Mỗi trường thành lập một Hội đồng coi thi tốt nghiệp THPT

(Dân trí) -Giám đốc Sở GD-ĐT ra quyết định thành lập tại mỗi trường phổ thông một Hội đồng coi thi. Trong trường hợp phải tổ chức thi ghép hoặc thi liên trường thì không được xếp học sinh của các trường khác nhau trong cùng một phòng thi.

Đây là một trong những dự kiến của Bộ GD-ĐT được đưa vào dự thảo sửa đổi, bổ sung quy chế thi tốt nghiệp THPT để lấy ý kiến đóng góp. Như vậy so với quy định năm trước thì việc thành lập Hội đồng coi thi được thay đổi hoàn toàn. Ở quy định cũ, giám đốc Sở GD-ĐT ra quyết định thành lập các Hội đồng coi thi. Thí sinh của mỗi Hội đồng coi thi gồm học sinh của một hoặc nhiều trường phổ thông.

Dự thảo này cũng đưa ra một loạt điều chỉnh khác so với năm trước. Cụ thể, ấn định thi tốt nghiệp 4 môn gồm hai môn bắt buộc Toán, Ngữ văn và hai môn do thí sinh tự chọn trong số các môn Vật lí, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lí, Ngoại ngữ. Như vậy thí sinh đã xác định được môn thi tốt nghiệp THPT ngay từ đầu chứ không cần phải đợi đến cuối tháng 3 hàng năm mới biết môn thi.

Điều chỉnh thời gian làm bài môn Toán và Ngữ Văn từ 150 phút xuống còn 120 phút. Các môn tự luận còn lại thì 90 phút, môn trắc nghiệm thi 60 phút.

Bổ sung thêm hai đối tượng thuộc diện miễn thi tốt nghiệp. Cụ thể, người học lớp 12 được tuyển chọn tham gia các cuộc thi quốc tế hoặc khu vực về khoa học kỹ thuật; Là người khuyết tật. Điểm xét tốt nghiệp (ĐXTN) được tính theo phương thức mới. Cụ thể:

Mỗi trường thành lập một Hội đồng coi thi tốt nghiệp THPT

Ngoài ra dự thảo cũng điều chỉnh một số điểm về đối tượng thuộc diện 2 (được công nhận tốt nghiệp khi có ĐXTN đạt từ 4,75 điểm trở lên) và diện 3 (được công nhận tốt nghiệp khi có ĐXTN đạt từ 4,5 điểm trở lên) để phù hợp với các văn bản quy định mới.

Theo thầy Nguyễn Tùng Lâm - Hiệu trưởng trường THPT Đinh Tiên Hoàng (quận Ba Đình, Hà Nội), việc mỗi trường phổ thông thành lập một Hội đồng coi thi trước đây đã làm. Điều này sẽ tạo điều kiện cho học sinh không phải di chuyển nhiều như tổ chức lập Hội đồng thi theo cụm.

Thầy Lâm cũng cho rằng, chắc chắn Bộ GD-ĐT sẽ điều chỉnh để đổi chéo giám thị coi thi, không thể có chuyện giáo viên lại coi thi tốt nghiệp đúng học sinh của mình.

Lo lắng phương thức ĐXTN mới, trên Facebook của mình, PGS Văn Như Cương - Hiệu trưởng Trường THPT Lương Thế Vinh chia sẻ: Năm ngoái thi 6 môn (ba môn cố định, ba môn Bộ GD-ĐT bốc thăm chọn) nhưng năm nay chỉ thi 4 môn, trong đó hai môn bắt buộc, hai môn tự chọn tùy thích trong 6 môn còn lại. Như vậy năm nay “dễ ăn” hơn năm trước nhiều. Nếu năm trước đỗ 98% thì năm nay chí ít cũng phải là 99% (thêm 1% là thừa sức).

Năm ngoái, nếu trung bình một môn thi dưới 5 điểm (4,9 chẳng hạn) thì chắc chắn trượt, không có cách gì cứu. Năm nay thì không phải thế, vì có một cái “phao cứu” to đùng đó là điểm tổng kết lớp 12. Như vậy là nếu một em HS nào đó chỉ được trung bình môn thi là 4 điểm, nhưng điểm lớp 12 là 6 thì vẫn tốt nghiệp đàng hoàng. Cần phải biết rằng kiếm điểm tổng kết lớp 12 để được 6,0 là chuyện dễ ợt

Cục khảo thí và Kiểm định chất lượng GD-ĐT (Bộ GD-ĐT) cho biết, đây là dự thảo Bộ GD-ĐT đưa ra, vì thế rất mong muốn các đơn vị, cá nhân tham gia đóng góp ý kiến cho dự thảo để Cục tiếp tục hoàn thiện trình Lãnh đạo Bộ ký ban hành. Ý kiến góp ý của các đơn vị, cá nhân xin gửi về Cục KTKĐCLGD qua email: cucktkd@moet.edu.vn

Thông tin chi tiết về dự thảo sửa đổi, bổ sung quy chế thi tốt nghiệp THPT bạn đọc có thể xem tại đây

S.H