Ngành giáo dục cần có giải pháp chủ động đối phó với diễn biến xấu Covid-19

(Dân trí) - Bài toán đặt ra đối với giáo dục Việt Nam hiện nay là cần sớm có được một giải pháp vĩ mô để chủ động đối phó với mọi diễn biến xấu có thể của dịch Covid-19.

 Hiệp hội các trường ĐH,CĐ đã tiếp tục có kiến nghị lần 3 gửi tới  Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc.

Trong bản kiến nghị, Hiệp hội nêu rõ: Hiện nay dịch Covid-19 đang diễn biến theo hướng ngày càng phức tạp, đến mức Tổ chức Y tế Thế giới WHO đã đưa ra nhận định: Cánh cửa kiểm soát dịch bệnh đang dần khép lại và đã nâng cấp độ cảnh báo từ mức cao lên rất cao, chỉ chưa dùng từ “đại dịch”.

Ngành giáo dục cần có giải pháp chủ động đối phó với diễn biến xấu Covid-19 - 1

Học online tại nhà là một giải pháp hữu hiệu nhất trong khi dịch Covid-19 bùng phát hiện nay

Tại Việt Nam trong những ngày qua, mặc dù chúng ta đang kiểm soát dịch bệnh tốt, nhưng với tình trạng tăng dòng người với quy mô hàng nghìn người mỗi ngày từ các vùng dịch trở về thì nguy cơ lây lan dịch đến Việt Nam là điều không thể tránh khỏi.

Cho tới nay, không một tổ chức y tế nào có thể chỉ ra về thời gian kéo dài của dịch Covid-19 lần này.

2 quan điểm trái ngược

Đối với khu vực giáo dục, mặc dù Chính phủ đã giao trách nhiệm cho ngành giáo dục chủ động quyết định thời gian trở lại nhà trường cho học sinh, sinh viên nhưng dường như nhiệm vụ đó cho tới nay vẫn là vấn đề rất khó khăn đối với ngành.

Bởi vì trong xã hội vẫn đang tồn tại song song 2 quan điểm trái ngược nhau: Một là, cần cho học sinh, sinh viên tiếp tục nghỉ học vì tình hình dịch bệnh rất nghiêm trọng, trong khi trường học là nơi tập trung học sinh nên nguy cơ lây lan sẽ rất lớn;

Hai là, phải cho học sinh, sinh viên đi học trở lại ngay vì khung thời gian đã kịch trần, kéo dài thời gian nghỉ sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới toàn thể hệ thống giáo dục và còn kéo theo nhiều hậu quả tiêu cực khác.

Như vậy, bài toán đặt ra đối với giáo dục Việt Nam hiện nay là cần sớm có được một giải pháp vĩ mô để chủ động đối phó với mọi diễn biến xấu có thể của đại dịch. Giải pháp đó một mặt không đòi hỏi nhà trưởng phải ngừng hoạt động nhưng mặt khác không đòi hỏi phải tập trung đông học sinh, sinh viên tại trường để tránh nguy cơ lây lan.

Qua theo dõi trên các kênh thông tin truyền thông, việc thay thế phương pháp dạy truyền thống trên lớp bằng các phương thức dạy học từ xa (bao gồm dạy qua truyền hình, dạy trực tuyến online…) đã được Trung quốc, Hàn quốc và nhiều quốc gia khác triển khai, song song với lệnh đóng cửa trường học đại trà.

Mới đây AP đưa tin các trường học trên khắp Hoa Kỳ đang tích cực chuẩn bị các bài học trực tuyến để chuẩn bị cho khả năng bùng phát dịch Covid-19 có thể bắt đầu lan rộng trong học đường.

Giám đốc điều hành của Hiệp hội các nhà quản lý trường học Hoa kỳ tuyên bố: “lớp học là nơi cực kỳ thuận lợi cho virus sinh sản” và “chúng ta cần lên kế hoạch cho những gì chúng ta sẽ làm một khi có sự cố dịch Covid-19 trong trường học và trong cộng đồng chúng ta”.

Dạy học đại trà trên truyền hình, công nhận kết quả học trực tuyến

Bản kiến nghị của Hiệp hội viết, trên tinh thần như Thủ tướng đã chỉ đạo “Chống dịch Covid-19 như chống giặc”, trong tình hình nước sôi lửa bỏng về dịch Covid-19 đang lan tỏa ở nhiều nước trên các châu lục và tại Việt Nam hiện nay cũng là một quốc gia không thể ngoại lệ.

Sau khi nêu thực trạng, trong bản kiến nghị lần 3 này, Hiệp hội xin kiến nghị Thủ tướng:

Thứ nhất, sớm có quyết định chỉ thị cho Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp cùng Bộ Thông tin và Truyền thông, truyền hình Việt Nam và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố khẩn trương bàn bạc để lên kế hoạch triển khai việc dạy học từ xa, trước hết là dạy học qua truyền hình, cho khối giáo dục phổ thông trước ngày học sinh đến trường đại trà như quyết định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

 Kinh nghiệm thế giới cho thấy trong điều kiện dịch Covid-19 như hiện nay, việc kết hợp cả 2 phương thức dạy học trực tiếp và từ xa sẽ mang lại hiệu quả cao hơn là chỉ áp dụng đơn độc một phương thức.

Thứ hai, Chỉ thị cho Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận kết quả học trực tuyến của các trường đã chủ động triển khai nghiêm túc trong đợt dịch vừa qua.

Hồng Hạnh