Bạn đọc viết:

Ngày cuối năm đáng nhớ

(Dân trí) - Sáng 30 Tết, tôi đang tất bật dọn dẹp lại nhà cửa thì bất ngờ vì tiếng chào hỏi của những vị khách lạ. Chưa kịp định thần thì các em tíu tít hỏi thăm cô ngày cuối năm. Phải mất vài giây giới thiệu, tôi mới nhớ ra đám học trò cũ mình dạy cách đây mấy năm.

Tôi ra trường và đi dạy đã gần 20 năm. Học trò tôi dạy đã được hai thế hệ (tức là giờ tôi dạy cả con của học trò). Những ngày họp phụ huynh, tôi lại gặp trò cũ vào họp cho con của mình. Các em thường hỏi tôi xem còn nhớ mình không? Em là... Bao kỉ niệm ngày xưa chợt ùa về. Có đứa thì tôi nhận ra ngay, có đứa tôi nghĩ mãi chẳng ra. Cuối cùng đành xin lỗi vì cô quên mất. Rồi các em lại chân thành gửi gắm những đứa con thân yêu của mình cho tôi dạy dỗ.

Sáng nay, các em được nghỉ Tết Mậu Tuất nên đến thăm cô. Các em xin lỗi vì đã lâu không về thăm. Vừa rồi họp lớp nên các em thống nhất Tết này ghé thăm cô. Những học trò nghịch ngợm ngày xưa đã hoàn toàn thay đổi. Các em đã thật sự trưởng thành trong cách nghĩ và nhìn nhận sự việc. Nghe các em nói mà tôi thật sự vui và xúc động.

Khi tôi và các em ngồi ôn lại những kỉ niệm xưa, các em bảo rằng mình được như ngày hôm nay là phần lớn nhờ công lao dạy dỗ của thầy cô. Bao kỉ niệm ngày xưa chợt ùa về. Cô trò đều xúc động rưng rưng. Có em thì ân hận vì ngày xưa không nghe lời cô. Đến bây giờ khi va vấp cuộc đời mới thấm những lời cô dạy. Có em ao ước thời gian có thể quay ngược trở lại... Có em xin lỗi cô vì gây ra những muộn phiền ngày xưa... Chỉ nghe đến đó tôi cảm thấy nghẹn ngào xúc động. Tôi vui vì những "đứa con" của mình đã thật sự trưởng thành. Có lẽ đây là niềm hạnh phúc lớn nhất trong đời của người giáo viên.

Các học trò cũ này tôi dạy đã ra trường cách đây tám năm. Lúc trước, tôi là giáo viên chủ nhiệm của các em. Ngày ấy, tôi đến mệt vì chủ nhiệm lớp cá biệt này. Ngày nào các em cũng gây ra chuyện. Các giáo viên bộ môn cứ gặp tôi là mắng vốn. Nhiều lần tôi cũng đau đầu vì các em. Tiết sinh hoạt chủ nhiệm nào tôi cũng bắt các em viết kiểm điểm, viết tường trình. Rồi tôi bắt đầu chuyển chiến thuật. Tôi không phạt nữa mà bắt đầu "dụ dỗ" các em. Tôi treo giải thưởng nếu lớp có sự chuyển biến tích cực.

Mưa dầm thấm lâu, các em dần dần đi vào nề nếp. Lần đầu tiên cô trò hạnh phúc khi các em xếp hạng 2 của trường. Cứ thế các em bắt đầu ngoan và chăm chỉ học tập. Rồi các em cũng ra trường và tôi lại đón nhận những lứa học trò khác.

Bây giờ thì các em đã học xong đại học và đi làm. Một số em thì làm công nhân gần nhà. Cuộc sống của các em còn vất vả nhưng các em đều cố gắng vươn lên để trở thành những công dân tốt. Nhìn các em trưởng thành tôi thật sự vui sướng, hạnh phúc.

Có lẽ niềm vui lớn nhất của người giáo viên là sự trưởng thành của học trò. Cuộc gặp gỡ này đã mang đến cho tôi một niềm vui khó tả. Nó giúp tôi có thêm động lực để hết mình cùng nghề giáo. Chỉ cần các em còn nhớ và kính trọng mình cũng đủ cho tôi hạnh phúc vô cùng. Người ta thường ví người giáo viên như người đưa đò. Họ cần mẫn chở những dòng sông tri thức cập bến. Bao chuyến đò đã đưa, bao lớp người đã rời bến. Các em trở về thăm khiến tôi thật sự xúc động. Thật ngạc nhiên là những lớp quậy ngày xưa lại hay nhớ về cô nhất. Tình cảm đơn sơ, chân thành ấy của các em đã giúp tôi ngày một yêu nghề.

Một xuân nữa lại về. Dẫu ngày Tết của giáo viên còn nhiều thiếu thốn nhưng niềm vui thì luôn đong đầy kí ức. Nếu có kiếp sau tôi vẫn xin chọn làm nghề Sư phạm. Cầu mong tất cả quý thầy cô đã, đang, sắp làm nghề "gõ đầu trẻ" luôn vui vẻ và hạnh phúc với nghề mình đã chọn.

Loát Trần

(Tây Ninh)

Mọi thông tin, bài viết đóng góp cho chuyên mục Giáo dục, quý độc giả có thể gửi ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn . Xin trân trọng cảm ơn!

Dòng sự kiện: Câu chuyện giáo dục