Nạn đạo văn ngày càng gia tăng

(Dân trí) - Đạo văn tràn lan nhưng nghiêm trọng hơn khi nhận thức sinh viên vẫn cho rằng “vì sao phải chống đạo văn trong khi đó là một cách học từ nhỏ?” và xem đó là điều hiển nhiên. Nhiều trường ĐH nhận ra điều này và tìm cách ngăn ngừa tình trạng này.

Đó là nội dung được các đại biểu chia sẻ tại hội nghị "Liêm chính học thuật" toàn quốc lần đầu tiên được tổ tại trường ĐH Hoa Sen vào ngày 29/5 với sự tham gia của hơn 20 trường ĐH trong toàn quốc. Dịp này, các trường chia sẻ những kinh nghiệm đã thực hiện về vấn đề ngăn ngừa các hành vi như đạo văn, quay cóp, gian lận trong thi cử, trong nghiên cứu hiện nay.

Khó chống đạo văn?

TS Phạm Quốc Lộc – Phó Hiệu trưởng trường ĐH Hoa Sen chia sẻ kinh nghiệm khi trường bắt tay vào việc ngăn ngừa tình trạng đạo văn trong sinh viên nhà trường. Khi đặt vấn đề này ra, hầu như sinh viên đều cảm thấy bối rối. Thậm chí các em còn cho rằng “Vì sao phải chống đạo văn trong khi đó là một cách học từ nhỏ?”, “nếu không đạo văn thì em được gì ?”. Nhà trường rút ra được kinh nghiệm chính là không thể chống một điều mà cả sinh viên và kể cả giảng viên đều chưa hiểu.

TS Võ Thanh Hải – Phó Hiệu trưởng trường ĐH Duy Tân đưa ra một khái niệm rằng không liêm chính đồng nghĩ với sự giả dối và sự liêm chính cũng tương đồng với sáng tạo. Bản chất của giảng dạy ĐH là sáng tạo do đó nếu không liêm chính thì sẽ không thực hiện được một vế của giáo dục ĐH. Ông Hải cho rằng trước mắt hãy thay đổi về nhận thức hơn đưa ra những hình thức xử phạt các hành vi đạo văn, gian lận.

 

Kết quả khảo sát của trường ĐH
Duy Tân về hành vi “đạo văn” trong sinh viên
Kết quả khảo sát của trường ĐH Duy Tân về hành vi “đạo văn” trong sinh viên

Ông Hải cũng chỉ ra rằng có nhiều chỉ số đánh giá cho thấy tính sáng tạo của Việt Nam còn khiêm tốn, kể cả lĩnh vực giáo dục. TS Võ Thanh Hải nêu rằng “Tôi thấy “ngôn ngữ” bàn phím của sinh viên hiện nay chủ yếu là copy và dán là nhiều. Dường như sinh viên bây giờ có dáng vóc của một thầy thuốc đông y hơn một nhà khoa học. Các bạn đọc, dịch tài liều từ trên mạng sao đó bỏ vào từng phần trong bài nghiên cứu của mình. Chính sự thiếu sáng tạo này nâng lên thành bậc rất cao chính là đạo văn. Bây giờ đạo văn hiện hữu rất nhiều trong suy nghĩ của các bạn sinh viên kể cả các giảng viên khi sử dụng giáo trình giảng dạy cũng có hành vi này chứ không riêng gì sinh viên”.

Ông Hải dẫn chứng bằng một kết khảo sát trong sinh viên trong trường với nội dung “Bạn đã từng sao chép nguyên bản bài viết của các tác giả trên mạng, sách tham khảo, giáo trình 1 đoạn văn hay nhiều hơn 1/2 trang…mà không trích dẫn chưa ?” và kết quả là tới 49% trả lời thực hiện hành vi này thường xuyên và chỉ có 9,5% cho biết không thực hiện bao giờ. Đặc biệt, khi hỏi “lý do không ghi trích dẫn khi sao chép nội dung từ bài viết của tác giả khác” thì 36% sinh viên trả lời rằng không biết cách trích dẫn, 12% thì cho rằng không biết tác giả là ai, 9% thì không quan tâm và 15% trả lời “không thể viết hay hơn” nên chép nguyên si.

“Chỉ qua 2 khảo sát nhỏ cũng cho thấy rằng việc giảng dạy ở bậc phổ thông cần phải thay đổi và ở trường ĐH chúng tôi cố gắng thay đổi nhận thức các em ngay khi vào năm 1. Làm sao để tạo ra một thế hệ sinh viên ra trường sẽ trung thực và nhận thức rằng “cái gì của mình mới là của mình”, ông Hải chia sẻ.

Tương tự đó, Ths Nguyễn Văn Trung -Giám đốc Trung tâm Khảo thí và Kiểm định chất lượng, trường ĐH Giao thông vận tải TPHCM, nhìn nhận tình trạng phổ biến trong các trường ĐH chính là trò sau chép trò trước, học viên cao học chép của sinh viên ĐH… Thế nhưng điều nghiêm trọng nhưng nguy hiểm ở chỗ, người ta xem đó là điều hiển nhiên, bình thường trong cuộc sống.

TS Trần Long Giang – Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu, trường ĐH Hàng Hải cũng cho rằng "Đạo văn" không phải là một hiện tượng mới, nhưng từ khi mạng Internet phổ cập rộng rãi, vấn nạn này đã gia tăng rất nhanh và trở lên nguy hiểm trong môi trường giáo dục đào tạo và nghiên cứu khoa học. Theo ông Giang, vấn đề quan trọng đặt ra ở đây là cách thức thực hiện kiểm tra đạo văn như thế nào để đạt hiệu quả cao nhất.

Cần chung tay xây dựng hệ thống ngăn ngừa

Hội nghị này cũng là dịp các trường góp phần thành lập mạng lưới giữa các trường ĐH nhằm đưa ra các chương trình phối hợp, góp phần nâng cao tính liêm chính, trong sạch trong giáo dục.

Kết quả khảo sát của trường ĐH
Duy Tân về hành vi “đạo văn” trong sinh viên
Lần đầu tiên tổ chức hội nghị về liêm chính học thuật nhưng đã nhận được sự đồng thuận từ nhiều trường ĐH

TS Phạm Quốc Lộc nhìn nhận rằng chính từ thực tiễn đó, nhà trường quyết định thành lập Ban Liêm chính học thuật, chỉ đạo việc thể chế hoá và thực hiện liêm chính học thuật của nhà trường; mua quyền sử dụng phần mềm Turnitin; tổ chức các hoạt động cổ vũ giá trị liêm chính.

Trong khi đó, để thức hiện phương châm sinh viên ra trường phải trung thực, TS Võ Thanh Hải cho biết trường ĐH Duy Tân tiến hành 6 việc gồm đưa nội dung trong đó có quy trình đánh đạo tạo đổi mới, tăng cường các học phần mang tính sáng tạo. Bên cạnh đó, trường xây dựng phầm mềm chống đạo văn và đưa ra xử lý nghiêm các hành vi đạo văn.

Cũng sử dụng phầm mềm Turnitin nhưng ở trường ĐH Hàng hải có phần ngược lại khi chỉ tập trung kiểm tra hành vi “đạo văn” của giảng viên, những người có học hàm, học vị tại trường cũng như các học viên cao học. Theo TS Trần Long Giang lý giải, việc trò sao chép thì trước hết lỗi thuộc về người thầy nên trường chưa tiến hành kiểm tra đối với sinh viên.

Ông Giang cho biết, trường kiểm tra sao chép trong các giáo trình, đồ án tốt nghiệp của học viên cao học và trong các bài báo đăng trên tạp chí Khoa Học Công Nghệ Hàng Hải. Kết quả, một số luận văn thạc sĩ đã bị hủy vì có tỉ lệ tương đồng với các tài liệu khác. Nhiều bài báo khoa học có tỉ lệ tương đồng cao hơn quy định cũng bị trường trả lại cho người viết.

Tuy vậy ông Giang cũng cho biết vẫn còn một số khó khăn khi thực hiện. Do hiện nay chưa có nhiều trường ở Việt Nam áp dụng kiểm tra đạo văn vào trong công tác đào tạo và nghiên cứu khoa học nên còn nhiều ý kiến còn chưa thật ủng hộ.

Đa phần các trường đều hướng đến việc xây dựng phầm mềm kiểm tra tuy nhiên ong Phạm Anh Dương- Tổ chức Hướng tới minh bạch, đặt ra câu hỏi: “Các phần mềm này sử dụng nguồn dữ liệu thế nào? Chỉ phát hiện được việc đạo văn trong phạm vi của trường hay trên cả nước?”.

Vì nhiều đại biểu cho rằng nếu cơ sở dữ liệu không tốt, không rộng rãi, chỉ áp dụng dữ liệu của một trường thì không giải quyết được điều gì. Lý do là sinh viên có thể lấy thông tin của trường khác thì phần mềm trong trường không thể phát hiện được. Theo TS Trần Long Giang, cần có sự thống nhất chung về quan điểm giữa các trường đại học trong việc đánh giá, xử lý hiện tượng đạo văn trong nghiên cứu khoa học và giáo dục đào tạo.

Đại diện các trường thống nhất gia nhập mạng lưới “Các trường ĐH hành động vì liêm chính học thuật” để phối hợp cùng nhau,  khuyến khích chia sẻ cơ sở dữ liệu luận văn, đồ án, sách tham khảo… của các trường cho việc áp dụng phần mềm chống đạo văn.

Lê Phương