Lúng túng học trực tuyến mùa dịch Covid-19

(Dân trí) - Sau hai tuần cho con học online của trung tâm ngoại ngữ, chị Trân rút lui. Suốt 45 phút của tiết học, chị thấy cảnh học sinh nói chuyện, sinh hoạt nhốn nháo, giáo viên lo điều chỉnh nhiều hơn là học.

 Vừa học vừa ăn, vừa mắng con 

Sau thời gian nghỉ dài tránh dịch bệnh Covid-19, mới đây, trung tâm ngoại ngữ nơi con trai 6 tuổi của chị Bùi Ngọc Trân, ở Bình Thạnh, TPHCM theo học lâu nay thông báo sẽ tổ chức học trực tuyến tuần hai tiết, mỗi tiết 45 phút có phụ huynh kèm. Dù chưa thấy trung tâm nói về học phí, chị Trân vẫn muốn cho con thử.

Lớp khoảng 8 học sinh, học qua ứng dụng Zoom. Buổi đầu, các bạn nhỏ lâu ngày gặp bạn, mừng rỡ gọi toáng tên nhau, át hết tiếng giáo viên. Suốt buổi học, tiếng giảng bài, học bài không nghe được bao nhiêu mà chủ yếu nghe tiếng phụ huynh, tiếng các hoạt động sinh hoạt xung quanh học sinh... 

Phụ huynh ngồi kèm con, liên tục nhắc con ngồi xuống, trả lời đi, nói rõ vào.. Khi trẻ nằm dài ra ghế, uể oải, phụ huynh lại thốc con dậy, quát mắng. Chưa kể, khi đang học, có em kêu con đau bụng quá, con đói, con khát nước... Có phụ huynh đưa đồ ăn ra đút cho con, trẻ vừa học, vừa ăn.

Tâm lý ai cũng nghĩ bên kia không nghe mình nói rõ, nên mỗi khi trả lời hay phát biểu đều cố dùng hết âm lượng làm tiết học trở nên ầm ĩ, lộn xộn. Có ông bố, nhắc con tập trung học, trả lời thầy nhưng con không để ý, liền quát: "Không học hành gì nữa!" rồi đóng máy cái rụp. 

"Học với giáo viên nước ngoài, nhưng một lúc, trợ giảng tiếng Việt lại lại phải lên hình, đề nghị học sinh, thật ra là đề nghị cả phụ huynh, im lặng, giữ trật tự. Rồi có lúc, làm bài tập nhưng màn hình mờ, các con không nhìn rõ hình, rõ chữ nên giáo viên tự hỏi và tự trả lời", chị Trân cho hay. 

Sau vài tiết, thấy việc học không hiệu quả, chị Trân thông báo ngưng học, lớp chỉ còn lại vài em. Theo chị, những người tham gia đều chưa được hướng dẫn, chưa có khả năng tổ chức học online. Trẻ hầu hết bị cha mẹ ép học, ép ngồi vào bàn chứ không hề hiểu về nguyên tắc học. 

Con gái đầu của chị, học lớp 7, ban đầu giáo viên một số bộ môn cũng tổ chức học online. Nhưng sau đó, cũng tạm ngưng.

Lúng túng học trực tuyến mùa dịch Covid-19 - 1

Giáo viên tìm tòi, học trò chưa quen

Mới đây, cô Trần Thúy An, hiệu trưởng Trường THCS Minh Đức, Q.1, TPHCM đã gửi đến học sinh những chia sẻ khi tham gia học trực tuyến. 

Nhiều thầy cô lớn tuổi đã "vượt lên chính mình", mày mò học hỏi kỹ thuật sử dụng các phần mềm dạy học trực tuyến từ những đồng nghiệp trẻ, soạn giáo án mới, mong có được tiết dạy tốt nhất dành cho học sinh, để có thể tổ chức các lớp học trực tuyến. Sau một thời gian sàng lọc, các thầy cô ở trường đã lựa chọn 2 ứng dụng là MS Teams và Zoom. 

Theo cô An, bên cạnh mặt tích cực, hạn chế có thể thấy là nhu cầu của học sinh tham gia lớp quá đông, nhiều em chưa quen với cách học trực tuyến, còn lúng túng trong các thao tác kỹ thuật. Có học sinh ý thức chưa tốt, còn chơi game trong giờ học và nói chuyện riêng...

Trường đã tách lớp lớp, để nhiều học sinh được tham gia lớp học hơn, kiến thức phù hợp với trình độ hơn. Cô hiệu trưởng mong muốn học sinh thực hiện tốt nội quy lớp học, tắt mic khi không sử dụng, thầy cô gọi phát biểu thì lên tiếng phát biểu, chỗ nào chưa hiểu cần mạnh dạn hỏi lại thầy cô.

Hiện nay, nhiều trường ở TPHCM chưa triển khai đồng loạt dạy học trực tuyến do việc học này đòi hỏi nhiều điều kiện về công nghệ lẫn kỹ năng, trong khi thầy trò chưa được làm quen, hướng dẫn. Chủ yếu nhiều trường dừng lại ở mức khuyến khích giáo viên nào có điều kiện thì thực hiện. Một số giáo viên thực hiện được một thời gian lại ngưng do gặp không ít trục trặc trong quá trình thực hiện.

Như Trường THPT Bùi Thị Xuân, chỉ một số giáo viên thực hiện, còn lại học sinh nhận bài tập qua phần mềm ôn tập, kết hợp thêm các nguồn tài liệu do giáo viên hướng dẫn để tự ôn tập tại nhà. 

Đảm bảo cho học sinh không có điều kiện học trực tuyến 

Trong hướng dẫn thực hiện hoạt động dạy học trong giai đoạn ảnh hưởng của dịch Covid-19, ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó giám đốc Sở GD&ĐT TP HCM, yêu cầu các trường cần xây dựng chủ đề dạy học trực tuyến qua mạng để hỗ trợ học sinh học tập tại nhà. Các chủ đề cần được xây dựng và quản lý chặt chẽ theo đúng quy định và lợi ích chung của người học. Nhà trường xây dựng các phương án hợp lý cho tất cả học sinh, đảm bảo mọi học sinh đều được tham gia học tập, đảm bảo tính công bằng, nhân văn trong giáo dục. Trong quá trình triển khai thực hiện, cần tham khảo, sử dụng các nguồn học liệu tin cậy, chuẩn xác để tổ chức dạy học và hướng dẫn học sinh học tập.

Đặc biệt, ông Hiếu nhấn mạnh, khi học sinh đi học trở lại, nhà trường xây dựng kế hoạch, giải pháp tổ chức rà soát, đánh giá kết quả học tập qua internet, trên truyền hình. Từ đó, hướng dẫn giáo viên rà soát, tinh giản nội dung dạy học và điều chỉnh kế hoạch dạy học theo hướng kế thừa những nội dung kiến thức đã học qua internet, trên truyền hình nhằm tối ưu thời gian và nội dung kiến thức cần tiếp tục dạy học trong chương trình theo quy định.

Nhà trường có trách nhiệm thực hiện các giải pháp nhằm đảm bảo cho các đối tượng học sinh không có điều kiện tham gia học tập trực tuyến được bổ sung các nội dung kiến thức mà nhà trường đã thực hiện trong thời gian nhà trường thực hiện dạy học trực tuyến.

Lê Đăng Đạt