“Mẹ nói còn nhỏ, hỏi chi mấy chuyện “nhạy cảm” đó!”

(Dân trí) - Hầu hết các kiến thức về giới tính và tình dục các em đều phải tự tìm hiểu qua sách báo. Rất ít em được bố mẹ, người lớn trong nhà trang bị những kiến thức về giới cũng như kỹ năng phòng chống xâm hại tình dục trẻ em. “Mẹ em nói, còn nhỏ, hỏi chi mấy chuyện nhạy cảm đó”, một nữ sinh lớp 9 cho biết.

Truyền thông kỹ năng phòng tránh xâm hại tình dục trẻ em tại Nghệ An

Đó là những thông tin chúng tôi nhận được khi thực hiện một cuộc “khảo sát” trực tiếp tại buổi truyền thông “Kỹ năng phòng tránh xâm hại tình dục trẻ em: Đừng im lặng - Hãy lên tiếng” do Hội Liên hiệp phụ nữ - Trung tâm Dân số KHHGĐ - Phòng GD&ĐT thị xã Cửa Lò (Nghệ An) tổ chức tại Trường THCS Nghi Hương (thị xã Cửa Lò) vào chiều ngày 18/4.

Theo khảo sát, từ 2011-2015, tại Việt Nam xảy ra 5.300 vụ xâm hại tình dục trẻ em, nghĩa là cứ 8 giờ trôi qua lại có 1 trẻ em bị xâm hại. Cũng trong khoảng thời gian này, có 322 vụ xâm hại tình dục được đưa lên truyền thông báo chí, có 21,2% nạn nhân dưới 10 tuổi, trong đó trẻ nhỏ nhất là 2 tuổi; 60% nạn nhân trong độ tuổi từ 11-25 tuổi; 32% nạn nhân bị bạo lực kép (vừa bị xâm hại, vừa bị hành hung giết chết); 13,5% là bị xâm hại tập thể từ 3-5 người. Những con số được công bố khiến nhiều người không phải giật mình.

Hậu quả của các vụ xâm hại tình dục không chỉ khiến trẻ đau đớn mà còn ảnh hưởng lâu dài về sự phát triển tâm, sinh lý về sau. Tuy nhiên, một thực tế, việc trang bị cho các em nhận biết các hành vi xâm hại tình dục hay kỹ năng phòng chống xâm hại vẫn chưa được quan tâm đúng mức.

Một số em học sinh cho biết, thời điểm dưới 10 tuổi, các em vẫn bị ông bà, bố mẹ, người thân sờ vào các vùng nhạy cảm, đặc biệt là các trẻ em trai. Phần lớn các em đều cho rằng, đó là biểu hiện của việc quan tâm, yêu thương của người thân trong nhà. Khi được hỏi “Các em có hiểu thế nào là xâm hại tình dục hay không”, nhiều em lắc đầu không biết. “Đọc báo, xem tivi, em có nghe nói về xâm hại tình dục trẻ em. Hỏi mẹ thì mẹ bảo, còn nhỏ, hỏi mấy cái “nhạy cảm” đó làm gì”, một nữ sinh lớp 9 cho biết.

Nhiều học sinh có nhu cầu được cung cấp thông tin về phòng chống xâm hại nhưng bố mẹ, người thân vẫn ngại đề cập đến vấn đề bị cho là nhạy cảm này.
Nhiều học sinh có nhu cầu được cung cấp thông tin về phòng chống xâm hại nhưng bố mẹ, người thân vẫn "ngại" đề cập đến vấn đề bị cho là "nhạy cảm" này.

Các học sinh được hỏi cũng cho rằng, bố mẹ và người lớn trong nhà không trò chuyện với các em về vấn đề liên quan đến tình dục hay trang bị các kỹ năng để ứng phó khi bị xâm hại. Trong khi đó, các em ngại, không dám hỏi thầy cô giáo nên chỉ tìm hiểu qua sách báo. Nhiều em chưa nhận diện được các hành vi xâm hại tình dục mà cho rằng, chỉ khi hành vi hiếp dâm xảy ra mới được xem là xâm hại.

Chiến dịch truyền thông này nhằm cung cấp cho các em các kiến thức về giới, các hành vi xâm hại tình dục và kỹ năng ứng phó
Chiến dịch truyền thông này nhằm cung cấp cho các em các kiến thức về giới, các hành vi xâm hại tình dục và kỹ năng ứng phó

Tại buổi truyền thông, các em được trang bị các kiến thức để nhận diện các hành vi tình dục, xâm hại tình dục, đối tượng gây ra các hành vi xâm hại... bằng các tình huống cụ thể được dẫn chứng. Bên cạnh đó, bằng các hướng dẫn cụ thể, ban tổ chức trang bị cho các em kỹ năng đối phó, tự giải thoát khi có đối tượng thực hiện các hành vi xấu đối với bản thân.

Em Hoàng Văn Duy (lớp 9A1, Trường THCS Nghi Hương, thị xã Cửa Lò) nói: “Người xâm hại tình dục có thể là người lạ, có thể là người thân trong chính các em nhỏ. Bạn trai hay bạn gái đều có nguy cơ bị xâm hại. Những người lớn này lợi dụng để làm những điều bậy bạ với các em nhỏ, làm mất đi sự trong trắng của các em, gây áp lực xấu về tâm lý sau này". Duy cũng cho rằng, các cơ quan chức năng nên có những biện pháp cụ thể để ngăn chặn các hành vi xâm hại tình dục trẻ em.

Các em học sinh lớp 6, lớp 7 thuyết trình về nhận diện các hành vi xâm hại tình dục trẻ em
Các em học sinh lớp 6, lớp 7 thuyết trình về nhận diện các hành vi xâm hại tình dục trẻ em

“Khi bản thân hoặc bạn bè không may bị xâm hại hay có nguy cơ bị xâm hại, em nghĩ cần thiết phải nói với bố mẹ, người thân, thầy cô giáo chứ không được im lặng và chịu đựng. Nếu im lặng là tạo điều kiện cho người xâm hại mình tiếp tục làm việc xấu”, em Nguyễn Phương Linh (lớp 7A1, Trường THCS Nghi Hương) nói.

Bà Trần Thị Hoàng Phương, Giám đốc Trung tâm Dân số - Kế hoạch hóa gia đình thị xã Cửa Lò chia sẻ: “Chúng tôi muốn giúp các em nhận thức rõ vấn đề, hiểu biết hơn về giới, nhận diện các hành vi tình dục, trang bị các kỹ năng để tự bảo vệ mình hay ứng phó khi có nguy cơ bị xâm hại. Đây là một vấn nạn, để lại hậu quả hết sức nặng nề đối với bản thân các em. Bởi vậy, khi trẻ bị xâm hại, im lặng là đồng lõa với tội ác, cần phải mạnh mẽ lên tiếng để ngăn chặn tình trạng xâm hại tiếp diễn, bảo vệ sự phát triển bình thường về tâm, sinh lý cho các em”.

Được biết chiến dịch truyền thông nhằm trang bị kỹ năng phòng tránh xâm hại tình dục trẻ em sẽ được triển khai ở tất cả trường học trên địa bàn thị xã Cửa Lò trong thời gian tới.

Hoàng Lam