Nền tảng của cha ông, hành trang người trẻ

Những báo cáo chính thức của Liên hợp quốc cho thấy, người Việt Nam đang có mặt tại 92 nước và nhìn nhận người Việt là dân tộc thành công ngay từ thế hệ đầu và 99% thành công trong lĩnh vực mới.

Người Hoa chỉ thành công vào thế hệ thứ ba, dù họ may mắn hơn khi di dân. Lịch sử người Việt luôn gắn với những biến cố nhưng chưa bao giờ sóng gió ấy thắng được ý chí vươn lên. GS Phan Văn Trường chia sẻ suy nghĩ của ông về những bài học, tâm thế và hành trang của người trẻ khi “ra biển lớn”, khi nền kinh tế sáng tạo bùng nổ dựa trên nền tảng văn hóa.
 
Văn hóa là nền tảng

Văn hóa là nền tảng

Bạn không khỏi tự hào đến sửng sốt, vì có những bậc cha mẹ người Việt khi ra nước ngoài đã quá 50 tuổi, phải đi học lại, vốn liếng nhà cửa không, bất đồng ngôn ngữ. Vậy mà chỉ vẻn vẹn có một chục năm, chưa về hưu, họ đã thành công. Còn với giới trẻ Việt, với ưu thế về tuổi trẻ, khả năng tiếp thu và học vấn so với thế hệ ông bà, họ đón bắt vận hội mới, ở bất cứ nơi đâu, rất tuyệt vời. Điều đó cho thấy khả năng tiếp cận, hòa nhập tốt của chúng ta. 92 nước sở tại, nơi mà có những người dân Việt chúng ta đã an cư, đều nhìn nhận điều đó.

Mưu cầu vật chất luôn đi trước song người Việt lại thành công nhờ nền tảng văn hóa. Trong niềm tin của mình, tôi không tin, người Việt, nhất là thế hệ người Việt trẻ, lại dễ dàng quên tiếng mẹ đẻ, truyền thống và phong tục. Càng ở xa, người ta càng duy trì văn hóa Việt, không để nó loãng đi. Ở Pháp, các cháu ngoại của tôi, lâu lâu lại hỏi bao giờ đến Tết, bao giờ đến Trung Thu? Ở Paris (Pháp) hay tại quận Cam (Mỹ), Trung Thu là trẻ em Việt xách đèn đi chơi thật. Ngày Tết, gần 100% phụ nữ Việt mặc áo dài. Người trẻ Việt vô cùng tự hào về trang phục này…

Văn hóa là chìa khóa cho tương lai đất nước. Tôi rất thích bài đồng dao Thằng Bờm, nó hàm chứa những bài học vô cùng sâu sắc. Bờm, theo cách hiểu dễ nhất, là hình ảnh của sự khờ khạo, ngây ngô. Nhưng con người Bờm không tham lam, không nao núng, mặc cảm trước kẻ giàu có, quyền uy. Trong cuộc “thương thuyết” này, phú ông rõ ràng đang rà soát ý thích của Bờm. Chẳng ai biết ao sâu bao nhiêu, cá mè có bao nhiêu con, bè gỗ lim có bao nhiêu cây? Tất cả đều chung chung, mơ hồ. Nhưng Bờm không bị cuốn vào những “mặt hàng” mơ hồ ấy, anh ta chỉ cần một giá trị tương xứng và thực tế, không khờ khạo khi bị khuyến dụ, anh ta hiểu giá trị của mình và giá trị của cái quạt mo mình có. Cái hay của cuộc “thương thuyết” này ở chỗ, vật không có giá trị của bên này lại có giá với bên kia. Chẳng có gì vô ích, mỗi người trẻ Việt chúng ta luôn có giá trị riêng,người bên ngoài cần chúng ta, ta là người chủ động. Vậy tại sao không đứng sòng phẳng với họ, vì chúng ta có giá trị riêng. Đừng nhìn kẻ mạnh mà mặc cảm, nhìn kẻ giàu mà tự ti. Cái tâm thế của Bờm, giá trị của quạt mo… hoàn toàn có thể là hành trang cho người trẻ tiếp cận thế giới. Những bài học đó có rất nhiều trong di sản văn hóa đồ sộ của cha ông.
 
GS Phan Văn Trường
GS Phan Văn Trường.

Tôi sống cả tuổi trẻ ở nước ngoài, đã đi khắp thế giới và nhận ra rất nhiều nước lỗi lầm khi đi theo những mô hình phát triển không phù hợp, làm ô nhiễm cả sông ngòi rừng núi cho nhiều thế hệ sau. Đô thị của họ mịt mùng, hơi thở chỉ toàn khói đen, bữa ăn toàn hóa chất. Một số nơi, trẻ em không biết vẽ Mặt Trời vì chưa bao giờ nhìn thấy, không tưởng tượng ra Mặt Trời vì nó bị khói bụi bao phủ quanh năm.

Ta đừng chạy theo họ làm gì! Hãy mạnh dạn với kinh tế tri thức và đừng bao giờ quên dựa vào nền tảng văn hoá của cha ông để có con đường riêng của mình.

Người trẻ là hạt nhân của kinh tế sáng tạo

Bạn trẻ hãy tin tưởng ở giá trị, văn hóa của con người Việt. Chúng ta học từ nước ngoài những “best practices” – phương cách và công thức vận hành hay nhưng vẫn giữ tâm hồn Việt. Sau bao nhiêu thăng trầm lịch sử, chúng ta vẫn giữ được toàn vẹn bản sắc. Bờm, phú ông, quạt mo và nắm xôi… những hình ảnh giản dị của một đất nước đi lên từ nông nghiệp.

Bẩm sinh của người Do Thái, người Hoa là thương mại, người Pháp là nghệ thuật, người Mỹ là tính thực tế, còn người Việt là sự sáng tạo và hấp thụ rất nhanh. Chính óc sáng tạo là động lực biến đổi thế giới, óc sáng tạo cho phép khởi nghiệp, đem lại giá trị gia tăng thật sự cho mọi hành động. Xã hội chỉ tiến nếu mỗi người trẻ có tinh thần đột phá, óc sáng tạo và lòng can đảm. Mọi gò bó đều cản trở sự tiến bộ. Kinh tế tri thức chính là kinh tế sáng tạo và người trẻ là hạt nhân. Chúng ta hay than phiền rằng, người trẻ Việt đang tụt hậu nhưng đó là do thiếu môi trường phát triển chứ không phải do bản chất. Tự do tư duy là điều kiện tiên quyết cho sự sáng tạo.

Về nước, giảng dạy ở các đại học, tôi thấy, người trẻ Việt rất năng động và có óc sáng tạo phong phú. Tôi vẫn tự hỏi, nếu thế hệ trẻ của mình được đào tạo bài bản hơn, có đủ điều kiện hơn để phát triển tài năng thì sẽ lên cao như thế nào? Tại Mỹ,với một môi trường sinh hoạt khác, giới trẻ Việt đã làm cho nhiều lãnh vực công nghệ đổi dạng.Vào đúng môi trường của mình, giới trẻ Việt Nam thật xuất sắc.

Thế hệ của chúng tôi, nói vui là thành công khi… kẻ khác thất bại. Sự tuyệt vời của thời hiện tại là thành công của người khác gọi thành công của mình, không cần xung quanh thất bại ta mới có thể vươn lên. Người ta càng giàu có, ta càng có cơ hội để bán hàng cho họ. Thời nay, câu chuyện không còn là sự lo lắng đói no tối thiểu nữa mà là thời điểm của sáng tạo và đam mê. Và bạn thấy đây, đây là thời của bạn,trẻ đầy đam mê và sáng tạo.

***GS Phan Văn Trường là chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đàm phán quốc tế. Hiện ông là cố vấn của Chính phủ Pháp về thương mại quốc tế. Ông được trao tặng Huân chương Bắc đẩu Bội tinh (Chevalier de la Légion d’Honneur) năm 2006, Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp giáo dục” của Bộ GD – ĐT năm 2010. Ông sang Pháp năm 17 tuổi, tốt nghiệp Ecole Nationale des Ponts et Chaussées, năm 1970, từng làm việc và giữ cương vị chủ tịch các tập đoàn lớn trong lĩnh vực xây dựng, điện lực, giao thông, dầu hỏa: Alstom, Suez-Lyonnaise des Eaux, SGTE. Năm 1997, ông có mặt trong đoàn của cựu Tổng thống Pháp Jacques Chirac đến Việt Nam tham dự Hội nghị cấp cao các nước có sử dụng tiếng Pháp. Đây là lần trở về nước đầu tiên của ông, sau 41 năm. Hiện tại, ông đang giảng dạy miễn phí môn Quy hoạch vùng và kinh tế đô thị tại trường ĐH Kiến trúc TP. HCM, dạy Kỹ năng quản lý và lãnh đạo tại Viện John Von Neumann (ĐHQG TP. HCM).

Theo Khoa Tư
Sinh Viên Việt Nam