Thanh Hóa:

Năm học sắp kết thúc, hơn trăm học sinh vẫn... ở nhà

(Dân trí) - Liên quan đến việc phản đối sát nhập trường khiến hơn trăm trẻ mầm non thôn Ngọc Đỉnh (Hoằng Hà, Hoằng Hóa, Thanh Hóa) nghỉ học, cho đến nay khi năm học chỉ còn hai tháng nữa kết thúc, hơn trăm trẻ này vẫn “cố thủ” không đi học.

Trước đó như Dân trí đã đưa tin, do ngôi trường ở điểm lẻ đã quá xuống cấp, không thể sửa chữa lại được nên Phòng GD huyện Hoằng Hóa đã có công văn yêu cầu chuyển toàn bộ học sinh của thôn Ngọc Đỉnh lên khu chính cách hơn 2km để học.

Tuy nhiên, điều này không được sự đồng tình của phụ huynh với lý do họ đưa ra rằng phụ huynh ở đây quanh năm đi làm ăn xa, con cháu họ toàn gửi ông bà già ở nhà trông. mà hầu hết ông bà đều là những người già yếu, nhưng có nhiều người trông đến 5-6 đứa cháu cho nhiều cặp vợ chồng.

Chính quyền địa phương cũng như Phòng GD huyện Hoằng Hóa cũng đã rất nhiều lần xuống tận thôn, đến từng gia đình để động viên, vận động , tuyên truyền để con em họ đến trường. Thế nhưng, việc tuyên truyền vận động cứ diễn ra còn học sinh thì vẫn “cố thủ” ở nhà. Hiện số học sinh từ 1 tuổi đến 5 tuổi có tới 189 cháu, có 37 cháu nằm trong độ tuổi sang năm lên lớp 1.

Ngôi trường cũ đã xuống cấp không thể đưa vào hoạt động được nữa.
Ngôi trường cũ đã xuống cấp không thể đưa vào hoạt động được nữa.

Vụ việc này cũng đã được Phòng GD huyện Hoằng Hóa báo cáo UBND huyện và Thường trực huyện ủy để có phương hướng giải quyết. Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, khi chỉ còn hơn 2 tháng nữa năm học kết thúc thì vẫn chưa có học sinh nào ở thôn Ngọc Đỉnh xuống điểm trường chính đi học. Tình trạng này có lẽ sẽ còn kéo dài không biết đến bao giờ.

Ngày 3/3, trao đổi với PV, bà Hoàng Thị Oanh - Phó trưởng phòng GD-ĐT huyện Hoằng Hóa cho biết: “Cho đến thời điểm này người dân thôn Ngọc Đỉnh vẫn không đưa con em đến trường, mặc dù Phòng cũng đã nhiều lần xuống thôn, tổ chức họp dân để vận động, tuyên truyền họ đưa các cháu đến lớp, nhưng họ vẫn không chịu. Hiện trên khu trung tâm vẫn đang dành cho thôn này 2 phòng học tốt nhất, với đầy đủ các thiết bị học, đồ chơi hiện đại mà phụ huynh vẫn kiên quyết nói không. Họ không đưa con em đến trường thì thiệt thòi cho các cháu, chúng tôi cũng không thể dùng các biện pháp nào khác ngoài vận động, tuyên truyền”.

Cũng theo bà Oanh thì việc phụ huynh có nguyện vọng sửa lại ngôi trường đó sẽ không được chấp nhận vì xu hướng sắp tới của giáo dục mần non là tập trung hết về khu trung tâm.

Một thực tế đáng buồn là sự bất lực của ngành chức năng và sự “bất hợp tác” của phụ huynh đang đang bắt lũ trẻ ở đây gánh chịu hậu quả của việc thất học.

Nguyễn Thùy