Nâng chuẩn giáo viên tiểu học: “Không phải cứ dưới chuẩn thì sa thải lập tức!”

(Dân trí) - Tại hội thảo Góp ý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục do Bộ GD&ĐT tổ chức ngày 30/11 ở trường ĐH Thái Nguyên, đa số ý kiến đồng tình với đề xuất nâng chuẩn trình độ giáo viên tiểu học tuy nhiên phải có lộ trình phù hợp.

Đại diện Văn phòng Chính phủ, Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh thiếu niên nhi đồng Quốc hôi, Vụ Pháp chế, lãnh đạo 11 Sở GD&ĐT cùng các hiệu trưởng, nhà giáo cốt cán đến từ các cơ sở giáo dục thuộc các tỉnh phía Bắc tham dự hội thảo.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ chủ trì hội thảo.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ chủ trì hội thảo.

Cần có lộ trình

Bà Nguyễn Thị Thu Huyền – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Phú Thọ cho rằng, việc nâng chuẩn trình độ đào tạo giáo viên tiểu học từ trung cấp lên cao đẳng là phù hợp và cần thiết. Bởi lẽ, “đội ngũ giáo viên là yếu tố then chốt thực hiện đổi mới giáo dục do đó cần chuẩn hóa trình độ đội ngũ nhà giáo từng cấp học, trong đó có tiểu học”.

Bà Nguyễn Thị Thu Huyền – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Phú Thọ.
Bà Nguyễn Thị Thu Huyền – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Phú Thọ.

Theo bà Huyền, năm học 2016 - 2017, tỷ lệ giáo viên đạt trên chuẩn đã là 86,7%. Thực tiễn, trình độ giáo viên tiểu học đã vượt xa nhiều so với quy định của Luật Giáo dục trước đây nên việc nâng chuẩn là phù hợp. Chính vì vậy các cơ sở giáo dục tiểu học cần tạo điều kiện cho giáo viên đi học lên cao, nâng chuẩn trình độ.

Đồng tình quan điểm, ông Nguyễn Thế Bình, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Giang bổ sung thêm điều kiện đi kèm: Cần có lộ trình!

Đại biểu này đề xuất, sau khi Luật sửa đổi ban hành cũng cần có lộ trình thực hiện thực hiện ở các địa phương khó khăn, chưa thể nâng chuẩn ngay được. Đối với các địa phương này, phải có kế hoạch hỗ trợ giáo viên nâng chuẩn mới, không thể áp dụng ngay.

Ông Phạm Việt Đức, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Thái Nguyên cũng nhận định: “Trong Nghị quyết 29 của BCH TƯ Đảng đã nêu rõ, tiến tới giáo viên tiểu học, THCS, THPT đều phải có trình độ Đại học trở lên, do đó, việc nâng chuẩn giáo viên tiểu học từ trung cấp lên cao đẳng chỉ là một bước trong lộ trinh thực hiện mục tiêu này. Tuy nhiên, phải có các văn bản dưới luật luật hướng dẫn việc nâng chuẩn có lộ trình”.

Giải đáp những băn khoăn về việc nâng chuẩn trình độ giáo viên, ông Nguyễn Đức Hữu, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Giáo dục Tiểu học, Bộ GD&ĐT cho hay, việc nâng chuẩn là phù hợp xu thế chung của nhiều quốc gia trên thế giới – hiện nhiều quốc gia đã yêu cầu giáo viên tiểu học có trình độ thạc sĩ.

Ông Nguyễn Đức Hữu, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Giáo dục Tiểu học, Bộ GD&ĐT.
Ông Nguyễn Đức Hữu, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Giáo dục Tiểu học, Bộ GD&ĐT.

Ông Hữu dẫn số liệu mới cập nhật vào tháng 9/2017: Tại Việt Nam, 33/63 tỉnh thành phố có tỉ lệ 90% giáo viên tiểu học trên chuẩn, chỉ có 3 tỉnh (Hà Giang, Tuyên Quang và Lào Cai) có tỉ lệ dưới 70%, thấp nhất là Tuyên với 63,86%.

Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Giáo dục Tiểu học chia sẻ: “Dự kiến, những người có trình độ trung cấp còn công tác từ 1-5 năm thì địa phương bồi dưỡng thường xuyên để nâng cao trình độ, không yêu cầu đi đào tạo lại để có bằng cao đẳng. Còn những người còn công tác trên 5 năm thì nâng chuẩn với các hình thức đào tạo linh hoạt và phù hợp”.

"Không phải Luật có hiệu lực thì ngay lập tức loại những người không đủ tiêu chuẩn thì loại ra khỏi ngành", ông Hữu nhấn mạnh.

Miễn học phí bậc THPT - nhà trường có được hỗ trợ ngân sách bị hụt?

Về chính sách phổ cập liên quan đến học học phí, nhiều ý kiến cho rằng, cần tiếp tục quán triệt và thực hiện Hiến pháp 2013 và các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về phổ cập giáo dục; phải có cơ chế chính sách thích hợp để thực hiện phổ cập giáo dục. Trên cơ sở đó, dự thảo Luật đề xuất mở rộng đối tượng không phải đóng học phí đến học sinh trung học cơ sở trường công lập.

Bà Đỗ Thị Lan Hương – Hiệu trưởng Trường THCS Kỳ Lâm (Tuyên Quang) tâm sự: “Hiện chúng tôi có khoảng 700 học sinh nhưng mỗi năm thường thất thu học phí khoảng 100 em học sinh. Những em nghèo được miễn, được Nhà nước hỗ trợ chi trả học tập. Tuy nhiên, có những em không nghèo nhưng còn… nghèo hơn cả các em diện hộ nghèo. Vì sao? Vì cha mẹ các em lao động tự do, thường làm ăn xa, li hôn, li thân hoặc mất sớm. Các em ở với người thân như ông bà làm công nhân nhưng lại không được liệt vào hộ nghèo, không được hưởng chế độ nào cả”.

Bà Đỗ Thị Lan Hương – Hiệu trưởng Trường THCS Kỳ Lâm (Tuyên Quang).
Bà Đỗ Thị Lan Hương – Hiệu trưởng Trường THCS Kỳ Lâm (Tuyên Quang).

Bà Hương cho hay, nhà trường thất thu với các trường hợp này. Do vậy chính sách miễn học phí chắc chắn sẽ được không chỉ giáo viên chúng tôi mà tất cả phụ huynh, học sinh ủng hộ. “Chúng tôi chỉ thu 50 nghìn đồng học phí/ tháng nhưng đối với người dân nghèo, lao động tự do thì là cả vấn đề".

Ông Trằm Văn Du - Giám đốc Sở GD&ĐT Bắc Kạn đồng tình cho rằng: “Miễn học phí cho học sinh THCS giúp tạo hành lang cơ chế chính sách để thực hiện tốt phổ cập giáo dục cơ sở, phù hợp tinh thần phổ hợp giáo dục trung học cơ sở và phân luồng học sinh. Đây sẽ là chính sách có nghĩa nhân văn rất lớn, tạo điều kiện thuận lợi cho người đi học và nuôi con đi học”.

Một đại biểu khác cho rằng: "Học phí bậc THCS thu không lớn, mỗi năm cả nước thu 2.000 tỷ đồng nếu chia cho 63 tỉnh thành thì không nhiều nên việc miễn giảm rất nên làm".

Liên quan đến vấn này, ông Phạm Việt Đức, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Thái Nguyên đề xuất thêm, cần có chính sách hỗ trợ các nhà trường đi kèm để các trường không “gặp khó”.

"Miễn học phí thì phần thu của nhà trường bị giảm. Hiện nay tỉ lệ là 40-60, nhà trường được 60% các khoản thu từ học phí do đó miễn 1 cái là nhà trường giảm thu. Theo cơ chế phân bổ các nhà trường là cứ 18-82 (18 chi cho hoạt động giáo dục, 82% chi thường xuyên). Đây là câu chuyện cần tính trước, đưa phương án hỗ trợ vào văn bản để các nhà trường không thiếu hụt nguồn ngân sách. Bằng không, muốn giúp giáo dục nhưng lại khiến các trường gặp khó", ông Đức phân tích. Ý kiến này được nhiều đại biểu từ các trường tham dự hội thảo đồng tình.

Dự luật về lương giáo viên nhận được sự hưởng ứng nhiệt liệt

Bà Trương Thị Kim Ngân – Hiệu trưởng trường Tiểu học Trại Cau, Thái Nguyên trăn trở thực trạng giáo viên tiểu học phải làm việc 10-11 tiếng/ngày, thậm chí không dám nghỉ trưa vì phải kiêm luôn nấu ăn cho trẻ và không có chế độ hỗ trợ thêm, lương lại thấp.

Bà Trương Thị Kim Ngân.
Bà Trương Thị Kim Ngân.

“Năm nay, chúng tôi tuyển 27 người nhưng đã 10 người bỏ. Được biết tỉnh Thái Nguyên chuẩn bị nâng lên mức lương giáo viên lên hệ số 1,85. Như vậy cũng chỉ trên 2 triệu đồng. Người ta không đi làm giáo viên mà đi làm công ty lương 5-8 triệu”, bà Ngân chia sẻ.

“Lương nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp thể hiện sự quan tâm và tạo động lực cho đội ngũ giáo viên, đồng thời thu hút học sinh, sinh viên giỏi vào ngành sư phạm và nâng chuẩn đầu vào”, bà Nguyễn Thị Thu Huyền – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Phú Thọ nhận định.

Theo đại diện này, lương giáo viên với bằng cao đẳng hiện tại khoảng 3,5 triệu đồng/tháng, đại học đạt 4 triệu đồng/tháng, so với tương quan mặt bằng kinh tế là rất thấp. Đối với các ngành bộ đội, công an đặc thù họ cũng có thang bảng lương đặc thù. Giáo viên cũng đặc thù và nên có bảng lương riêng.

Đa số đại biểu tham dự hội thảo bày tỏ vui mừng và đồng thuận cao với dự luật Lương của nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp; nhà giáo được hưởng phụ cấp ưu đãi theo nghề, phụ cấp thâm niên và các phụ cấp khác theo quy định của Chính phủ.

Lệ Thu