Ninh Bình:

Lo ngại khi học sinh đến trường trên những chuyến “xe dù”

(Dân trí) - Những chiếc ô tô hết niên hạn, không đăng kiểm được điều khiển bằng tài xế “tay ngang” hàng ngày vẫn vô tư đưa đón học sinh ở huyện Nho Quan (Ninh Bình) đến trường. Phụ huynh đã thờ ơ “đánh cược” tính mạng của con mình cho những chuyến “xe dù”.

Xe chở học sinh nở rộ như “nấm sau mưa” 

Thời gian gần đây, trên địa bàn huyện miền núi Nho Quan, tỉnh Ninh Bình phát triển rầm rộ dịch vụ xe ô tô đưa đón học sinh đến trường. Theo thống kê, 12/27 xã, thị trấn của huyện có dịch vụ xe ô tô đưa đón học sinh, với tổng số 51 phương tiện. Xã có nhiều xe đưa đón học sinh lên đến 9 xe, xã ít thì 1 - 2 xe ô tô.

Xe ô tô "nhiều không" vô tư đưa đón học sinh ở Ninh Bình

Trong số 51 phương tiện đưa đón học sinh tại các xã, có 2 ô tô loại 5 chỗ ngồi; 28 xe loại 15 chỗ ngồi; 20 xe loại từ 24 đến 30 chỗ ngồi; xe trên 30 chỗ ngồi có 1 chiếc. Hầu hết, các xe này đều không hợp đồng với nhà trường, mà chủ yếu hợp đồng với phụ huynh (24 xe); số xe chưa có hợp đồng bằng văn bản là 27 xe.

Ghi nhận của PV Dân trí tại xã Sơn Lai, hiện có 4 xe ô tô đưa đón học sinh đến trường. Trong đó có 1 xe 40 chỗ ngồi (BKS 75B - 007.23 chủ xe là Nguyễn Tuấn Phong), 1 xe 32 chỗ ngồi (BKS 17K - 3770, chủ xe là Nguyễn Quốc Hưng), 1 xe 29 chỗ ngồi (BKS 35B - 006.08) và 1 xe ô tô 16 chỗ (BKS 29U - 9365, chủ xe là Trần Văn Bảy).

Lo ngại khi học sinh đến trường trên những chuyến “xe dù” - 1

Những chiếc xe ô tô cũ dùng để chở học sinh ở Nho Quan (Ninh Bình). Nhiều xe bị phát hiện đã hết niên hạn, không đăng ký, không phù hiệu...

Hàng ngày, các xe này đón học sinh Mầm non và Tiểu học từ các thôn trong xã, sau đó lưu thông ra đường liên xã, liên huyện đưa các em học sinh đến trường. Theo báo cáo của trường Tiểu học Sơn Lai, các xe này đều chở học sinh của trường, có xe chở thêm cả học sinh trường Mầm non với số lượng từ 20 đến 50 em.

Hầu hết các xe chở học sinh ở Sơn Lai đều đã cũ, một số xe không có phù hiệu, thậm chí không có đăng kiểm, nghi hết niên hạn. Có xe có ký hợp đồng với phụ huynh có xe không có hợp đồng. Số tiền đưa đón học sinh được chủ xe thu từ 250 - 300 nghìn đồng/học sinh/tháng.

Không chỉ ở xã Sơn Lai, mà ở các xã như Quỳnh Lưu, Đức Long, Văn Phú, Phú Long…, dịch vụ xe ô tô đưa đón học sinh cũng nở rộ. Các xe cũng trong tình trạng như ở Sơn Lai, các chủ xe này cũng chỉ hợp đồng “qua loa” hoặc hợp đồng bằng miệng với phụ huynh, sau đó đưa đón học sinh, thu tiền hàng tháng tùy vào khoảng cách. 

Ông Trương Thế Vinh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Sơn Lai cho biết, nhà trường không hợp đồng với bất cứ xe nào để đưa đón học sinh của trường. Việc học sinh đến trường như thế nào là tùy thuộc vào phụ huynh và điều kiện của từng gia đình. “Trường chỉ quy định giờ giấc vào lớp, không có chức năng kiểm tra xử lý các phương tiện chở học sinh”, ông Vinh nói. 

“Đánh cược” tính mạng trên những chuyến “xe dù”

Lo ngại khi học sinh đến trường trên những chuyến “xe dù” - 2

Những chiếc xe "nhiều không" vô tư đưa đón học sinh.

Thực tế cho thấy, dịch vụ xe đưa đón học sinh ở Nho Quan thời gian qua đã đem lại lợi ích lớn cho nhiều hộ gia đình. Hầu hết các em học sinh sử dụng xe đưa đón đều có nhà xa trường, bố mẹ làm công nhân hoặc công việc khác không có thời gian đưa con đến trường nên sử dụng dịch vụ này cho thuận tiện. 

Tuy nhiên, việc hàng trăm học sinh hàng ngày vẫn vô tư đến trường trên những chiếc xe “nhiều không” khiến nhiều người không khỏi lo lắng. Bởi ai dám chắc tính mạng của các em được đảm bảo an toàn trên những chiếc ô tô hết niên hạn, không đăng kiểm, tài xế là người “tay ngang”, chủ xe không đăng ký kinh doanh vận tải hành khách…

Lo ngại khi học sinh đến trường trên những chuyến “xe dù” - 3

Phụ huỵnh "đánh cược" tính mạng con mình cho những chiếc xe không đảm bảo tiêu chuẩn đưa đón mỗi ngày.

Thống kê của UBND huyện Nho Quan cho thấy, trong số 51 xe đưa đón học sinh trên địa bàn có nhiều phương tiện không đủ điều kiện về an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường; còn nhiều xe chưa có hợp đồng đưa đón học sinh với phụ huynh và nhà trường. 

Qua kiểm tra, Công an huyện Nho Quan phát hiện có 5 ô tô đưa đón học sinh đã hết hạn kiểm định; Số lái xe có giấy phép lái xe không phù hợp với loại xe đang điều khiển là 4 người. Những xe vi phạm hết hạn kiểm định đã bị xử phạt với tổng số tiền là 15 triệu đồng, nhiều trường hợp dừng đỗ sai quy định.

Lo ngại khi học sinh đến trường trên những chuyến “xe dù” - 4

Xe chở học sinh trường Tiểu học Sơn Lai, huyện Nho Quan.

Những trường hợp vi phạm đã bị xử lý, yêu cầu viết cam kết dừng hoạt động đưa đón học sinh. Tuy nhiên, việc làm trên không triệt để khiến các chủ xe vẫn vô tư đưa đón học sinh. Lực lượng CSGT chỉ xử lý được các lỗi xe không có đăng ký, đăng kiểm, giấy phép lái xe có phù hợp hay không và Bảo hiểm trách nhiệm dân sự. Còn lại các lỗi khác do lực lượng Thanh tra giao thông (Sở GTVT Ninh Bình), nhưng lực lượng này lại đang nằm ngoài cuộc. 

Có mặt trước trường Tiểu học Sơn Lai nhiều ngày, PV Dân trí ghi nhận, đều đặn 2 buổi sáng - chiều, các xe này đưa đón học sinh đến trường. Các em học sinh ngồi chật kín, thậm chí bị “nhồi nhét” trên những chiếc xe cũ rích không đủ điều kiện về an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường. Có lái xe là người “tay ngang”, bằng lái không phù hợp với loại xe.

Lo ngại khi học sinh đến trường trên những chuyến “xe dù” - 5

Ai dám chắc tính mạng của các em học sinh được chở trên những chiếc "xe dù" được đảm bảo an toàn tuyệt đối. Không may tai nạn xảy ra ai là người phải chịu trách nhiệm?.

Dù chưa có vụ việc nào nghiêm trọng xảy ra liên quan đến những chiếc xe “nhiều không” chở học sinh ở huyện Nho Quan, nhưng việc những xe này chở hàng chục học sinh mỗi ngày đến trường vẫn luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Khi không may xảy ra tai nạn, ai dám chắc tính mạng của nhiều học sinh sẽ được đảm bảo. Trách nhiệm khi đó sẽ thuộc về ai?

Báo Dân trí sẽ tiếp tục phản ánh về tình trạng này.

Thái Bá