Quảng Bình:

“Lộc rừng” mang niềm vui Tết cho học sinh miền núi

(Dân trí) - Vào mỗi dịp cuối năm khi hoa đót bắt đầu bung nở, nhiều em học sinh miền núi lại bắt đầu hành trình vượt rừng để bẻ đót. Những bó lộc thu được giữa đại ngàn Trường Sơn sẽ được các em mang về bán cho người thu mua. Cũng nhờ vậy mà nhiều em đã có thể tự kiếm tiền để mua quần áo, sách vở.

Vào những ngày này, nhiều người dân tại huyện miền núi Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình lại í ới gọi nhau vào rừng để bẻ đót. Trong đó có rất nhiều em học sinh cũng tranh thủ thời gian này đi săn “lộc rừng” để kiếm tiền mua quần áo mới, sách vở.


Những ngày này, các em học sinh huyện miền núi Minh Hóa (Quảng Bình) lại đi bẻ đót, gánh đót về để bán kiếm tiền.

Những ngày này, các em học sinh huyện miền núi Minh Hóa (Quảng Bình) lại đi bẻ đót, gánh đót về để bán kiếm tiền.

Theo nhiều người dân, cây đót bắt đầu bung nở vào đầu tháng 12 âm lịch và kéo dài đến hết tháng 3 năm sau. Đến với huyện miền núi Minh Hóa vào những ngày cuối năm này, không khó để có thể bắt gặp hình ảnh các em học sinh đang mải mê bẻ đót, cõng những bó đót vừa hái được từ rừng mang về bán lại. Theo tìm hiểu, mỗi 1kg đót hiện nay có giá 4 ngàn đồng.

Một em học sinh đang bẻ đót giữa rừng
Một em học sinh đang bẻ đót giữa rừng

Em Hồ Thị Huyền, một học sinh dân tộc tại bản Hà Vi, xã Dân Hóa cho biết, mỗi lần vào rừng bẻ đót em cũng mang về được khoảng 8kg, với số “lộc rừng” này, Huyền có thể tự kiếm cho mình được trên 30 ngàn đồng.

“Năm mô cũng rứa chú ạ, cứ gần Tết là cây đót bắt đầu ra bông, em với nhiều bạn lải rủ nhau đi lấy về bán. Bọn em bán lại để lấy tiền mua quần áo, sách vở và cả những thứ thứ mình muốn trong ngày Tết”, em Huyền chia sẻ.

Mỗi kg đót hiện nay được thu mua với giá 4 ngàn đồng, tuy nhiên nhiều thương lái mua cho các em học sinh với giá 5 ngàn.
Mỗi kg đót hiện nay được thu mua với giá 4 ngàn đồng, tuy nhiên nhiều thương lái mua cho các em học sinh với giá 5 ngàn.

Với đồng bào dân tộc tại huyện miền núi Minh Hóa, điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn nên đời sống của đồng bào còn nhiều vất vả, con em đồng bào cũng vì vậy mà thiếu thốn đủ thứ. Tết đang cận kề, các em học sinh dân tộc cũng mong mình có thêm một bộ quần áo mới, hơn nữa là những cuốn sách, tập vở để đến trường trong dịp đầu năm. Những bông đót giữa đại ngàn đang phần nào giúp các em thực hiện những ước mơ đó.

Vì là thời điểm đầu mùa, muốn lấy được “lộc rừng”, người dân và các em học sinh phải đi rất xa, băng rừng lội suối đến những vùng đót nhiều hơn, lựa chọn những bông đót đã tốt, dài để mang về.

“Mấy ngày nghỉ học là em lại đi với mẹ vô rừng lấy đót, cả đi và về em và mẹ phải mất nửa ngày đường. Vất vả và mệt lắm, nhưng khi về bán cho các cô, chú thu mua dưới bản, có được tiền em rất vui. Gần Tết rồi em cũng muốn đi lấy được thật nhiều đót để có thêm tiền mua áo mới, sách vở”, em Hồ Chinh, một em nhỏ tại bản K-Reeng, xã Dân Hóa tâm sự.

“Lộc rừng” mang niềm vui Tết cho học sinh miền núi - 4
Niềm vui của các em học sinh sau một ngày vất vả bẻ đót
Niềm vui của các em học sinh sau một ngày vất vả bẻ đót

Trò chuyện với Dân trí, anh Hồ Quốc Tuấn, một người chuyên thu mua đót cho biết, để động viên tinh thần các em học sinh, những người đi thu mua đót như anh thường mua giá cao hơn hoặc cân dư để tạo niềm vui cho các em. Cũng là động viên tinh thần những cô cậu học trò dân tộc sau một ngày vất vả đi săn “lộc rừng”.

“Mùa đót bắt đầu từ giữa tháng 12 đến hết tháng 3, đây cũng là mùa đồng bào đi bẻ bông đót về bán cho chúng tôi để làm chổi. Ở đây các em học sinh đi lấy đót nhiều lắm, có những em chỉ mới 5, 6 tuổi cũng đã đi lấy về được mấy cân đót. Với người lớn thì tôi mua 4 ngàn 1kg, nhưng các em nhỏ thì chúng tôi trả 5 ngàn. Nhiều lúc cho thêm các em nữa cho chẵn tiền, cũng để tạo niềm vui, vừa giáo dục các em về giá trị của sức lao động” - anh Tuấn vui vẻ nói.

Nhờ lộc rừng, nhiều em học sinh đã tự kiếm tiền nhờ chính sức lao động của mình
Nhờ "lộc rừng", nhiều em học sinh đã tự kiếm tiền nhờ chính sức lao động của mình

Mùa xuân đang đến gần, không khí Tết cũng đang tràn ngập khắp núi rừng Trường Sơn. Những cành đào rừng đang đua nở, và bên cạnh đó là niềm vui, nụ cười của những em học sinh miền núi sau khi tự mình kiếm được tiền nhờ lộc của rừng. Nhờ đó các em có những bộ quần áo ấm hơn, những chiếc cặp, cuốn sách mới hơn để các em tiếp tục vững vàng trên hành trình theo đuổi con chữ, xây dựng những bản làng dân tộc vượt nghèo đi lên.

Tiến Thành