Môi trường trọng nhân tài

Tại cuộc thảo luận với chủ đề Phát triển khoa học, công nghệ trong thời kỳ hội nhập quốc tế diễn ra chiều 12/12, Bộ trưởng Bộ KHCN Nguyễn Quân đặt ra ba câu hỏi.

Một, vì sao người Việt có trí tuệ, học tập không thua kém các dân tộc khác nhưng đất nước lại không phát triển nhanh như kỳ vọng. Hai, vì sao những người giỏi không tham gia nhiều vào các hoạt động của cơ quan quản lý nhà nước, trong khi đất nước rất cần người tài để xây dựng cơ chế chính sách? Ba, vì sao nhiều người giỏi đi học ở nước ngoài lại không muốn về?

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Nhiều nhà khoa học trẻ đã trả lời ba câu hỏi của Bộ trưởng Nguyễn Quân. Tuy nhiên, chưa thấy câu trả lời nào thật thẳng thắn, chỉ ra bản chất của vấn đề.

Xin đưa ra một câu trả lời duy nhất thỏa mãn cho cả ba câu hỏi trên, đó là vì Việt Nam chưa thực sự trọng dụng nhân tài.

Tỉnh này, thành kia hô hào trải thảm đỏ đón nhân tài, nhưng hình thức nhiều hơn thực chất. Nhiều sinh viên tốt nghiệp loại giỏi về các tỉnh này xin việc không được. Nhân tài không dễ dàng kiếm một vị trí làm việc bình thường trong các cơ quan nhà nước, nói chi đến chức vụ cao. Hoạch định, xây dựng cơ chế chính sách như Bộ trưởng Nguyễn Quân nói, là công việc của người có chức vụ cao, mà chọn người có chức vụ cao đâu phải lấy tiêu chí học cao hiểu rộng, đâu phải thi thố bằng tài năng.

Xin thêm một lời nói thẳng, những vị trí đó không có chỗ cho người có thực tài, mà ưu tiên cho người thỏa mãn các tiêu chí khác. Bản lý lịch “đỏ” là một tiêu chí đặt cao hơn tài năng, đó là một thực tế không có gì phải giấu giếm. Còn coi trọng “chủ nghĩa lý lịch” thì không thể nói đến trọng dụng nhân tài, tạo cơ hội công bằng cho các cá nhân thể hiện năng lực và bản lĩnh.

Nhiều cơ quan nghiên cứu khoa học, hoạt động kinh doanh hay làm những công việc thuần túy chuyên môn, nhưng vẫn đòi hỏi phải là đảng viên mới bổ nhiệm cho một cái chức. Người không phải là đảng viên không bao giờ có cơ hội, cho dù họ có năng lực và tâm huyết.

Đừng quá coi trọng người đi học nước ngoài và cũng không cần quá quan tâm họ có trở về hay không. Bởi vì, người đi du học ở các nước nhiều, nhưng người giỏi không nhiều, mà người càng giỏi thì càng không phù hợp với điều kiện làm việc ở VN hiện nay. Xin lấy gương của ba người giỏi là Vũ Hà Văn, Đàm Thanh Sơn, Ngô Bảo Châu ra để chứng minh.

Người giỏi không ai chịu nhận lương ba đồng ba cọc để kiếm ăn bằng cách mờ ám và ngồi chờ “chuyến tàu vét” của buổi hoàng hôn cuối nhiệm kỳ.

Nhân tài chỉ tồn tại trong môi trường trọng nhân tài.

Theo Lê Thanh Phong

Lao Động