Mang toán “chinh phục” học sinh khiếm thính

(Dân trí) - Dù trước đây đã có 4 lần tổ chức hoạt động Mang toán và sách toán tới trường phổ thông, nhưng trước sự đón nhận hồ hởi của học sinh Trường PTCS Xã Đàn, Hà Nội, các nhà toán học đến từ tạp chí Pi vẫn không khỏi bất ngờ.

Buổi học toán đặc biệt

Ngày 7/1, tại Trường PTCS Xã Đàn, trường chuyên biệt dạy hòa nhập học sinh khiếm thính của Sở GD-ĐT đã diễn ra ngày hội toán học, một hoạt động trong chương trình "Mang toán và sách toán tới trường phổ thông" do Tạp chí Pi, một tạp chí toán của Hội toán học Việt Nam, chủ trì (Tạp chí Pi là tạp chí toán do GS Ngô Bảo Châu khởi xướng).

Hơn 200 học sinh cấp THCS và khối 5 tiểu học của trường, bao gồm cả 70 học sinh diện khiếm thính (trong đó có khoảng 30 em hoàn toàn không nghe và không nói được) tham dự chương trình.

Mang toán “chinh phục” học sinh khiếm thính - 1

Cô Phan Thị Hà Dương, Viện toán học Việt Nam đang giảng bài giảng đại chúng về lý thuyết đồ thị và ứng dụng của nó trong cuộc sống cho học sinh.

Trong khoảng gần 40 phút đầu tiên, các em được nghe cô Phan Thị Hà Dương, một nhà toán học đến từ Viện toán học – Viện Hàn lâm Khoa học công nghệ Việt Nam, giảng bài giảng đại chúng về lý thuyết đồ thị và ứng dụng của nó trong cuộc sống.

Thầy Đỗ Minh Tiến, một giáo viên dạy toán của trường đã hỗ trợ cô Hà Dương chuyển tải nội dung tới các học sinh khiếm thính bằng ngôn ngữ cử chỉ.

Mang toán “chinh phục” học sinh khiếm thính - 2

Học sinh hào hứng với câu hỏi toán

Nhưng điểm nhấn của “buổi học” chính là các trò chơi toán học. Mỗi nhóm 3 em sẽ cùng nhau vượt qua thử thách tại 4 trạm tổ hợp, logic, hình học, số học; đồng thời thư giãn tại các trạm tháp Hà Nội, bốc sỏi, phòng chiếu phim. Tại các trạm toán, các em sẽ trả lời câu đố, mỗi câu trả lời đúng, các em được một dấu triện hoặc chữ ký của thầy cô phụ trách.

 Khi tham gia các “trạm thư giãn”, các em cũng được nhận một dấu triện hoặc chữ ký của thầy cô khi vượt qua thử thách. Sau khi có đủ 7 xác nhận tại 7 trạm, các em mang tờ phiếu xác nhận đến bàn của tạp chí Pi để nhận quà từ Viện Toán học Việt Nam.

Trong suốt “buổi học”, các em học sinh bình thường và khiếm thính đã hồ hởi tham gia một cách nhiệt tình, hoan hỉ khi giải được mỗi câu đố.

Mang toán “chinh phục” học sinh khiếm thính - 3

Học sinh tham gia các trò chơi toán học

Trò chuyện với chúng tôi qua phiên dịch của thầy Thành, một thầy giáo dạy sử của nhà trường (nhưng lại tham gia hỗ trợ một nhóm bạn khiếm thính giải các câu đố toán rất hiệu quả), nhóm học sinh khiếm thính lớp 8 Bi cho biết các em rất vui vì được chơi trò chơi học toán.

Từ trước đến nay các em chỉ biết làm bài tập trên lớp, giờ cũng là làm bài tập nhưng lại là dưới dạng trò chơi, nên rất thú vị. “Nhóm em nhận được một bài toán về tính diện tích của một hình vuông, trong hình vuông đó còn có một hình khác.

Câu hỏi là làm sao tính diện tích của hình bên trong đó. Bài khó quá với chúng em, giải mãi mới được, nhưng chúng em không thấy sốt ruột”, một em “nói” (diễn giải qua cử chỉ).

Mang toán “chinh phục” học sinh khiếm thính - 4

Học sinh rất kiên trì tham gia tìm hiểu các bài toán đố vui

Mong muốn học sinh thấy toán học hấp dẫn hơn

GS Phùng Hồ Hải, Viện trưởng Viện toán học Việt Nam, đại diện Ban biên tập Tạp chí Pi cho biết, dù trước đây Pi đã tổ chức hoạt động Mang toán và sách toán đến trường phổ thông tại 4 trường (cả THCS và THTP) ở Hà Nội và Hải Phòng, đều được các thầy cô và các em học sinh đã đón nhận chương trình một cách hồ hởi. Nhưng sự đón nhận chương trình của các em trường Xã Đàn đã khiến ông và các thầy cô tham gia chương trình cảm động.

“Chúng tôi cũng tương đối bất ngờ trước sự tiếp nhận nồng nhiệt của các em học sinh, bao gồm cả các em khiếm thính. Các em giao tiếp khó khăn hơn những em học sinh bình thường, nhưng các em rất kiên trì. Thật sự là một may mắn cho chúng tôi khi được đến đây giao lưu với các em”, GS Hải chia sẻ.

Mang toán “chinh phục” học sinh khiếm thính - 5

GS Phùng Hồ Hải

Lý giải thêm về việc chương trình được học sinh các trường phổ thông hồ hởi đón nhận, GS Phùng Hồ Hải nói: “Theo nhận xét chủ quan của tôi, nói chung học sinh của chúng ta phải học nhiều quá, ít khi được chơi, nhất là những trò chơi tập thể. Cho nên bất kỳ một hình thức chơi nào thì cũng đều khiến cho các em cảm thấy hứng thú. Nếu chúng ta lồng được vào trong trò chơi những câu hỏi của toán học thì các em thấy toán học nó hấp dẫn hơn”.

Thầy Phạm Văn Hoan, Hiệu trưởng Trường PTCS Xã Đàn cho biết, vì mình là giáo viên dạy toán, yêu toán từ nhỏ, nên luôn tìm cách khích lệ giáo viên toán của trường học hỏi, tìm hiểu thêm để gieo rắc, làm lan tỏa tình yêu toán trong các em học sinh.

Mỗi lần cộng đồng toán học tổ chức sự kiện dành cho đại chúng là thầy Hoan lại cùng với các thầy cô dạy toán trong trường đến dự với mong muốn học hỏi được những điều mới mẻ để về dạy học cho học sinh hiệu quả hơn.

Mang toán “chinh phục” học sinh khiếm thính - 6

GS Phùng Hồ Hải giới thiệu tạp chí Pi với các em học sinh

“Tôi rất mong có một buổi hoạt động như thế này cho các con ở trường tôi. Thấy các con hồ hởi vui chơi tôi biết là các con đang có một trải nghiệm hạnh phúc, vì thế mà tôi thấy mình là một người thầy hạnh phúc”, thầy Hoan tâm sự.

Thầy Hoan cũng nhận xét: “Thời chúng tôi đi học có rất nhiều học sinh yêu toán. Nhưng xã hội ngày càng có nhiều mối quan tâm thì phụ huynh cho con đi sâu về toán hay là tạo điều kiện cho con có được những niềm vui về toán không nhiều. Có một thời gian dài, người ta thấy rằng điểm số rất quan trọng, mà để có một điểm số cao về các môn thì không hẳn phải yêu toán. Do đó tình yêu toán trong cộng đồng ngày càng mai một. Đó là điều đáng tiếc. Chúng tôi, những người dạy toán, rất mong những kiến thức toán học khô cứng có thể làm mềm hóa để làm say mê các con”.

Việt Hưng