Bạn đọc viết:

“Mẹ giật mình nhận ra mình đã yêu thương con sai cách”

(Dân trí) - Người mẹ nào cũng cần xác định mình không thể sống một đời thật dài để lo cho con, lại càng không thể sống thay con, làm hộ con và quyết định mọi việc cho con.

Có lần, khi mẹ đón con tan trường và chờ con đùa giỡn cùng bạn bè cuối ngày, cô bé Chi Mai lớp trưởng đến gần chào mẹ và bắt chuyện. Con gái có biết bạn con hỏi mẹ điều gì không? Bất ngờ lắm nhé!

“Dì ơi, bạn H. đã tự lập được chưa?”. Mẹ bật cười nhìn cô bé chững chạc, tự tin đang đứng trước mặt mình và gật gù hỏi lại: “Thế con đã tự làm được việc gì rồi?. “Dạ cháu tự lo việc ăn uống, tắm rửa và nhiều thứ khác nữa ạ”.

Mẹ khen bạn Chi Mai giỏi và nghĩ về mấy cô bé lớp 2 tràn trề năng lượng học tập, vui chơi trước mặt. Bạn con đang cực kỳ hào hứng kể về việc bản thân mình tự làm được nhiều việc phục vụ sinh hoạt cá nhân. Mẹ nhận ra bạn con khá là có ý thức về khái niệm tự lập và đang tự hào vô cùng khi khoe mình biết tự lập.

Còn con gái của mẹ thì vẫn vô cùng hồn nhiên chơi trò “cá sấu lên bờ” cùng nhóm bạn thân. Tí nữa thôi đón con về nhà, mẹ sẽ pha sẵn nước ấm, canh cho con tắm rửa. Rồi thì luôn miệng hối thúc con ăn uống, sắp xếp sách vở, làm bài tập ở lớp.

Mẹ nhận ra rằng bất kỳ việc nào của con cũng cần sự nhắc nhở, động viên và thúc giục của mẹ mới xong. Đó là còn chưa kể thỉnh thoảng con còn mè nheo đòi mẹ đút ăn bữa sáng, đánh giúp cái răng, sửa soạn cặp sách… Thương con và tranh thủ thời gian rảnh, mẹ có thể chu tất cho con tất tần tật mọi thứ. Nhưng mẹ dần nhận ra rằng thương con như thế khác nào hại con.

Hôm qua, con loay hoay rửa một rổ sợi chun cột tóc và mẹ thấy con vụng về vô cùng. Con làm dây chun đổ lênh láng giữa nền và nước sóng sánh ướt cả áo quần. Mẹ vừa bực vừa buồn cười trước từng hành động lóng ngóng, lúng túng của con.

Rồi hôm trước, con cùng mẹ phơi áo quần, xếp áo quần rất uể oải và cực kỳ miễn cưỡng. Giả sử lúc đó mẹ bảo để mẹ làm hết cho, có lẽ con gái đã nhảy cẫng lên sung sướng và chạy vội đi lấy quyển sách, quyển truyện nào đó để đọc. Mẹ nghĩ vậy mà buồn rười rượi.

Hôm trước nữa, khi nhìn thấy con tự trèo lên yên sau xe máy, dì T. đã ngạc nhiên lắm bởi lâu nay dù con lớn tồng ngồng thế đó vẫn được mẹ đỡ lên yên sau vì sợ con ngã. Mẹ và dì cùng cười nghĩ về hai đứa con gái của mình và cùng lo không biết sau này các con có “được” các bà mẹ này “úm” kỹ quá mà mất hết khả năng tự lập không.

Và nỗi lo ấy có lẽ không còn là cá biệt khi mẹ nhìn xung quanh có vô số đứa trẻ lớn lên béo tốt về thể chất nhưng sao thiếu hụt kỹ năng và nhạt nhòa ý thức quá. Học trò của mẹ lớp 6 vẫn còn chưa tự mình chọn quần áo mỗi khi đi chơi, đi học. Có anh chị đến tận lớp 9 vẫn còn nhờ mẹ cắt gọt móng tay.

Hôm rồi đến nhà người quen, mẹ thấy cô cháu gái lớp 10 vừa ăn sáng xong để y nguyên bát bún ăn dở, đĩa rau sống rơi vãi, chén nước mắm cùng đũa muỗng lung tung trên bàn. Đàn kiến đen đang mò mẫm đến bu đen kịt. Mẹ rùng mình hỏi dì ấy sao không bảo con gái ăn xong dọn sạch đi thì dì bảo: “Con bé bận học còn mình bận tay chưa kịp dọn”.

Chừng ấy vẫn chưa là gì đâu. Ở cơ quan mẹ có cô giáo dạy sử nhà có điều kiện nên chăm chút hai cô con gái kỹ lắm. Kỹ đến mức mà đến bây giờ lớp 11, dì ấy vẫn phải bóc xương cá, xé thịt nhỏ bỏ vào chén cho con. Dì còn bảo mỗi tối đều phải khuấy sữa rồi đi năn nỉ con uống nữa kia. Khiếp thật!

Tình mẹ thương con thật là không kể sao cho xiết. Ai cũng muốn con được ăn no, mặc ấm nên ra sức “cày cuốc” làm việc. Ai cũng yêu thương con hết mực nên hết lòng chăm chút từng miếng ăn, giấc ngủ. Ai cũng mong con thảnh thơi tập trung vào việc học nên vươn dài cánh tay lo toan hết mọi việc.

Nhưng rồi người mẹ nào cũng cần xác định mình không thể sống một đời thật dài để lo cho con, lại càng không thể sống thay con, làm hộ con và quyết định mọi việc cho con. Con trẻ cần phải tự bước đi trên đôi chân của mình. Con phải tập tành những việc cơ bản để phục vụ nhu cầu cá nhân. Con phải biết sẻ chia công việc với bố mẹ đúng như Bác Hồ đã từng dạy: “Tuổi nhỏ làm việc nhỏ/ Tùy theo sức của mình…”.

Và con gái ơi, mẹ đang giật mình nhận ra mình đã yêu thương con sai cách…

Nguyễn Thùy

Mọi thông tin, bài viết đóng góp cho chuyên mục Giáo dục, quý độc giả có thể gửi ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn.  

Xin trân trọng cảm ơn!