Nâng cao khả năng tiếp cận giáo dục cho phụ nữ và trẻ em gái

(Dân trí) - Tạo ra các cơ hội để nâng cao khả năng tiếp cận giáo dục có chất lượng cho phụ nữ và trẻ em gái, nhất là những đối tượng có hoàn cảnh khó khăn và dễ bị tổn thương.

Đó là một trong những nội dung của Lễ khởi động Sáng kiến Bình đẳng Giới và Giáo dục cho trẻ em gái tại Việt Nam: Trao quyền cho trẻ em gái và phụ nữ vì một xã hội công bằng hơn do Bộ GD-ĐT và UNESCO tổ chức ngày 28/10.

Nâng cao khả năng tiếp cận giáo dục cho phụ nữ và trẻ em gái - 1

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thị Nghĩa, Trưởng Ban Vì sự Tiến bộ Phụ nữ của Ngành Giáo dục, khẳng định: “lồng ghép bình đẳng giới, giáo dục cho phụ nữ và trẻ em gái trong tiến trình đổi mới giáo dục toàn diện sẽ là một ưu tiên của Bộ”.

Sáng kiến này sẽ cung cấp hỗ trợ kỹ thuật nhằm đảm bảo bình đẳng giới trong công cuộc đổi mới chương trình dạy và sách giáo khoa; đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý giáo dục và các nhà hoạch định chính sách; xây dựng tài liệu dạy và học mới, cũng như trong các nỗ lực phối hợp giữa phụ huynh và cộng đồng nhằm hỗ trợ nhà trường thúc đẩy môi trường thuận lợi để các em học sinh áp dụng tốt hơn những kiến thức các em học được tại trường vào gia đình và cộng đồng.

Bộ GD&ĐT và UNESCO đã cùng xây dựng và kết quả đem lại là một bản Kế hoạch Hành động vì Bình đẳng Giới của Ngành Giáo dục giai đoạn 2016-2020 được thiết kế theo phương pháp có sự tham gia và tham vấn rộng rãi.

Trong đó, có tạo ra các cơ hội để nâng cao khả năng tiếp cận giáo dục có chất lượng cho phụ nữ và trẻ em gái, nhất là những đối tượng có hoàn cảnh khó khăn và dễ bị tổn thương, góp phần thực hiện Mục tiêu Phát triển Bền vững 4 về Giáo dục có chất lượng và Mục tiêu 5 về Bình đẳng giới. Các thành viên của Liên Hợp Quốc gồm Cơ quan Liên Hợp Quốc về Phụ nữ (UN Women), Quỹ Dân số của Liên Hợp quốc (UNFPA) và Chương trình Phát triển của Liên Hợp quốc (UNDP) cùng chung tay với UNESCO để hỗ trợ về kỹ thuật cho Sáng kiến này.

Trưởng Đại diện UNESCO tại Việt Nam, Bà Katherine Muller-Marin, ghi nhận nỗ lực của khu vực kinh tế tư nhân vì đã có những hỗ trợ về tài chính cho Sáng kiến, đồng thời khuyến khích các khu vực khác cùng tham gia.

Bình đẳng giới là một ưu tiên toàn cầu của UNESCO và gắn liền với các nỗ lực của UNESCO trong việc thúc đẩy quyền giáo dục và hỗ trợ thực hiện các mục tiêu phát triển quốc gia tại Việt Nam.

Hồng Hạnh