Mẹ Đỗ Nhật Nam “bắt bệnh” trường học: Nỗi ám ảnh mang tên “bài tập về nhà”

(Dân trí) - Ở tiểu học, với những lớp đầu cấp có thể chưa cần bài tập nhưng lên đến lớp 4, 5 cũng nên có những bài tập để các con ôn lại kiến thức vừa có thói quen học tập. Thế nhưng, rất nhiều nơi, bài tập về nhà đang gây ra nỗi sợ cho cả con và bố mẹ.

Giờ học ở nhà thành tra tấn

Tôi thấy hiện có nhiều cô giáo cho quá nhiều bài tập về nhà. Một buổi tối đến hai phiếu, một phiếu Toán, một phiếu tiếng Việt, tổng cũng lên đến 7-8 bài.

Về nhà, con khóc, mẹ mếu. Trẻ không làm xong, cô giáo phạt mà làm cho hết, có khi đến hơn 11h đêm bởi không phải bạn trẻ nào cũng làm nhanh: Có bạn thường viết chậm, có bạn thường hay tẩy xóa, có bạn hay lơ đễnh... Mỗi giờ học biến thành giờ tra tấn trong sự hối thúc, giục giã của bố mẹ đôi khi cả tiếng gầm gừ, đe đọa. Việc học không còn vui nữa!

Đặc biệt, có những trẻ vừa đi học lớp 1, cô giáo cho viết cả trang vì nghĩ viết nhiều sẽ đẹp. Thực tế, cần phải luyện viết nhưng theo tôi chỉ ở mức độ nào đó vì tay bé còn non nớt, khả năng tập trung của bé còn chưa cao, bé nhanh chán nhưng viết lại cả trang giấy chỉ đúng một chữ, không thể vui nổi.

Hiện có những lớp, cô cho bài tập về nhà rất khó. Nhiều khi mọi người còn nói đùa với nhau: "Nếu cô không nhìn vào đáp án chưa chắc đã giải được".

Về nhà, bố con mẹ con xoay ra giải. Bố vận dụng tất cả các kiến thức toán học cao cấp của mình để giúp con giải. Giải xong hỏi lại con có hiểu không, mặt con ngơ ngác.

Bố mẹ lên cơn nóng giận, thốt lên những câu đáng ra không bao giờ nên nói, kiểu như: "Sao con dốt thế/ Sao con chậm thế", mà không nhớ chỉ cách đấy vài phút bố cũng còn toát cả mồ hôi.

Trong khi đó, cô giáo cho bài và khó nhưng khi đến lớp, do không có đủ thời gian nên cô chỉ kiểm tra xem trẻ đã hoàn thành số lượng chứ không kiểm tra chất lượng. Trẻ nhanh chóng nhận ra “kẽ hở” này và chỉ làm miễn là có cái để “trình” cô. Thế là việc học trở thành đối phó.

Mẹ Đỗ Nhật Nam “bắt bệnh” trường học: Nỗi ám ảnh mang tên “bài tập về nhà” - 1

Cô giáo cho bài tập khó để cả phụ huynh và học sinh lo sợ và nhận thấy tầm quan trọng của cô, của việc học. (Ảnh minh họa) 

Học để đối phó với các kì thi

Tôi nhận thấy, nhiều bài về nhà là do: Cô giáo lo sợ học sinh không hiểu bài trên lớp và phải học để còn chuẩn bị “đối phó” với các kì thi. Vì thế, thông thường, cô giáo càng thiếu tự tin vào chuyên môn, càng hay cho nhiều bài về nhà.

Cô giáo lo sợ học sinh sẽ mải chơi, lơ là. Ý định của cô thì tốt nhưng thực sự học 2 buổi trên lớp là các con cũng rất mệt, về nhà lại thêm 2, 3 tiếng học nữa rất oải.

Cô giáo cho bài tập khó để cả phụ huynh và học sinh lo sợ và nhận thấy tầm quan trọng của cô, của việc học.

Cô giáo “quên” là ngoài môn của mình, học sinh còn học nhiều môn khác và môn nào cũng có bài về nhà.

Chính bố mẹ đề nghị cô cho bài về nhà, thậm chí “cô cứ cho nhiều vào nếu không cháu nó chỉ chơi, không chịu học hành gì cả”.

Đừng để mỗi tối trở thành nỗi sợ hãi

Với lớp 1, 2, 3, theo mình bài về nhà không quá 20 phút. Với lớp 4,5 khoảng 30 đến 40 phút.

Các bài về nhà sẽ tập trung những vấn đề sau:

Giao nhiệm vụ đọc sách, có thể đọc sách theo yêu cầu hoặc đọc sách cùng bố mẹ. Sau đó bố mẹ kí xác nhận là con đã hoàn thành.

Giao những nhiệm vụ liên quan đến kiến thức trên lớp nhưng dưới dạng thực hành, ví dụ: Học về hình chữ nhật thì giao đếm số gạch trên nền nhà hoặc đo diện tích nhà; Học tiếng Việt chủ đề cây cối thì sưu tầm các loại lá…

Mẹ Đỗ Nhật Nam “bắt bệnh” trường học: Nỗi ám ảnh mang tên “bài tập về nhà” - 2

Đừng để mỗi buổi tối trở thành nỗi sợ hãi của trẻ. (Ảnh minh họa)

Giao nhiệm vụ theo mức tối thiểu đến tối đa. Ví dụ, bài tập toán từ 1-3 bài, học sinh có thể chọn làm trong khoảng đó.

Giao những nhiệm vụ theo dự án, có thể làm theo nhóm và thời gian có thể kéo dài 2, 3 ngày.

Giao những nhiệm vụ có thể làm với bố mẹ, ví dụ làm thiệp, cùng nấu ăn và ghi lại công thức nấu ăn, phỏng vấn mọi người trong gia đình…

Giao những nhiệm vụ liên quan đến các hoạt động thể chất hoặc thí nghiệm.

Giao những nhiệm vụ đòi hỏi sự phản biện, tưởng tượng: Liệu… Nếu… Giả sử…

Giao những nhiệm vụ liên quan đến vẽ sơ đồ, bảng biểu, tóm tắt, ghi lời nhận xét.

Trong khi đó nên tránh:

Tránh những nhiệm vụ chỉ đòi hỏi học thuộc lòng.

Tránh những nhiệm vụ lặp đi lặp lại trong thời gian dài (kiểu tô chữ, viết chữ…).

Tránh những nhiệm vụ quá dài, quá khó.

Bố mẹ cũng nên bình tĩnh.

Đừng cố gắng “bắt tay” với cô để tạo nên một “máy học”.

Đừng để mỗi buổi tối trở thành nỗi sợ hãi của trẻ.

Đừng làm xấu đi hình ảnh của bố mẹ, của thầy cô, làm ảnh hưởng đến mối quan hệ bố mẹ và con cái chỉ vì bài về nhà.

Bình tĩnh, kiên nhẫn, động viên và đặt ra mục tiêu cho con từ thấp đến cao.

Cả nhà vui vẻ chính là năng lượng tích cực giúp trẻ hoàn thành các nhiệm vụ học tập.

Phan Hồ Điệp

(Giảng viên Trường ĐH Sư phạm Hà Nội)