Chương trình giáo dục phổ thông môn mới:

Môn Ngữ Văn: Giáo viên không phải “đổ kiến thức lên học sinh”

(Dân trí) - Về Dự thảo chương trình giáo dục phổ thông mới, nhiều giáo viên cho rằng, chương trình đã đổi mới rất hợp lý, giáo viên môn Văn không phải là người “đổ kiến thức lên học sinh” và học sinh không phải là người “thụ động” tiếp nhận kiến thức mà các em sẽ chủ động khám phá tri thức bằng năng lực, kĩ năng của bản thân.


Chủ biên của môn học nên công bố số điện thoại, mail, facebook cá nhân để giáo viên khi gặp khó khăn có thể trực tiếp liên hệ với chủ biên để được giải đáp.

Chủ biên của môn học nên công bố số điện thoại, mail, facebook cá nhân để giáo viên khi gặp khó khăn có thể trực tiếp liên hệ với chủ biên để được giải đáp.

Sẽ có nhiều cách thức giảng dạy môn Ngữ Văn

Thầy Hoàng Long Trọng (GV Ngữ Văn, Trường THCS Văn Lang, TP. Hồ Chí Minh) cho rằng, dự thảo chương trình môn Ngữ văn sẽ tạo sự thay đổi rất lớn trong quá trình giảng dạy của giáo viên và học tập của học sinh.

Giáo viên không phải là người “đổ kiến thức lên học sinh” và học sinh không phải là người “thụ động” tiếp nhận kiến thức mà các em sẽ chủ động khám phá tri thức bằng năng lực, kĩ năng của bản thân. Đây sẽ là một thay đổi lớn, hứa hẹn nhiều phương pháp, cách thức giảng dạy mới, đầy sáng tạo, hiệu quả của giáo viên nở rộ trong tương lai.

Những định hướng mở về bài dạy, về tác phẩm văn học sẽ là mảnh đất để phát huy năng lực văn chương của người học, khiến học sinh có những nốt rung thực sự của tâm hồn trước một văn bản mà các em thực sự yêu thích.

Ngoài ra, mục tiêu thiết kế môn học thay đổi sẽ kéo theo sự thay đổi trong thi cử và đánh giá học sinh. Điều này giúp giáo viên đánh giá học sinh một cách tổng quát và chính xác nhất năng lực của các em.

Đồng quan điểm về việc dự thảo chương trình môn Ngữ Văn mới sẽ giúp giáo viên linh hoạt và thỏa sức sáng tạo trong giảng dạy, cô giáo Nguyễn Thu Trang, giáo viên Ngữ văn Trường THPT Đào Sơn Tây (TP. Hồ Chí Minh) cho rằng, chương trình giúp giáo viên có thời gian để mở rộng không gian và hình thức giảng dạy cho học sinh như đưa các em đi xem các vở kịch được xây dựng dựa trên các tác phẩm văn học hoặc tự phân đoạn để các em được tham gia đóng kịch… Gắn văn học với cuộc sống để các em vận dụng kiến thức đã học vào thực tiễn, giải quyết những vấn đề thực tiễn đặt ra.

Quan trọng hơn, dựa trên mục tiêu mà dự thảo đã nêu, mỗi giáo viên sẽ cụ thể hóa mục tiêu này ra, tùy cấp độ, văn học giúp các em có được cách hành văn mạch lạc, sử dụng tiếng Việt lưu loát, có vốn từ phong phú, đọc, hiểu, cảm nhận cái hay, cái đẹp của văn chương, phát triển con người nhân văn, sống có cảm xúc, tình cảm, biết chia sẻ và yêu thương mọi người xung quanh…

Dự thảo cũng rất chú trọng đến kỹ năng nói của học sinh để tăng khả năng giao tiếp, tranh luận,… để các em thấy được tính thiết thực của môn văn, thay vì hiện nay có không ít em học văn để đối phó thi cử.

Thầy Đỗ Đức Anh, giáo viên Ngữ văn, Trường THPT Bùi Thị Xuân (TP.Hồ Chí Minh ) khẳng định, với môn Ngữ Văn, dự thảo cho thấy sự thay đổi tích cực so với chương trình hiện hành.

Chương trình mới đã chú trọng nhiều hơn đến tính ứng dụng thực tế của môn văn. Điều đáng chờ đợi nhất là chương trình đã chú trọng đến kĩ năng nói và nghe của học sinh, văn học không chỉ dạy học sinh cách đọc, cách hiểu, cách viết, mà còn cho học sinh cả kĩ năng nói và lắng nghe. Từ đổi mới đó, sẽ không còn kiểu áp đặt ý tứ văn chương vào trong những giờ học, mà mỗi học sinh được nói, được tranh luận, được phản biện hay bảo vệ ý kiến, suy nghĩ của mình.

Tuy nhiên, thầy Đức cũng mong muốn, chương trình môn Ngữ Văn sẽ chú trọng hơn nữa phần mở để giáo viên sáng tạo, linh hoạt thực hiện nội dung chương trình, tăng tiết ngoại khóa, hoặc có thời gian nhiều hơn để thực hiện dự án dạy học mang tính nhân văn, lồng ghép kiến thức văn học, xã hội, liên môn cho học sinh.

Chủ biên môn học nên công bố địa chỉ để giáo viên liên hệ

Nhất trí với dự thảo bộ môn Ngữ văn (ở tiểu học là tiếng Việt), thầy giáo Vũ Hoàng Sơn, giáo viên Trường Tiểu học Bình Hòa (Bình Thạnh, TP.HCM) cho biết, dự thảo có nhiều điểm mới, linh hoạt góp phần phát huy khả năng cá thể hóa đối với học sinh.

Nội dung dự thảo cho thấy, chương trình đã rất chú trọng phát triển kỹ năng của học sinh về nghe nói, đọc viết, giúp trẻ hoàn thiện về ngôn ngữ một cách toàn diện. Bên cạnh đó còn vừa dạy tiếng Việt nhưng lồng ghép thêm những kỹ năng khác để đạt mục tiêu giáo dục đề ra.

Để đáp ứng được các yêu cầu như đặt ra trong dự thảo chương trình môn học, thầy Sơn cho rằng, công tác tập huấn, bồi dưỡng cho giáo viên cần có sự thay đổi. Trước đây giáo viên được tập huấn thông qua các chuyên viên hoặc giáo viên cốt cán trong quận. Việc tập huấn như thế chưa mang lại hiệu quả cao vì báo cáo viên chưa nắm rõ “ý đồ” của người soạn sách. Cho nên lần này cần xem xét hình thức và thời gian tập huấn sao cho phù hợp, có thể linh hoạt bằng nhiều hình thức như tập huấn tập trung, tập huấn online, tập huấn thông qua những diễn đàn... để giáo viên chủ động học tập.

Thầy Sơn cũng đề xuất, chủ biên của môn học nên công bố số điện thoại, mail, facebook cá nhân để giáo viên khi gặp khó khăn có thể trực tiếp liên hệ với chủ biên để được giải đáp.

Thầy giáo Đỗ Đức Anh thì góp ý, sách giáo khoa nên có những phần mở để giáo viên sáng tạo, linh hoạt thực hiện nội dung chương trình, tăng tiết ngoại khóa, hoặc có thời gian nhiều hơn để thực hiện dự án dạy học mang tính nhân văn, lồng ghép kiến thức văn học, xã hội, liên môn cho học sinh.

Minh Tâm