Bạn đọc viết:

Lòng yêu nghề sẽ níu chân người giỏi

(Dân trí) - Bài viết “Thu nhập thấp, có giữ chân được giáo viên giỏi?” đăng trên Dân trí đã phản ánh một thực trạng nan giải trong giáo dục: Lương của giáo viên khá thấp và trả lương còn theo kiểu cào bằng. Vấn đề này đã được đưa ra bàn bạc, thảo luận khá nhiều nhưng con đường tìm ra một giải pháp hữu hiệu còn khá xa vời.

Từ xưa đến nay, nghề giáo luôn được ngợi ca với hai chữ “thanh”: Thanh đạm mà thanh cao. Nếu ai hỏi giáo viên có sống được bằng lương không thì câu trả lời là có. Nhưng đó chỉ là vừa đủ trang trải cuộc sống. Ngay đến TP. HCM, nơi có nhiều đãi ngộ lương thưởng thì vẫn tồn tại phép so sánh: Thu nhập của giáo viên mới ra trường thấp hơn cả lao động phổ thông, công nhân, người giúp việc. Và tình hình chung là một giáo viên vào ngành khoảng mười năm tính đủ phụ cấp đứng lớp, phụ cấp thâm niên thì tầm trên 4 triệu. Đó là còn chưa kể đến đội ngũ giáo viên hợp đồng chật vật với đồng lương tính theo số tiết thực dạy.

Chỉ dựa vào lương mà tiết kiệm ngân hàng, tích cóp sắm sửa là điều khá xa vời với giáo viên. Ngoài những người có chỗ dựa kinh tế vững chắc từ bố mẹ, vợ/chồng thì rất nhiều người thầy vẫn đang bươn chải với một công việc làm thêm nào đó. Một người cháu của tôi ngoài giờ dạy ở trường vẫn đang nhận đánh máy vi tính tại nhà và kiếm việc làm thêm trên mạng. Cháu kể hội đồng trường cháu “buôn bán” đủ thứ. Người thì bán bảo hiểm, người thì buôn chăn ga gối đệm. Người có nghề tay trái là may mặc, người trổ tài làm mứt bánh…

Khá giả, thoải mái hơn chút xíu có lẽ là những giáo viên có lớp dạy thêm, dạy kèm. Loại trừ đi những “sâu mọt” chuyên o ép, trù úm học sinh đi học thêm thì những người thầy chân chính đang dùng sức lao động ngoài giờ để tăng thu nhập vẫn đáng cho chúng ta trân trọng. Công chức sau giờ làm vẫn có thể kiếm việc làm thêm, bác sĩ có thể mở phòng khám tư,… thì không có lý gì chúng ta “vơ đũa cả nắm”, lên án, chỉ trích toàn thảy những giáo viên đang dạy thêm trên cơ sở học sinh tự nguyện.

Câu hỏi đặt ra ở ngay tiêu đề bài báo của tác giả Hoài Nam “Thu nhập thấp, có giữ chân được giáo viên giỏi?” khiến bao người phải trăn trở. Bởi trong thực tế, trường hợp giáo viên không bám trụ được với nghề mà bỏ nghề, rẽ ngang sang một công việc khác đã từng xảy ra. Và kể cả tư tưởng “Chuột chạy cùng sào cũng không vào sư phạm” đã cướp mất của ngành giáo dục những sinh viên tài năng và những giáo viên giỏi trong tương lai.

Nhưng như thế không có nghĩa là không có người tài đến với giáo dục và đồng lương giết chết lòng yêu nghề của nhà giáo. Nhiều thế hệ nhà giáo vẫn đang cống hiến hết sức mình cho sự nghiệp trồng người. Nhiều giáo viên vẫn đang kiên trì giảng dạy ở những hải đảo xa xôi, những bản làng heo hút…

Sự quan tâm đầu tư cho giáo dục của Đảng và Nhà nước ta chưa bao giờ vơi. Cái khó ở đây là nguồn ngân sách quốc gia có giới hạn và việc phân loại giáo viên để trả lương theo năng lực chưa thể thực hiện.

Xét đến cùng thì nghề giáo vẫn có khá nhiều lợi thế so với các ngành nghề khác. Đó chính là quỹ thời gian có phần thư thả. Giáo viên các cấp đều giảng dạy theo số tiết định mức nên thường được bố trí công việc từ 4-6 buổi giảng dạy, kết hợp thêm 1-2 buổi họp mỗi tuần. Vị chi giáo viên thường đến trường trong khoảng 7-8 buổi, gộp lại sẽ chỉ làm việc tầm 4 ngày trong một tuần. Hơn nữa giáo viên vẫn có 2 tháng hè nghỉ ngơi mà vẫn hưởng trọn lương. Những lợi thế này không phải ngành nghề nào cũng có được.

Thêm vào đó là một phần thưởng vô giá mà chỉ người thầy mới có được: sự tôn vinh của xã hội với sự nghiệp trồng người; lòng yêu thương, tri ân của những thế hệ học trò… Thiết nghĩ lòng yêu nghề và nhiệt huyết sẽ níu chân được giáo viên giỏi!

Thùy Mai