Đắk Nông:

“Nếu không lấy chồng, có lẽ em ấy đã là học sinh giỏi!”

(Dân trí) - Một nữ sinh sẽ tham dự kỳ thi học sinh giỏi cấp huyện và dự kiến tốt nghiệp vào cuối tháng 5/2020. Tuy nhiên, trong thời gian nghỉ phòng chống dịch Covid-19, em và một số bạn khác đã... lấy chồng.

Thầy cô giáo vận động học sinh đến trường trở lại

Trò lấy chồng, thầy cô đau xót

6 tháng liền, xã Quảng Hòa (huyện Đắk G’Long, tỉnh Đắk Nông) chưa có mưa. Trên những con đường bụi mù đất đỏ, nóng như đổ lửa đầu tháng 5, thầy cô giáo Trường THCS Quảng Hòa vẫn lặn lội đến từng nhà học trò để vận động học sinh đến trường.

“Nếu không lấy chồng, có lẽ em ấy đã là học sinh giỏi!” - 1
Thầy Lê Văn Lương chia sẻ về việc vận động học trò đi học lại

Vừa dạy xong 5 tiết học buổi sáng, thầy Lê Văn Lương, giáo viên chủ nhiệm lớp 9B lấy vội chiếc xe máy để chạy vào nhà học sinh. Thầy Lương bảo, phải tranh thủ giờ trưa đến từng nhà học sinh để vận động các em chứ không buổi chiều các em lại lên rẫy, không thể gặp được.

Căn nhà đầu tiên mà thầy Lương đến là của vợ chồng cô học trò Vừ Thị Hồng. Hồng lập gia đình cách đây 2 tháng khi em mới 15 tuổi, còn chồng em năm nay bước sang tuổi 17. Kết hôn xong, chồng Hồng nghỉ học THPT, còn em thì đang lưỡng lự chuyện quay lại lớp học.

“Nếu không lấy chồng, có lẽ em ấy đã là học sinh giỏi!” - 2

Kết hôn xong, chồng Hồng nghỉ học THPT, còn em thì đang lưỡng lự chuyện quay lại lớp học.

Nơi Hồng cùng chồng sinh sống nóng và ngột ngạt bởi thấp và kín như bưng. Cô nữ sinh ngại ngùng cho biết, theo quan niệm của người H'Mông, phụ nữ chỉ cần học đến lớp 9, muốn học cao hơn cũng không được. Thời gian vừa qua, do nghỉ dịch dài nên em đã lập gia đình vì “đằng nào cũng phải lấy chồng”.

Hai đứa trẻ về ở với nhau, chưa đăng ký kết hôn và cũng không làm đám cưới. Câu chuyện cưới hỏi chỉ diễn ra chóng vánh giữa hai gia đình rồi Hồng được nhà chồng đón về hai tháng trước.

“Bây giờ thì chồng nghỉ học còn em sẽ đi học lại hết lớp 9”, Hồng hứa với thầy giáo trước khi rời xuống bếp nấu bữa trưa.

“Nếu không lấy chồng, có lẽ em ấy đã là học sinh giỏi!” - 3

Các thầy giáo tới tận nhà để vận động người thân của Bông

Cuối buổi chiều, thầy Lê Lương Nhiên, Hiệu phó Trường THCS Quảng Hòa lại tiếp tục tìm đến nhà của nữ sinh Vừ Thị Bông. Vừa gặp thầy giáo, Vừ Văn Tú (anh trai Bông) vội phân trần: “Em cũng muốn nó đi học nhưng không có cách nào gọi nó về”.

Anh Tú kể, bố mất sớm, Bông ở với mẹ và anh trai. Sau khi mẹ đi lấy chồng khác, Bông không ở cố định một chỗ, ngày thì ở nhà mẹ, ngày thì ở nhà anh.

Đầu năm nay, anh Tú biết Bông có tình cảm với một thanh niên bên tỉnh Đắk Lắk nên đã khuyên em học xong lớp 9 sẽ cho cưới. Thế nhưng, không đợi được đến hết năm học, Bông đã theo nam thanh niên này về làm vợ, cắt đứt mọi liên lạc với gia đình.

“Mình hỏi mẹ rồi, mẹ cũng không có số điện thoại của nó. Bây giờ chỉ biết nhìn mặt nó trên facebook chứ không nói chuyện được. Mình cũng bực lắm nhưng nó đi lấy chồng mình không biết, bây giờ chỉ muốn tìm nó về để học hết lớp 9”, Tú nói.

“Nếu không lấy chồng, có lẽ em ấy đã là học sinh giỏi!” - 4

Tuy nhiên, anh chị của Bông cũng không biết em gái đang ở đâu

Thầy Đỗ Ngọc Khanh, Hiệu trưởng Trường THCS Quảng Hòa cho biết, việc học sinh "đứt gánh giữa đường" khiến thầy cô giáo của trường rất bất ngờ và không muốn “cam chịu”.

“Các em đã phấn đấu nhiều năm, vượt qua hoàn cảnh khó khăn để học đến nửa năm lớp 9. Nghỉ học bây giờ rất tiếc, vì tương lai của các em còn ở phía trước. Bằng giá nào chúng tôi cũng phải thuyết phục, vận động các em đi học lại ”, thầy Khanh cho hay.

“Hai tháng nữa thôi, cố lên em!”

Quá trình đi vận động học trò, có lẽ trường hợp làm thầy Lê Văn Lương day dứt, buồn nhất là cô học trò Giàng Thị Bê. Bê nằm trong đội tuyển học sinh giỏi của trường và có khả năng trở thành học sinh giỏi nếu em tham dự kỳ thi.

“Nếu không nghỉ phòng chống dịch thì có lẽ kỳ thi ấy đã diễn ra rồi. Thế nhưng vì hoàn cảnh khó khăn, bố mẹ lại đi làm xa nên sau Tết, em ấy đi lấy chồng luôn.

Bây giờ đến tận nhà tìm, vận động em ấy quay lại trường thì không gặp được ai, điện thoại cũng không nghe nữa”, thầy Lương tâm sự.

“Nếu không lấy chồng, có lẽ em ấy đã là học sinh giỏi!” - 5

Thầy Lương liên tục nhắc cho học trò rằng: “Chỉ còn hai tháng nữa thôi”.

Trong suốt câu chuyện của mình, thầy Lương liên tục nhắc cho học trò rằng: “Chỉ còn hai tháng nữa thôi”. Hai tháng nữa là kết thúc năm học, hai tháng nữa là những học sinh này hoàn thành lớp 9, cầm tấm bằng THCS trong tay, tương lai của các em sẽ đỡ mù mịt hơn.

Thầy Lê Văn Lương giải thích rằng, nếu như không phải nghỉ phòng, chống dịch Covid-19 thì hiện tại các em học sinh lớp 9 đang bước vào giai đoạn ôn tập để thi học kỳ 2. Thế nhưng từ ra Tết tới đầu tháng 5, các em nghỉ học nên thời gian kết thúc năm học kéo dài thêm 2 tháng nữa.

“Nhiều em học sinh dù gia đình khó khăn, đường đến trường gần 30km vẫn nỗ lực từ lớp 1 đến lớp 9. Nhưng khi chỉ còn 2 tháng nữa, các em lại buông xuôi, chọn cách lấy chồng, lấy vợ. Buồn và xót xa lắm!”, thầy Lương trầm giọng, nói về sự lựa chọn của học trò mình.

“Nếu không lấy chồng, có lẽ em ấy đã là học sinh giỏi!” - 6

Sau một thời gian kiên trì vận động, 4 em học sinh còn lại đã đồng ý quay lại học

Theo thông tin từ Trường THCS Quảng Hòa, sau một thời gian kiên trì vận động, ngoài hai trường hợp nữ sinh lấy chồng và đến địa phương khác sinh sống thì 4 em học sinh còn lại đã đồng ý quay lại học. Điều này khiến những thầy cô giáo của trường như “nhẹ bớt gánh” khi nỗ lực của mình đã đạt được thành quả.

“Chúng tôi đã đề nghị giáo viên chủ nhiệm thường xuyên nắm bắt tâm tư, tình cảm của các em này, đồng thời nhắc nhở các em khác không được trêu chọc hay xa lánh bạn.

Chỉ còn một thời gian ngắn nữa là kết thúc năm học nên rất cần sự phối hợp của nhiều bên để các em yên tâm học tập”, thầy Đỗ Ngọc Khanh, Hiệu trưởng Trường THCS Quảng Hòa cho hay.

“Nếu không lấy chồng, có lẽ em ấy đã là học sinh giỏi!” - 7

Tại buổi giao ban báo chí ngày 7/5, lãnh đạo ngành Giáo dục Đắk Nông cho rằng, sự việc cần có cả vai trò, trách nhiệm của chính quyền.

Trước sự việc nhiều học sinh chưa đến trường, trong đó có học sinh đã lập gia đình trong thời gian nghỉ phòng chống dịch Covid-19, ông Nguyễn Văn Toàn, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Đắk Nông cho biết, thời gian qua, ngành Giáo dục thường xuyên phối hợp với cơ quan chức năng trong công tác tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức của các em.

Tuy nhiên, ông Toàn cho rằng, ngoài việc thầy cô đến tận thôn buôn vận động các em học sinh không bỏ học và quay lại trường thì phải có vai trò của chính quyền địa phương trong việc xóa bỏ các hủ tục của người dân.

* Tên nhân vật đã được thay đổi

Dương Phong