Lợi tức từ giáo dục ở Việt Nam đang suy giảm?

(Dân trí) - Kết quả nghiên cứu của nhóm tác giả TS. Đoàn Thanh Tịnh (ĐH Waikato, New Zealand), TS. Lê Quân và TS. Trần Quang Tuyến (ĐH Kinh tế, ĐHQG Hà Nội) cho thấy lợi tức từ giáo dục của người đi học mỗi năm gia tăng đáng kể từ thập niên 90 đến năm 2008, sau đó giảm dần từ năm 2008 đến 2014.

Trong khoảng thời gian này mức lợi tức suy giảm khoảng 36%. Đây là một con số đáng để các nhà làm chính sách giáo dục phải lưu tâm trong bối cảnh dư thừa lao động có bằng cấp cao trong những năm gần đây.

Thông tin này là kết quả nghiên cứu của nhóm tác giả TS. Đoàn Thanh Tịnh (ĐH Waikato, New Zealand), TS. Lê Quân và TS. Trần Quang Tuyến (ĐH Kinh tế, ĐHQG Hà Nội) và được đăng tải trên European Journal of Development Research- tạp chí ISI quốc tế uy tín, xếp hạng Q2 theo Scimago- Scopus tháng 4/2017 và được đồng xuất bản bởi Springer Neitherlands và Palgrave Macmillan.


TS Đoàn Thanh Tịnh (áo đen) và TS Trần Quang Tuyến khi đang là nghiên cứu sinh tại ĐH Waikato, New Zealand.

TS Đoàn Thanh Tịnh (áo đen) và TS Trần Quang Tuyến khi đang là nghiên cứu sinh tại ĐH Waikato, New Zealand.

Dựa trên số liệu điều tra “Mức sống dân cư đến năm 2008”, nghiên cứu đã chỉ ra lợi tức tính trên mỗi năm giáo dục gia tăng nhanh chóng từ khi Việt Nam chuyển đổi sang kinh tế thị trường.

Tuy nhiên, từ giữa thập niên 2000 trở lại đây, sự tăng trưởng quá mức của cung giáo dục trong khi nền kinh tế không hấp thụ hết số nhân lực đào tạo ra cùng với chất lượng đào tạo chưa được đảm bảo dẫn đến việc sinh viên tốt nghiệp thất nghiệp, chấp nhận làm việc không đúng chuyên môn hoặc chấp nhận làm công việc với mức lương thấp hơn mong đợi.

Với số liệu điều tra “Mức sống dân cư cập nhật đến năm 2014” và phương pháp ước lượng, kiểm định nghiêm ngặt để đảm bảo kết quả ước lượng chính xác, nghiên cứu này chỉ ra rằng lợi tức giảm dần từ năm 2008 đến 2014 là 36%.

Cũng theo nhóm tác giả, sở dĩ lợi tức giáo dục gia tăng trong giai đoạn đầu xuất phát từ nhiều yếu tố như quá trình mở cửa hội nhập kinh tế và cải cách kinh tế trong thập niên 90 của thế kỉ trước cho đến trước cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008, Việt Nam gia nhập WTO năm 2006, sự ra đời của luật doanh nghiệp 1999, luật doanh nghiệp thống nhất 2005 và sự bùng nổ của vốn đầu tư nước ngoài trong thời gian này.

Tuy nhiên, sự gia tăng quá mức của giáo dục đặc biệt là giáo dục chuyên nghiệp từ giữa thập niên 2000 trở lại đây và sự suy thoái kinh tế ở Việt Nam từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 góp phần làm suy giảm lợi tức giáo dục.

Trong giai đoạn 2003 đến 2011, số lượng người có trình độ trung học phổ thông trở lên tăng đến 144% dẫn đến dư cung lao động trong nhóm này. Những người có trình độ đại học có tỷ lệ thất nghiệp cao thứ hai chỉ sau nhóm không có học vấn (lưu ý rằng những sinh viên nhập học năm 2004 trở đi sẽ tốt nghiệp từ 2008 về sau).

Áp lực việc làm đối với nhóm này dẫn đến việc họ chấp nhận việc làm với lương thấp hơn hoặc làm những công việc không đúng chuyên môn đào tạo, có tình trạng cử nhân phải giấu bằng đại học khi đi xin việc trong khu công nghiệp, khu chế xuất.

Ngoài ra việc mở rộng đào tạo tràn lan trong khi chất lượng đào tạo không đảm bảo, xa rời thực tế, lạc hậu, sinh viên thiếu kỹ năng thực tế, đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất không theo kịp quy mô đào tạo (theo báo cáo của Ngân hàng thế giới 2014 - Skilling up Vietnam), cũng ảnh hưởng đến mức lợi tức của giáo dục.

Về mặt chính sách, lợi tức giáo dục cho người đi học cao hơn là một khuyến khích quan trọng cho đầu tư giáo dục của gia đình và xã hội. Chính vì thế chính phủ và các tổ chức sử dụng chỉ số lợi tức giáo dục để hướng dẫn các quyết định chính sách vĩ mô về tài trợ giáo dục và cải cách giáo dục.

“Lợi tức hay lợi ích của giáo dục là chỉ số phản ánh năng suất của nền giáo dục, là đòn bẩy cho việc tạo ra nguồn vốn nhân lực cho sự phát triển của quốc gia. Sự sụt giảm lợi tức giáo dục có thể ảnh hưởng đến sự hình thành, phát triển nguồn vốn nhân lực và sự phát triển kinh tế bền vững của Việt Nam trong tương lai. Đây là vấn đề được đặt ra cho các nhà làm chính sách giáo dục ở Việt Nam vào thời điểm hiện tại”, nghiên cứu khẳng định.

(Bạn đọc có thể xem thêm thông tin về nghiên cứu này tại: https://link.springer.com/article/10.1057/s41287-017-0080-9 )

Vũ Phong