.

Niềm vui của học sinh khi được tới trường.

Gia đình hiếu học - Mô hình độc đáo của Việt Nam

Hội Khuyến học Việt Nam tự hào là người kế tục và phát triển truyền thống hiếu học của dân tộc. Hội đã đưa phong trào khuyến học, khuyến tài với cuộc vận động xây dựng gia đình hiếu học (GĐHH), dòng họ hiếu học (DHHH), cộng đồng khuyến học (CĐKH) lên một tầm cao mới. Xây dựng GĐHH-DHHH-CĐKH đã trở thành phong trào quần chúng rộng khắp trong cả nước, thể hiện truyền thống hiếu học vốn có từ ngàn xưa của dân tộc và đã trở thành nét đẹp văn hóa Việt Nam.

Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam Nguyễn Mạnh Cầm khẳng định: “Gia đình hiếu học” và “Dòng họ khuyến học” là mô hình độc đáo của Việt Nam, nhân tố cần thiết và quan trọng để phát huy phong trào khuyến học, khuyến tài, đặc biệt để xây dựng cả nước trở thành một “xã hội học tập”.

Thực hiện những tiêu chí của “Gia đình hiếu học” và “Dòng họ khuyến học”, con em chúng ta không những được tạo điều kiện đến trường trở thành những học sinh giỏi, trò ngoan gắn “văn với lễ” mà còn thúc đẩy người lớn ra sức học tập tiếp thu khoa học- công nghệ, bồi bổ kiến thức, nâng cao tay nghề, phát triển sản xuất, cải thiện đời sống, xoá đói, giảm nghèo, làm giàu chính đáng, góp phần thiết thực vào sự phát triển của đất nước.

Theo GS Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam, hiện nay, trong cả nước đã có trên 5,5 triệu gia đình hiếu học và hơn 50 nghìn dòng họ khuyến học được cấp giấy chứng nhận gia đình hiếu học, dòng họ hiếu học, hàng nghìn cụm dân cư khuyến học. Yêu cầu đối với gia đình hiếu học và dòng họ hiếu học là mỗi gia đình hiếu học có ít nhất 1 hội viên khuyến học, mỗi dòng tộc hiếu học có 1 chi hội (hay 1 ban) khuyến học. Chính yêu cầu này đã góp phần không nhỏ vào việc nâng số lượng hội viên Hội Khuyến học lên tới gần 11 triệu người, chiếm trên 12 % dân số trong cả nước. Như vậy, gia đình hiếu học và dòng họ hiếu học là yếu tố hết sức cần thiết đối với công tác tổ chức và công tác hội viên của Hội Khuyến học Việt Nam”.

Để thực hiện tốt việc xây dựng gia đình hiếu học, nhân dân tại nhiều địa phương đã chia gia đình hiếu học thành nhiều loại như gia đình thành đạt, gia đình cử nhân, gia đình tiến sĩ. Về dòng họ, ở những nơi không có những gia đình trong họ tộc quần tụ, nhân dân đã tôn vinh những tổ dân phố, những thôn bản, xóm, làng khuyến học, tổ dân phố khuyến học… Nhiều tổ chức tôn giáo tích cực tham gia phong trào này, nhiều xứ đạo, nhà thờ, nhà chùa đã đạt danh hiệu Xứ Đạo, nhà thờ, nhà chùa khuyến học.

Hàng nghìn cộng đồng khuyến học trên từng địa bàn dân cư đã tạo ra nhiều điều kiện tinh thần và vật chất để động viên các gia đình, các dòng họ tham gia học tập theo yêu cầu xây dựng xã hội học tập... và xây dựng khu dân cư văn hóa, làng văn hóa...

Chung tay vun đắp sự nghiệp giáo dục

Phong trào xây dựng và phát triển Quĩ khuyến học cũng được phát triển mạnh mẽ với nhiều hình thức phong phú. Hiện nay, Quỹ khuyến học đã có ở tất cả các cấp Hội, các cơ quan, đơn vị, nhà trường, doanh nghiệp, dòng họ, nhà chùa, nhà thờ... ngoài sự đóng góp của cộng đồng, các nhà hảo tâm còn có hình thức tài trợ học bổng 1+1, 1+ N... như TPHCM, các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long; phong trào 3 đỡ đầu như ở Quảng Ninh; Phong trào “heo đất khuyến học” khởi đầu từ TPHCM đã lan tỏa ra nhiều tỉnh, thành, rồi “đàn ong khuyến học”, “hàng cây khuyến học”..., nhiều tỉnh, thành xây dựng quỹ khuyến học mang tên Danh nhân, tên của những vị cách mạng tiền bối, những chiến sĩ cách mạng tên tuổi, hoặc vùng đất địa linh nhân kiệt... các chương trình giao lưu văn nghệ.

Chương trình gặp gỡ đầu xuân, chương trình, “Ước mơ Việt Nam”, “Vòng tay đồng đội”, “Chắp cánh ước mơ”, “Gương sáng học đường”, “Tiếp sức em đến trường”... đã thu hút được sự tài trợ của nhiều nhà hảo tâm, doanh nhân, doanh nghiệp tâm huyết với sự nghiệp giáo dục liên tục mỗi năm tài trợ hàng tỷ đồng cho Quỹ khuyến học, khuyến tài; cùng nhiều Việt kiều cũng tham gia đóng góp cho quỹ học bổng hoặc tổ chức trao trực tiếp cho học sinh, sinh viên nghèo... Vài ba năm trở lại đây, năm nào Quỹ khuyến học, khuyến tài cũng có số thu đến trên một ngàn tỷ đồng để mỗi năm cấp học bổng cho trên 3 triệu học sinh, sinh viên nghèo hiếu học, con em thương binh, liệt sĩ có hoàn cảnh khó khăn, khen thưởng cho hàng ngàn học sinh, sinh viên học giỏi, hàng ngàn thày, cô giáo dạy giỏi nhưng có hoàn cảnh khó khăn.

Ngoài việc hỗ trợ bằng tiền, nhiều nhà hảo tâm còn ủng hộ hiện vật, hiến đất xây trường mầm non, trường nội trú, trường bán trú dân nuôi, trường phổ thông, tổng giá trị mỗi năm lên đến hàng trăm tỷ đồng.

Các thí sinh xuất sắc đoạt giải Nhân tài Đất Việt.

Các thí sinh xuất sắc đoạt giải Nhân tài Đất Việt.

Cùng với việc tôn vinh, khen thưởng các thủ khoa hàng năm của Nhà nước và các địa phương, cuộc thi “Nhân tài đất Việt” đã tiếp tục được Hội Khuyến học tổ chức hàng năm, phát hiện nhiều nhà khoa học có triển vọng, chủ yếu là lực lượng trẻ với nhiều công trình nghiên cứu xuất sắc về công nghệ thông tin và khoa học tự nhiên, trong số đó hàng chục công trình đã được ứng dụng có hiệu quả vào sản xuất và đời sống, một số còn được xuất khẩu ra nước ngoài. Các cuộc thi “Nhân tài đất Việt” đã được Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, dư luận và các nhà khoa học đánh giá cao.

Trong kỷ niệm 15 năm thành lập Hội Khuyến học Việt Nam, Tổng Bí thư Ban Chấp hành TƯ Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng đã gửi thư tới Đại hội Khuyến học Việt Nam, trong thư Tổng Bí thư vui mừng viết rằng: “Hội Khuyến học Việt Nam đã xây dựng và phát triển Hội đến từng địa bàn dân cư, cơ sở; phát triển và sáng tạo nhiều phong trào, mô hình khuyến học, thiết chế giáo dục, khơi dậy và phát huy truyền thống hiếu học của dân tộc, động viên các tầng lớp nhân dân, từng gia đình, từng dòng họ, từng cụm dân cư tham gia học tập, đáp ứng yêu cầu học tập của đông đảo các tầng lớp nhân dân, góp phần nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài. Đến nay, Hội đã trở thành một tổ chức quần chúng sâu rộng, các hoạt động khuyến học được nhân dân hoanh nghênh, tích cực hưởng ứng”.

Tổng Bí thư cũng mong các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt nam, các ban, bộ, ngành, đoàn thể ở TƯ và địa phương, các tổ chức chính trị xã hội, đảng viên và nhân dân cả nước, kiều bào ta ở nước ngoài tích cực hưởng ứng, ủng hộ phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, đưa sự nghiệp giáo dục và đào tạo nước nhà phát triển bền vững, ngang tầm với các nước tiên tiến trên thế giới.

Nhân dịp kỷ niệm Ngày Khuyến học Việt Nam và 17 năm kỷ niệm ngày thành lập Hội Khuyến học Việt Nam (1996 - 2013) để tôn vinh lòng hiếu học, vào ngày 9/10 tới, Hội Khuyến học Việt Nam tổ chức Đại hội thi đua toàn quốc biểu dương Gia đình hiếu học - Dòng họ hiếu học, Cộng đồng khuyến học lần thứ III tại Thủ đô Hà Nội.

Hồng Hạnh