“Neo” chữ trên dãy Phà Ca Tủn

(Dân trí) - Thầy trò đang mải mải mê dạy học, một người phụ nữ lấp ló đứng trước cửa lớp, vẫy tay ra hiệu gọi con ra. Thắng bé lật đật đặt sách xuống, chạy ra bế em đưa vào lớp. Thầy giáo nhìn tôi cười: “Ở đây, thầy giáo vừa dạy học, vừa trông trẻ, nếu không trò về nhà trông em cho mẹ lên rẫy, thầy biết dạy ai”.

"Neo" chữ trên dãy Phà Ca Tủn

Từ điểm trường chính, vượt qua gần 10km đường độc đạo, chúng tôi đến điểm trường Nậm Tột (Trường Tiểu học Tri Lễ 4, xã Tri Lễ, Quế Phong, Nghệ An). Nậm Tột, chỉ cái tên gọi thôi cũng đủ thấy cheo leo trắc trở.

Bản Nậm Tột, nơi có điểm trường Nậm Tột - điểm trường xa nhất của Trường Tiểu học Tri Lễ 4
Bản Nậm Tột, nơi có điểm trường Nậm Tột - điểm trường xa nhất của Trường Tiểu học Tri Lễ 4

Theo cắt nghĩa của thầy Lang Văn Nhàn - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tri Lễ 4, Nậm Tột có nghĩa là nơi tột cùng của con suối (nậm) này. Dòng Nậm Tột bắt nguồn từ dãy núi Phà Ca Tủn. Từ nơi đóng điểm trường, nhìn ra phía trước mặt có thể nhìn thấy đỉnh núi Phà Ca Tủn – dãy núi cao nhất huyện Quế Phong, qua đỉnh núi ấy là nước bạn Lào. Đỉnh núi quanh năm mây phủ, chỉ khi nào nắng đẹp, cái chóp màu đá xám ấy mới hiện lên, sừng sững giữa trời xanh.

“Đây là điểm trường xa và khó khăn nhất của Trường Tiểu học Tri Lễ 4. Điểm trường này có 37 học sinh, 5 lớp với 7 thầy giáo, cả thầy và trò đều là người Mông”, thầy Lang Văn Nhàn giới thiệu.

Điểm trường có 5 lớp, từ lớp 1 đến lớp 5
Điểm trường có 5 lớp, từ lớp 1 đến lớp 5

Địa điểm mà trường đang đứng chân là mới được dời từ địa điểm cũ tới với 5 phòng học lắp ghép được tổ chức từ thiện tài trợ. 7 giáo viên người Mông trú ngụ trong căn nhà công vụ bằng gỗ ghép hờ, mùa đông sương sa vào tận giường, ướt đẫm như ở ngoài trời.

Thầy Lỳ Bá Cử là người con của bản Nậm Tột này. Nhà thầy nghèo lắm, hồi ấy lại chưa có điểm trường ở đây, muốn học phải đi xa lắm nên 10 tuổi thầy Cử mới được đi học lớp 1.

Điểm trường này có 7 thầy giáo và 47 học sinh, đều là người dân tộc Mông
Điểm trường này có 7 thầy giáo và 47 học sinh, đều là người dân tộc Mông

Hơn ai hết, Lỳ Bá Cử thấm thía cái khổ, cái nghèo ở quê mình, tất cả cũng vì không biết chữ. Phải học thôi, chỉ có học mới thoát được cảnh nghèo đói, mới đi được xa khỏi ngọn núi cao kia! Lỳ Bá Cử học xong chương trình THPT thì thi vào sư phạm. Lúc này cả gia đình thầy cũng chuyển từ Nậm Tột ra trung tâm xã sinh sống.

Thầy Cử được phân công về dạy Nậm Tột cũng có nhiều thuận lợi hơn các đồng nghiệp. “Về đây dạy, toàn con em người quen cả, mình dễ vận động, thuyết phục phụ huynh hơn. Trước đây chưa có điểm trường, đi học phải đi xa lắm, có khi nửa ngày đường mới tới nơi.

Học sinh điểm trường Nậm Tột trong giờ ra chơi
Học sinh điểm trường Nậm Tột trong giờ ra chơi

Giờ có điểm trường ở đây, đi học thuận tiện hơn nhưng nhiều bà con còn nghèo quá, chưa nhận thức được tầm quan trọng của việc học hành. Mình phải đến từng nhà, tâm tình với phụ huynh, thuyết phục họ cho con tới trường. Không phải đến một vài lần là được đâu, phải vận động, làm công tác tư tưởng thường xuyên đấy, có thế mới giữ được học sinh”, thầy Cử tâm sự.

Những em bé người Mông nơi tận cùng heo hút đến trường mang theo giấc mơ thoát khỏi cuộc sống thiếu thốn
Những em bé người Mông nơi tận cùng heo hút đến trường mang theo giấc mơ thoát khỏi cuộc sống thiếu thốn

7 thầy giáo ở chung 1 căn nhà, cứ 2-3 người một giường, kê sát vách gỗ. Đêm, sương luồn qua kẽ gỗ, sà vào giường ướt như mưa phùn, các thầy lấy bao ni lông đóng trên tường gỗ, cản sương, cản gió. Đêm có khi đắp 2 cái chăn bông vẫn thấy rét vào tận xương. Dưới bếp chỏng chơ quả bầu rừng còn một nửa và ít cơm nguội. Hôm nào không còn thức ăn dự trữ thì xuống suối xúc cá cải thiện. Ở đây đồ tươi hiếm lắm nên thức ăn chủ lực vẫn là đồ khô. Ăn mãi cũng quen.

Thầy Thò Bá Chù công tác ở điểm trường này được 5 năm. Vợ con thầy sinh sống ở bản tái định cư Minh Châu, gần trung tâm xã. Đường từ trường về nhà mất chỉ khoảng 30 cây số nhưng chạy xe máy cũng mất hơn 1 buổi. Bởi vậy, dù sinh sống trong xã nhưng có khi 1-2 tuần thầy Chù mới về nhà một lần, đợt nào mưa rét thì lâu hơn.

Dù đã có sự quan tâm của Nhà nước và các tổ chức thiện nguyện nhưng sự học của các em vẫn đang hết sức khó khăn
Dù đã có sự quan tâm của Nhà nước và các tổ chức thiện nguyện nhưng sự học của các em vẫn đang hết sức khó khăn

Thầy Thò Bá Chù chia sẻ: “Các em học trò ngoan lắm nhưng dạy thì phải kiên nhẫn, cực kỳ kiên nhẫn, nóng vội là không được đâu. Nhiều khi để các em hiểu được nội dung bài, các thầy phải dịch từ tiếng phổ thông sang tiếng Mông nhưng cố gắng hạn chế sử dụng tiếng bản địa, nếu không các em sẽ khó nói lưu loát, thành thạo tiếng phổ thông”.

Dạy học xong, mỗi người một việc. Người nấu cơm, người đi hái rau rừng, người giặt giũ dọn dẹp. Ở đây dạy học xong cũng không biết làm gì, trường cũng trang bị cho cái ti vi nhưng xem phập phù lắm, phần lớn là không bắt được sóng. Hồi ở địa điểm cũ còn có chỗ bắt được được sóng điện thoại chứ ở điểm mới này thì chịu hẳn.

Nhưng ở đó, các thầy giáo luôn tận tâm, yêu thương và lo lắng và bù đắp những thiếu thốn cho các em
Nhưng ở đó, các thầy giáo luôn tận tâm, yêu thương và lo lắng và bù đắp những thiếu thốn cho các em

“Ở trong này cứ như một thế giới khác, đối lập với cuộc sống bên ngoài. Nếu không yêu nghề, yêu trẻ, khó mà trụ lại được lắm”, thầy Lỳ Bá Sử - điểm trưởng điểm Nậm Tột tâm sự.

Năm ngoái ở đây có 1 lớp mẫu giáo. Năm nay trẻ ít quá, không tổ chức lớp được, thành ra trẻ con trong độ tuổi mẫu giáo, nhà trẻ đành ở nhà hoặc tha thẩn lên sân trường chơi. Lắm lúc thầy trò đang say sưa dạy học, phụ huynh lấp ló ngoài cửa, gọi con ra. Học sinh đặt sách xuống, ra cửa bế em vào.

Anh ngồi nép một bên, nhường ghế cho em ngồi. Quanh quẩn dưới chân anh chán, đứa trẻ chạy ra ngoài, thầy Sử phải bỏ phấn chạy theo, bế vào lớp. Trẻ con ở đây dù chưa đến tuổi đi học cũng chẳng đứa nào lạ thầy giáo nữa.

“Ở đây lắm khi thầy giáo kiêm luôn cả trông trẻ. Nếu không cho các cháu nhỏ vào lớp thì học sinh sẽ phải nghỉ học ở nhà trông em cho bố mẹ đi rẫy. Trò ở nhà trông em hay theo cha mẹ vào rẫy, thầy biết dạy ai?”, thầy Lỳ Bá Sử nói.

Khu nhà công vụ của 7 thầy giáo cắm bản ở Nậm Tột vẫn đang còn hết sức tạm bợ
Khu nhà công vụ của 7 thầy giáo cắm bản ở Nậm Tột vẫn đang còn hết sức tạm bợ

Giường ngủ của các thầy giáo kê sát vách gỗ, phải dùng mảnh ni lông che các kẽ hở tránh sương gió lùa vào từng đêm
Giường ngủ của các thầy giáo kê sát vách gỗ, phải dùng mảnh ni lông che các kẽ hở tránh sương gió lùa vào từng đêm

Thấy trường có khách, ông Lỳ Xái Chư, phụ huynh em Lỳ Bá Thái (lớp 5) qua chơi. Ông Chư có 9 người con, ngày trước nghèo quá nên di cư sang Lào làm ăn sinh sống. Theo lời vận động của bộ đội biên phòng và các thầy giáo, vợ chồng ông Chư dắt díu nhau về bản cũ sinh sống.

"7 đứa lấy vợ, lấy chồng cả rồi, chỉ còn Thái và anh trai Thái nữa thôi. Ngày trước nghèo quá, các con chỉ học hết lớp 4, lớp 5 là nghỉ thôi. Nghỉ học thì đi vào rừng săn bắn, hái cái rau, cái măng ăn qua ngày, khổ vẫn cứ khổ. Các thầy giáo nói có học mới thoát nghèo, thoát khổ được, mình phải cho con học chứ.

Với nguồn điện năng lượng mặt trời các thầy có thể xem ti vi - thứ duy nhất nối Nậm Tột và thế giới bên ngoài. Tuy nhiên, tín hiệu ở đây rất phập phù, việc dò được kênh để xem cũng không hề dễ dàng
Với nguồn điện năng lượng mặt trời các thầy có thể xem ti vi - thứ duy nhất nối Nậm Tột và thế giới bên ngoài. Tuy nhiên, tín hiệu ở đây rất phập phù, việc dò được kênh để xem cũng không hề dễ dàng

Anh trai Thái ra học cấp 2 ngoài trung tâm xã rồi, mai mốt thằng Thái học xong ở đây bố cũng cho ra ngoài xã học, rồi xuống thành phố học nữa. Các thầy giáo nói thì không sai được đâu, phải cho con học chứ", ông Lỳ Xái Chư vui vẻ khoe.

Tháng 11, ở "xứ tận cùng" này trời vẫn trong xanh, cao vời vợi. Tiếng trẻ ê a học bài như khuấy động cái tĩnh mịch của núi rừng. Ở đó, có những người thầy vẫn ngày đêm miệt mài “neo” chữ cho trò…

Hoàng Lam