Vụ toàn bộ giảng viên ĐH Hùng Vương bị nghỉ việc:

Luật sư: Cho thôi việc giảng viên là không đúng quy định!

(Dân trí) - Theo quy định pháp luật, người giao kết hợp đồng lao động là người đại diện theo pháp luật, hoặc người được ủy quyền hợp pháp. Do đó, việc ông Đặng Thành Tâm ký phương án sử dụng lao động, hay quyết định đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động là không đúng quy định.

Đó là ý kiến của luật sư Nguyễn Đức Chánh, Giám đốc công ty luật Đức Chánh, về quyết định đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động (HĐLĐ) với 26 giảng viên Trường ĐH Hùng Vương TPHCM. Theo ông Chánh, đây là 1 trường hợp pháp lý khá phức tạp vì liên quan đến nhiều luật khác nhau và các điều luật cũng không đồng nhất.

Các giảng viên phản đối quyết định đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái quy định pháp luật
Các giảng viên phản đối quyết định đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái quy định pháp luật

PV Dân trí đã trao đổi với luật sư Nguyễn Đức Chánh để làm rõ điểm quan trọng nhất của vụ việc là quyết định thôi việc hàng loạt giảng viên tại ĐH Hùng Vương TPHCM:

Việc đơn vị sử dụng lao động tuyên bố đơn phương chấm dứt hợp đồng với 26 giảng viên như trên có đúng luật lao động không, thưa ông?

Nếu Trường ĐH Hùng Vương TPHCM tuyên bố đơn phương chấm dứt HĐLĐ với nhân viên, giảng viên theo quy định tại Điểm c Khoản 1 Điều 38 BLLĐ 2012 vì những lý do bất khả kháng khác mà người sử dụng lao động đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng vẫn buộc phải thu hẹp sản xuất, giảm chỗ làm việc thì không đúng theo quy định của pháp luật.

Bởi lẽ, “lý do bất khả kháng” được Khoản 2 Điều 12 Nghị định 05/2015/NĐ-CP quy định như sau: “Lý do bất khả kháng khác thuộc một trong các trường hợp sau đây: a) Do địch họa, dịch bệnh; b) Di dời hoặc thu hẹp địa điểm sản xuất, kinh doanh theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền”.

Tuy nhiên, đối với trường hợp này, trường không thuộc vào một trong các “lý do bất khả kháng” nêu trên. Do đó, việc đơn phương chấm dứt HĐLĐ của Trường ĐH Hùng Vương TPHCM mà vận dụng Điểm c Khoản 1 Điều 38 BLLĐ 2012 là không phù hợp.

Nếu Trường ĐH Hùng Vương TPHCM tuyên bố đơn phương chấm dứt Hợp đồng lao động với nhân viên, giảng viên với lý do kinh tế khủng hoảng, hoặc suy thoái theo Khoản 2 Điều 44 Bộ luật Lao động 2012 và Khoản 2 Điều 13 Nghị định 05/2015/NĐ-CP, hoặc với lý do thay đổi cơ cấu tổ chức, tổ chức lại lao động theo Khoản 1 Điều 44 Bộ luật Lao động 2012 và Khoản 1 Điều 13 Nghị định 05/2015/NĐ-CP.

Đồng thời, trường cũng có xây dựng, thực hiện phương án sử dụng lao động, nhưng vẫn không thể giải quyết được việc làm mà phải cho nhân viên, giảng viên nghỉ thì việc đơn phương chấm dứt Hợp đồng lao động với nhân viên, giảng viên là phù hợp. Trong trường hợp này, trường chỉ phải trả trợ cấp mất việc làm cho nhân viên, giảng viên theo quy định tại Điều 49 của Bộ luật Lao động 2012.

Do đó, nếu trường vận dụng lý do kinh tế khủng hoảng, hoặc suy thoái, hoặc lý do thay đổi cơ cấu tổ chức, tổ chức lại lao động, trường phải đáp ứng các điều kiện sau thì việc chấm dứt hợp đồng lao động mới đúng với quy định của pháp luật. Đó là: khi xây dựng phương án sử dụng lao động phải có sự tham gia của tổ chức đại diện tập thể lao động tại cơ sở; việc cho thôi việc đối với nhiều người lao động chỉ được tiến hành sau khi đã trao đổi với tổ chức đại diện tập thể lao động tại cơ sở và thông báo trước 30 ngày cho cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp tỉnh.

Việc ông Đặng Thành Tâm không còn ở vai trò chủ tịch HĐQT trường mà ký phương án nhân sự như trên thì có đúng pháp luật không?

Trường Đại học Hùng Vương TPHCM là một trường đại học tư thục, vận hành theo cơ cấu tổ chức quản lý của một doanh nghiệp. Tuy nhiên, đây cũng là một cơ sở giáo dục đại học nên trường cần tuân thủ các quy định của Luật Doanh nghiệp, Luật Giáo dục đại học và Bộ luật Lao động.

Theo đó, việc ông Đặng Thành Tâm ký phương án sử dụng lao động, hay quyết định đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động không đúng với quy định của pháp luật.

Bởi Điều 3 Nghị định 05/2015/NĐ-CP quy định người giao kết hợp đồng lao động bên phía người sử dụng lao động phải là người đại diện theo pháp luật, hoặc người được ủy quyền hợp pháp bằng văn bản.

Mặt khác, theo quy định tại Khoản 1 Điều 20 Luật Giáo dục đại học 2012: “Hiệu trưởng trường cao đẳng, trường đại học, giám đốc học viện, đại học (sau đây gọi chung là hiệu trưởng) là người đại diện cho cơ sở giáo dục đại học trước pháp luật, chịu trách nhiệm quản lý các hoạt động của cơ sở giáo dục đại học. Hiệu trưởng do cơ quan nhà nước có thẩm quyền bổ nhiệm hoặc công nhận”.

Như vậy, đối với phương án sử dụng lao động, hay quyết định đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động cũng phải do hiệu trưởng là người đại diện theo pháp luật, hoặc người được ủy quyền hợp pháp bằng văn bản ký kết.

Nếu Ông Đặng Thành Tâm không phải là người đại diện theo pháp luật, và cũng không được ủy quyền hợp pháp bằng văn bản thì việc ký phương án sử dụng lao động, quyết định đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động là không đúng thẩm quyền, và không phù hợp với quy định của pháp luật.

Hiện Trường ĐH Hùng Vương TPHCM vẫn còn 50 sinh viên đang theo học năm cuối. Quyền lợi của họ sẽ được giải quyết ra sao khi tất cả giảng viên đều bị cho nghỉ? Theo ông, trách nhiệm của trường đối với họ ra sao?

Theo quy định tại Khoản 5 Điều 28 Luật Giáo dục đại học 2012 thì trường đại học phải có nhiệm vụ bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người học, mà cụ thể trong trường hợp này là 50 sinh viên còn học năm cuối ở trường. Bên cạnh đó, theo quy định tại Điều 60 Luật Giáo dục đại học 2012, sinh viên có quyền học tập, nghiên cứu khoa học, rèn luyện, và trên hết là được tạo điều kiện trong học tập.

Như vậy, cho dù Trường ĐH Hùng Vương TPHCM cho tất cả các giảng viên nghỉ thì trường cũng vẫn phải “lo” cho quyền lợi của 50 sinh viên này.

Vâng, xin cảm ơn ông!

Tùng Nguyên ghi