Hà Tĩnh:

Ngậm ngùi nhìn thầy cô tá túc trong những căn phòng dột nát sau bão

(Dân trí) - Đến thăm Trường tiểu học Kỳ Khang 1, huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh tròn 2 tháng sau cơn bão số 10 đi qua, nhìn cảnh thầy cô giáo tá túc, ở ghép trong những căn phòng nội trú chật chội, dột nát thật không khỏi chạnh lòng xót xa.

Ngậm ngùi nhìn thầy cô tá túc, trú ghép trong những căn phòng dột nát

Vừa cầm phấn vừa lo

Như bao ngôi trường khác ở mảnh đất Kỳ Anh, cơn bão số 10 lịch sử quét qua, trường tiểu học Kỳ Khang 1 - với 22 lớp, gần 600 học sinh, 40 cán bộ, giáo viên - bị thiệt hại nặng nề. 80% số phòng học bị tốc mái. Nhiều đồ dùng dạy học của giáo viên học sinh bi hư hỏng nặng.

Khu nội trú của giáo viên Trường tiểu học Kỳ Khang 1, huyện Kỳ Anh tan tàn sau bão số 10 (hình ảnh do nhà trường cung cấp).
Khu nội trú của giáo viên Trường tiểu học Kỳ Khang 1, huyện Kỳ Anh tan tàn sau bão số 10 (hình ảnh do nhà trường cung cấp).

Cơ sở vật chất của nhà trường bị thiệt hại, đời sống của người dân Kỳ Khang - một trong những xã đặc biệt khó khăn của vùng biển ngang Hà Tĩnh cũng hết sức khó khăn do bão tàn phá - khiến nhiều người lo ngại con em gặp khó, ngôi trường sẽ mất thời gian dài mới có thể trở lại với nhịp đập bình thường.

Nhờ sự chung tay của cấp ủy Đảng, chính quyền, sự hỗ trợ của nhiều lực lượng trên địa bàn, đặc biệt là nỗ lực của các thầy cô giáo, chỉ ít ngày sau khi bão số 10 đi qua, Trường tiểu học Kỳ Khang 1 đã rộn ràng ràng tiếng cô trò trở lại.

Nhưng phía sau niềm vui ấy, ở ngôi trường này có những nỗi buồn mà các thầy cô âm thầm làm nghề “lái đò qua sông” đã cố giấu đi. Một nỗi buồn thương mà nếu không cố ngồi lại cho đến lúc tan trường của một buổi chiều mưa rả rích thì tôi sẽ khó lòng có thể biết để chép lại.

Hiện trường đổ nát của khu nội trú đã không còn, nhưng còn đó những khung sườn gỗ trơ trọi do chưa có kinh phí tu sửa.
Hiện trường đổ nát của khu nội trú đã không còn, nhưng còn đó những khung sườn gỗ trơ trọi do chưa có kinh phí tu sửa.

Khi tiếng trống tan trường, hoàn tất một buổi chiều đầy niềm vui với các em, được nghe tiếng học sinh thân nói lời chào thân thuộc để trở về nhà, khuôn mặt cô giáo Nguyễn Thị Hồng nở nụ cười hiền dịu. Nhưng chỉ vừa ra khỏi cửa phòng, nụ cười ấy đã không còn trên khuôn mặt của cô giáo vượt gần 100 cây số từ huyện Can Lộc đến dạy học tại đây. Cô bước nhanh lên nhà hiệu bộ, vừa bước cô vừa nhìn cơn mưa cuối chiều đang nặng hạt dần với bao nỗi lo.

Chỉ kịp cất đồ dùng giảng dạy, giọng cô nói vội với thầy Trúc, hiệu phó cùng ở chung khu nội trú: “Mưa rả rích từ chiều, giờ mưa lớn hơn, không biết phòng ở có dột, nước nhỏ ướt hết đồ không anh?”.

Câu hỏi của cấp dưới khiến thầy Trúc cùng nhiều cô giáo vừa tan lớp bước xuống cũng buồn theo.

Tôi cùng các thầy cô giáo đội mưa bước xuống khu nội trú nằm ở phía sau góc khu nhà đa chức năng đang hoàn thiện. Một cảm giác buồn não lòng chợt hiện ra. Toàn bộ mái che của khu nội trú bị bão đánh tan, trơ trọi những khung sườn gỗ. Không mái che, chỗ phơi áo quần, làm nơi để xe của giáo viên cũng không còn.

Còn dãy nhà 9 phòng nơi tá túc của những 17 người, chưa kể trẻ nhỏ của một số giáo viên, thầy cô, dù đã phần nào được khắc phục, sửa chữa, nhưng dấu tích của cơn bão số 10 vẫn gần như còn nguyên. 5 phòng bị hư hỏng nặng, phải bỏ không, gần như chỉ còn 4 bức tường và những thứ bão gây hỏng, đổ nát. Khu nhà hiện chỉ còn lại vỏn vẹn 4 phòng, mỗi phòng chưa đầy 20m2 gồm cả bếp.

Phòng ở của cô giáo Hồng bị bão số 10 quần hư hỏng nặng, buộc phải bỏ không suốt hai tháng nay.
Phòng ở của cô giáo Hồng bị bão số 10 quần hư hỏng nặng, buộc phải bỏ không suốt hai tháng nay.

Một góc căn phòng bếp tồi tàn, bỏ không sau bão sô 10. Cô Hồng chưa biết bao giờ được trở lại căn phòng mà cô đã gắn bó suốt gần chục năm qua.
Một góc căn phòng bếp tồi tàn, bỏ không sau bão sô 10. Cô Hồng chưa biết bao giờ được trở lại căn phòng mà cô đã gắn bó suốt gần chục năm qua.

Bình thường mỗi gia đình hay 2-3 thầy cô chưa xây dựng gia đình được bố trí 1 phòng. Nay 17 thầy cô giáo được “dồn toa”, ghép chung trong 4 phòng chật chội, hư hỏng ấy.


Thầy Trúc đang chỉnh lại mái bếp trước cơn mưa kéo dài.

Thầy Trúc đang chỉnh lại mái bếp trước cơn mưa kéo dài.

Đứng dưới khu nhà bếp cũng là nơi thầy cô treo áo quần mà nước mưa cứ rơi tong tỏng, thầy Trúc trải lòng, “Ngày thường như thế đã chật chội lắm, hai tháng nay 3 - 4 cô, 2-3 gia đình tá túc trong một phòng, con nhỏ, người lớn bất tiện lắm. Nhiều hôm các cô, các thầy còn phải trải chiếu xuống nền nằm ấy chứ”.

Vượt khó vì học sinh thân yêu

Điều làm tôi thực sự cảm động đó là dù nơi tá túc chật chội, bất tiện, nhưng các thầy cô ở Trường tiểu học Kỳ Khang 1 rất tế nhị, không kêu ca. Các thầy cô tự nắm tay nhau, tự hứa cố gắng rồi khó khăn cũng sẽ đi qua.

Vì sao vậy? Cô giáo Nguyễn Thị Hồng, thầy Đoàn Anh Trúc và rất nhiều giáo viên có mặt ở khu nội trú xập xệ ở ngôi trường này đã cho tôi câu trả lời không thể đẹp hơn, nhân văn hơn. Các cô, các thầy nói họ có thể chịu được vì bên ngoài cổng trường còn bao người dân vùng bão đi qua gặp khó khăn, bao ngôi trường ở mảnh đất “chảo lửa, túi mưa” này bị bão quật đổ chưa khắc phục được, bao thầy cô giáo còn khó khăn như mình.

Sự hi sinh lặng thầm của thầy cô giáo ở Trường tiểu học Kỳ Khang 1 góp phần giúp học sinh nơi đây sớm tìm niềm vui sau bão số 10.
Sự hi sinh lặng thầm của thầy cô giáo ở Trường tiểu học Kỳ Khang 1 góp phần giúp học sinh nơi đây sớm tìm niềm vui sau bão số 10.

Suy nghĩ đã rất đẹp, hành động của các thầy cô ở đây còn đẹp hơn. Ngoài công sức thu dọn gạch đá đổ nát, cây cối ngổn ngang, các thầy cô ở Trường tiểu học Kỳ Khang 1 còn dành hầu hết những suất quà tặng của các tổ chức, cá nhân sau bão cho nhà trường, dùng để làm kinh phí sửa chữa trường học để học sinh được quay trở lại trường học sớm hơn.

Thầy Nguyễn Tiến Hà, hiệu trưởng nhà trường kể lại câu chuyện đáng trân trọng. Ấy là sau cơn bão số 10 đi qua, có người thân của một cô giáo đến thăm con ở khu nội trú. Sau một đêm ở lại, khi ra về, người thân của cô giáo ấy rời trường với đôi mắt đỏ hoe, nước mắt rưng rưng vì thương con, thương đồng nghiệp của con phải sống cảnh quá khó khăn sau bão. Người thân của cô giáo có hỗ trợ một chút đỉnh cho con mình để sửa lại căn phòng dột nát. Khi trường còn khó khăn, cô giáo ấy đã hỗ trợ lại phần tiền đó cho nhà trường.

“Nhờ những tấm lòng của thầy cô như thế, nhờ sự đoàn kết thương yêu học sinh, mà những vết thương bão tố nhanh lành lại với thầy trò chúng tôi đấy chú ạ” - thầy Hà nói.

Những câu chuyện vượt khó vì học sinh của thầy cô giáo Trường tiểu học Kỳ Khang 1 một lần nữa chứng mình vì sao nghề giáo luôn thật đẹp, luôn được xã hội trân trọng. Nó lí giải vì sao dù còn khó khăn, nhưng hàng trăm ngàn giáo viên trên khắp mọi miền Tổ quốc đang cháy hết mình với bục giảng, với sự nghiệp trồng người.

Văn Dũng

Dòng sự kiện: Gương sáng giáo dục