“Mẹ đóng xã hội hóa 500 nghìn thì con không được nằm phản”

(Dân trí) - Ngoài việc đề ra mức xã hội hóa quá cao, vận dụng thông tư đã được sửa đổi, bổ sung để thu tiền mua đồ dùng học liệu, Trường Mầm non Hưng Thắng (Hưng Nguyên, Nghệ An) yêu cầu phụ huynh đóng thêm nhiều khoản tiền khác như tiền mua phiếu bé ngoan, tiền phục vụ công tác vệ sinh tại lớp và thay cha mẹ chăm sóc trẻ ở bán trú.

Phụ huynh Trường Mầm non Hưng Thắng (Hưng Nguyên) bật khóc vì các khoản đóng góp đầu năm

Phụ huynh bật khóc vì tiền xã hội hóa

Trong đơn gửi tới báo Dân trí, các phụ huynh Trường Mầm non Hưng Thắng (Hưng Nguyên, Nghệ An) thể hiện sự bức xúc vì cho rằng có quá nhiều khoản thu vô lý được nhà trường liệt kê buộc phụ huynh phải đóng.

Chị Nguyễn Thị Thủy (xóm 17, xã Hưng Thắng) có 2 con đang học tại Trường Mầm non Hưng Thắng bức xúc: “Trong cuộc họp phụ huynh đầu năm, nhà trường đề ra mức xã hội hóa 700 nghìn đồng/em. Nhà tôi hai cháu, đóng 1,4 triệu đồng. Số tiền này quá lớn nên tôi đề nghị giảm mức thu xuống 500 nghìn đồng nhưng nhà trường không đồng ý. Giữa cuộc họp phụ huynh toàn trường, cô hiệu trưởng bảo các giáo viên chủ nhiệm ra, lưu ý những phụ huynh đóng xã hội hóa 500 nghìn đồng. Cô còn bảo, nếu mẹ đóng 500 nghìn thì con nằm chiếu, không được nằm phản”.

Phụ huynh bật khóc, thuật lại thái độ của Hiệu trưởng Trường Mầm non Hưng Thắng khi đăng kí xã hội hóa 500 nghìn thay vì mức sàn 700 nghìn trong cuộc họp đầu năm.
Phụ huynh bật khóc, thuật lại thái độ của Hiệu trưởng Trường Mầm non Hưng Thắng khi đăng kí xã hội hóa 500 nghìn thay vì mức sàn 700 nghìn trong cuộc họp đầu năm.

Ngoài số tiền xã hội hóa 700 nghìn đồng, các phụ huynh phải đóng tiền mua đồ dùng, đồ chơi, các loại học liệu phục vụ cho trẻ. Trong bản danh mục đồ dùng, đồ chơi, các loại học liệu lớp 5 tuổi được chú thích theo Thông tư 02/2010 - BGD&ĐT có tới 59 mục, tổng số tiền phụ huynh phải đóng lầ 365.000 đồng.

Chị Nguyễn Thị Hoa (xóm 17, xã Hưng Thắng) cho biết: “Tìm hiểu thì được biết Thông tư 02 đã được sửa đổi, bổ sung từ 2 năm nay nhưng nhà trường vẫn áp dụng. Sở GD-ĐT Nghệ An cũng quy định nhà trường không được thu hộ tiền mua đồ dùng, đồ chơi, học liệu. Không những thế, trong danh mục các đồ dùng mà nhà trường liệt kê tôi thấy có nhiều khoản vô lý, chồng chéo như phiếu bé ngoan, bộ dụng cụ bác sỹ, bộ dụng cụ bác sỹ (dùng chung), trang phục bác sỹ, bút lông, bút màu…”.

Kế hoạch về việc tổ chức thực hiện các khoản thu chi phục vụ công tác chăm sóc, giáo dục trẻ năm học 2016-2017 của Trường Mầm non Hưng Thắng ghi rõ: Vận động XHH giáo dục từ 700 nghìn đồng/em/năm trở lên.
Kế hoạch về việc tổ chức thực hiện các khoản thu chi phục vụ công tác chăm sóc, giáo dục trẻ năm học 2016-2017 của Trường Mầm non Hưng Thắng ghi rõ: "Vận động XHH giáo dục từ 700 nghìn đồng/em/năm trở lên".

Ngoài ra, các phụ huynh phải đóng tiền đồ dùng phục vụ công tác vệ sinh tại các lớp và thay cha mẹ chăm sóc trẻ bán trú tại trường. Theo đó, trẻ năm đầu tiên vào trường và lớp nhà trẻ đóng 195.000 đồng/năm, mẫu giáo bé và mẫu giáo nhỡ đóng 166.000 đồng/năm, mẫu giáo lớn là 150.000 đồng/năm.

“Trong bảng kê gồm 19 mục này, mỗi cháu phải dùng tới 5 loại chổi, từ chổi chùi toa-tet, chổi lau nhà 360 độ, chổi màn, chổi đót, chổi cước, rồi tiền xà phòng rửa tay, xà phòng giặt, nước lau nhà, nước rửa bồn cầu…”, chị Nguyễn Thị Sâm, có hai con đang học tại trường bức xúc.

Ngoài ra, mỗi phụ huynh phải đóng 344.000 đồng/em/năm để thuê cô nấu ăn thay cha mẹ chăm sóc trẻ ăn ở bán trú và tiền nước uống; tiền mua máy lọc nước 69.000 đồng/em, 2 ngày công lao động. Phụ huynh còn tố nhà trường cố tình nâng giá một số đồ dùng cao hơn thực tế. Ví dụ, máy lọc nước được nhà trường báo giá 17.230.000 đồng nhưng giá khảo sát của phụ huynh chỉ 12.100.000 đồng; Tủ ga nấu giá khảo sát 15 triệu, nhà trường báo giá 23.630.000 đồng; Ghế ngồi của trẻ giá 80.000 đồng, trường báo giá 165.000 đồng.

Bảng kê 59 danh mục đồ dùng, đồ chơi, các loại học liệu và 19 mục thu chi đồ dùng phục vụ công tác vệ sinh tại các lớp, thay cha mẹ chăm sóc trẻ bán trú được Hiệu trưởng nhà trường giải thích là phụ huynh đề nghị thu.
Bảng kê 59 danh mục đồ dùng, đồ chơi, các loại học liệu và 19 mục thu chi đồ dùng phục vụ công tác vệ sinh tại các lớp, thay cha mẹ chăm sóc trẻ bán trú được Hiệu trưởng nhà trường giải thích là "phụ huynh đề nghị thu".

Theo tính toán của các phụ huynh, tinh tất cả các khoản thu đầu năm, mỗi trẻ phải đóng trên dưới 3 triệu đồng (đã bao gồm tiền ăn tháng đầu tiên, 15.000 đồng/ngày). Đối với phụ huynh vùng thuần nông như Hưng Thắng thì số tiền này không hề nhỏ.

Phòng chưa phê duyệt, trường đã thu

Để làm rõ hơn những phản ánh của phụ huynh, chúng tôi đã có buổi làm việc với Ban giám hiệu Trường Mầm non Hưng Thắng. Cô Lê Thị Thu Hà - Hiệu trưởng Trường Mầm non Hưng Thắng cho rằng, để trả nợ đề án xây mới 3 phòng học cho UBND xã (30 triệu) và tiền mua sắm, thay thế một số đồ dùng thiết yếu phục vụ dạy học năm học 2016-2017, theo tính toán nhà trường cần 174 triệu đồng.

Trường Mầm non Hưng Thắng bị phụ huynh tố có nhiều khoản thu vô lý, kéo dài từ nhiều năm nay.
Trường Mầm non Hưng Thắng bị phụ huynh tố có nhiều khoản thu vô lý, kéo dài từ nhiều năm nay.

Trường có 249 học sinh, 1 học sinh bị khuyết tật miễn vận động xã hội hóa, nên tính toán thì mỗi cháu phải đóng 700 nghìn đồng mới đủ số tiền cần chi.

“Đây là số tiền dự kiến thu, còn xã hội hóa chúng tôi thỏa thuận với phụ huynh. Phụ huynh đóng bao nhiêu thì đóng chứ trường không ép buộc, không cào bằng”, cô Hà cho biết. Mặc dù trong Kế hoạch tổ chức thực hiện các khoản thu chi phục vụ công tác chăm sóc, giáo dục trẻ năm học 2016-2017 được lãnh đạo địa phương phê duyệt ghi rõ “Vận động xã hội hóa giáo dục từ 700.000 đồng/em/năm trở lên”, nhưng hiệu trưởng nhà trường vẫn khẳng định không cào bằng, không ép buộc phụ huynh!.

Và mặc dù, số tiền xã hội hóa đã được thông báo tới phụ huynh trong cuộc họp ngày 15/10 nhưng đến thời điểm ngày 26/10, cô Lê Thị Thu Hà thừa nhận Kế hoạch thực hiện các khoản đóng góp đầu năm của trường vẫn chưa được Phòng GD-ĐT huyện Hưng Nguyên phê duyệt.

Năm học 2015-2016, trung bình mức đóng xã hội hóa của phụ huynh là 700 nghìn đồng nhưng nhiều đồ dùng cho trẻ vẫn tạm bợ như thế này.
Năm học 2015-2016, trung bình mức đóng xã hội hóa của phụ huynh là 700 nghìn đồng nhưng nhiều đồ dùng cho trẻ vẫn tạm bợ như thế này.

Đối với tiền mua đồ dùng, đồ chơi, các loại học liệu phục vụ cho trẻ, cô Hà cho rằng đây là do phụ huynh nhờ giáo viên mua trên cơ sở giáo viên thống kê các danh mục còn thiếu hoặc cần phải thay thế. Việc áp dụng Thông tư 02 là do nhầm lẫn của Hiệu phó.

“Mãi đến ngày 21/9, chúng tôi mới nhận được văn bản chỉ đạo của Sở và Phòng về việc cấm tuyệt đối mua hộ phụ huynh học sinh các đồ dùng, đồ chơi, các loại học liệu này. Chúng tôi sẽ họp phụ huynh để trả lại số tiền này. Đây là tiền phụ huynh nhờ giáo viên mua, trường không liên quan đến khoản thu này”, cô Hà cho hay.

Tương tự, khoản thu đồ dùng phục vụ công tác vệ sinh tại các lớp và thay cha mẹ chăm sóc trẻ ở bán trú cũng được cô Hiệu trưởng trả lời là thu theo đề nghị của phụ huynh học sinh. Tuy vậy, khi chúng tôi đề nghị cung cấp các văn bản đề nghị hoặc đã có sự thống nhất của phụ huynh về khoản thu này thì không được cung cấp.

Cô Lê Thị Thu Hà - Hiệu trưởng Trường Mầm non Hưng Thắng trao đổi với PV.
Cô Lê Thị Thu Hà - Hiệu trưởng Trường Mầm non Hưng Thắng trao đổi với PV.

Khoản thu mua máy lọc nước là dự kiến, nhà trường chưa tổ chức thu. Giá cả các thiết bị như máy lọc nước, tủ ga nấu cơm, ghế ngồi của học sinh nhà trường thông báo tới phụ huynh dựa trên bảng báo giá của nhà cung cấp.

Cô Lê Thị Thu Hà phủ nhận phản ánh của phụ huynh về việc Hiệu trưởng tuyên bố phụ huynh nộp xã hội hóa 500 nghìn đồng thì trẻ nằm chiếu, không được nằm phản. “Mặc dù đã có quy định chưa có kinh phí thì chưa tổ chức mua sắm thiết bị, đồ dùng phục vụ dạy học nhưng nhà trường cũng đã “ứng” mua bổ sung 20 chiếc phản (mỗi phản 2 cháu nằm). Không có cháu nào phải nằm chiếu cả”, cô Hà cho hay.

Ông Châu Bá Hoài - phụ trách công tác thanh tra, kiểm tra Phòng GD-ĐT huyện Hưng Nguyên cho biết, liên quan đến nội dung phản ánh của phụ huynh Trường Mầm non Hưng Thắng, Phòng sẽ về kiểm tra thực tế. "Tùy theo mức độ vi phạm, chúng tôi sẽ tham mưu hình thức xử lý", ông Hoài cho hay.

Hoàng Lam

Dòng sự kiện: Khoản thu đầu năm 2016