Mâu thuẫn cung - cầu của Thông tư 30

Những điểm tích cực trong việc bỏ chấm điểm học sinh tiểu học, thay bằng lời nhận xét đã được bàn luận nhiều và có được sự ủng hộ từ xã hội. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện các quy định của Thông tư 30, đã xuất hiện một số điểm bất cập, cụ thể nhất là áp lực giảm đối với học sinh nhưng tăng cho giáo viên.


Mâu thuẫn cung - cầu của Thông tư 30

Để nhận xét một cách nghiêm túc, cung cấp thông tin đầy đủ và chính xác về một học sinh là điều không đơn giản. Giáo viên không có đủ thời gian để hoàn thành tốt công việc này, dẫn đến tình trạng nhận xét sơ sài, làm cho xong việc, hoặc lặp lại như một cái máy.

Về phía phụ huynh, bất cứ ai cũng có nhu cầu được thỏa mãn thông tin học tập của con cái họ. Không có điểm số để biết học lực thì phải có được nhận xét của giáo viên, và tất nhiên một vài chữ như “cần cố gắng”, “cần lưu ý”, “khá”, “tốt” không làm cho phụ huynh yên tâm. Lượng “cầu” của phụ huynh rất lớn, nhưng lượng “cung” từ giáo viên không đáp ứng được. Mâu thuẫn cung - cầu phát sinh đã quá rõ.

Để giải quyết mâu thuẫn này, Bộ GDĐT đã tính đến việc giảm các thủ tục hành chính khác để giáo viên có thêm quỹ thời gian dành cho việc đánh giá. Việc này tất nhiên phải làm, nhưng chắc chắn cũng không thể đủ thời gian để viết nhận xét đáp ứng nhu cầu thông thường của phụ huynh. Áp lực đối với giáo viên sẽ ngày càng lớn nếu như vẫn thực hiện các quy định một cách máy móc như đã triển khai trong học kỳ vừa qua.

Con cái chúng ta ở lứa tuổi tiểu học không bị áp lực điểm số nặng nề, vừa học vừa chơi, hồn nhiên vui vẻ, đó chính là mục tiêu mà chúng ta đạt được. Còn những kết quả đánh giá tuy quan trọng, nhưng vẫn là thứ yếu. Xuất phát từ cách nhìn này thì sẽ có sự cân bằng cung - cầu. Cô giáo cần quan tâm theo dõi, đưa ra nhận xét xác đáng, giúp học sinh và phụ huynh điều chỉnh để tiến bộ hơn. Phụ huynh không nên đòi hỏi quá nhiều, vì như vậy sẽ tự tạo áp lực cho mình và cho giáo viên.

Cần phải nhận thức rằng, học tập ở bậc tiểu học cũng chỉ là một giai đoạn trong hành trình rất dài của việc học. Con cái chúng ta còn tiếp tục học ở các cấp học sau, quá trình đó sẽ được bổ sung kiến thức, được đào tạo bằng các chương trình phù hợp. Chưa kể sau đó, sẽ học lên đại học hay đi theo các ngành nghề chuyên môn để làm thợ, công nhân kỹ thuật.

Vậy thì, chuyện đánh giá kết quả học tập của học sinh cấp tiểu học không quan trọng đến mức phải sốt ruột như hiện nay.

Theo Lê Thanh Phong (Báo Lao động)