Thi THPT quốc gia 2016:

Lo giáo viên địa phương chấm ưu ái học sinh tỉnh nhà

(Dân trí) - Nhiều trường đại học chủ trì cụm thi tỏ ra lo ngại về khâu chấm thi vì khả năng giáo viên chấm “nới” cho học sinh của tỉnh mình dẫn đến tình trạng mất công bằng. Tuy nhiên phía Bộ GD-ĐT trấn an kết quả kỳ thi THPT quốc gia năm ngoái cho thấy việc chấm thi khá tốt, kể cả các cụm thi ở xa, nơi nào có nghi ngờ đều có chấm lại.

Trong buổi họp giữa lãnh đạo các trường ĐH chủ trì cụm thi với lãnh đạo Bộ GD-ĐT diễn ra tại TPHCM mới đây nhiều trường ĐH tỏ ra lo ngại về khâu chấm thi. Trong đó, lãnh đạo một số trường cho rằng nếu để giáo viên địa phương chấm bài thì khó tránh khỏi tình trạng ưu ái chấm “nới” cho chính học trò của mình. Thậm chí nhiều trường đưa ra so sánh kết quả chấm thi năm 2015 giữa cụm thi ĐH và cụm thi tốt nghiệp có sự chênh lệch đáng kể.

PGS.TS Đỗ Văn Dũng, hiệu trưởng trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM cho biết ủng hộ đưa 50% cán bộ coi thi là cán bộ của trường cũng như làm giám sát vì như thế mới đảm bảo độ chính xác của kỳ thi. Tuy nhiên ông Dũng cũng băn khoăn rằng ở việc chấm thi nhất là môn Văn nên số lượng bài thi rất nhiều, trong khi trường lại không có giáo viên chấm môn này.


TS Nguyễn Kim Hồng đề nghị phương án các trường không sử dụng giáo viên ở khu vực địa phương đó chấm

TS Nguyễn Kim Hồng đề nghị phương án các trường không sử dụng giáo viên ở khu vực địa phương đó chấm

Bên cạnh đó, ông Dũng cho rằng Bộ GD chỉ cần ra quy định là giáo viên tại khu vực đó là không được chấm thí sinh khu vực đó. Ví dụ, ở Thủ Đức, quận 2 thì không được mời giáo viên ở quận đó mà phải mời giáo viên ở quận 5, quận 1 xuống chấm chẳng hạn.

“Nếu chúng ta đưa quy định như thế thì hoàn toàn có thể làm được. Còn nếu để địa phương tự chấm thì chắc chắn không thể nào thoát khỏi chủ nghĩa địa phương cục bộ. Nếu không có địa phương chủ nghĩa thì chúng tôi đã xét học bạ, chứ không cần phải thi như thế này”.

Trong khi đó, PGS.TS Nguyễn Kim Hồng, Hiệu trưởng trường ĐH Sư phạm TPHCM cho rằng: “Các trường tổ chức chấm thi, nhưng không ai có thể chắc chắn rằng chất lượng chấm thi đúng, giống hệt như nhau. Cho nên tôi đề nghị phương án các trường không sử dụng giáo viên ở khu vực địa phương đó chấm. Tất nhiên, có thể sẽ có khó khăn như khi di chuyển hoặc chuyển về TPHCM chấm hoặc tại địa phương đó chấm thi, thì sẽ phát sinh kinh phí di chuyển. Tôi nghĩ thà rằng chúng ta chấp nhận có chất lượng chấm thi tốt và đồng đều hơn là việc các trường không đạt được kết quả chấm như mong muốn”.

PGS.TS Mai Hồng Qùy, Hiệu trưởng trường ĐH Luật TPHCM cũng tỏ ra lo ngại để giáo viên địa phương chấm bài học sinh mình dễ nảy sinh tiêu cực và đề xuất đưa tất cả bài thi về TPHCM rồi rọc phách để các tỉnh bốc thăm chọn bài thi của cụm thi để chấm.

Trong khi đó, nhiều trường cũng than sẽ không đào đâu ra lực lượng chấm thi để phục vụ cho năm nay. TS Trần Trung Dũng, Phó Hiệu trưởng Trưởng ĐH Tây Nguyên cũng lo vấn đề chấm thi vì tại Đăk Lăk năm nay có 2 loại cụm thi do trường ĐH chủ trì và do Sở GD-ĐT chủ trì. Khả năng Sở GD sẽ ưu tiên chọn giáo viên chấm cho cụm thi của Sở trước nên ông Dũng cũng quan ngại chất lượng giáo viên trong việc chấm thi của hai cụm chắc chắn sẽ khác nhau, cần có một giải pháp để đội ngũ chấm hai bên tương đối đồng đều.


Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga trao đổi với lãnh đạo các trường ĐH chủ trì cụm thi

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga trao đổi với lãnh đạo các trường ĐH chủ trì cụm thi

Đại diện của trường ĐH Tiền Giang cũng ý kiến bản thân trường ĐH không thì không đủ số lượng giảng viên chấm thi mà phụ thuộc chủ yếu vào giáo viên của Sở GD-ĐT địa phương. Quan trọng là cách tổ chức chấm và kiểm soát chấm chặt chẽ thì hoàn toàn có thể tin tưởng được.

Theo TS Nguyễn Đức Nghĩa, Phó Giám đốc ĐH Quốc gia TPHCM, việc các trường băn khoăn khâu chấm thi là có cơ sở. Tuy nhiên, mấu chốt vẫn là chúng ta phải tin tưởng lẫn nhau. Hơn nữa, nếu làm tốt khâu coi thi và các trường giám sát kỹ khâu chấm thi thì có thể hạn chế được.

Về việc này, PGS.TS Trần Văn Nghĩa, Phó Cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ GD-ĐT cho hay, qua dữ liệu kết quả kỳ thi THPT quốc gia năm ngoái cho thấy việc chấm thi khá tốt, kể cả các cụm thi ở xa, nơi nào có nghi ngờ đều có chấm lại.

Còn TS Nguyễn Đức Nghĩa, Phó Giám đốc ĐHQG TPHCM cũng cho rằng, chỉ cần cơ chế giám sát chặt chẽ việc chấm thi. “Thú thật là không thể nào đủ giáo viên để chấm thi với gần 1 triệu thí sinh, không thể đủ giáo viên chấm bài thi tự luận. Cho nên, chúng ta phải tin nhau và cần phải có các cơ chế để kiểm soát và thanh tra, kiểm tra việc chấm thi” ông Đức Nghĩa nhìn nhận.

Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga, đối với công tác chấm thi, cán bộ chấm thi là cán bộ của các bộ môn cơ bản của trường ĐH-CĐ và giáo viên THPT đáp ứng yêu cầu của Quy chế thi; số giáo viên chấm thi của sở GD-ĐT không ít hơn 50% tổng số cán bộ chấm thi. Cũng theo Thứ trưởng Ga, để đảm bảo chất lượng công tác coi thi, trường ĐH chủ trì phải huy động tối thiểu 50% cán bộ coi thì và ít nhất 1/2 tổng số cán bộ giám sát phòng thi ở mỗi điểm thi; trường ĐH, CĐ phối hợp cử ít nhất 20% cán bộ tham gia coi thi; còn lại là giáo viên do Sở GD-ĐT điều động.

Có nên bỏ thi tự luận tiếng Anh?

Cũng liên quan đến vấn đề chấm thi, đại diện nhiều trường ĐH cho rằng đề thi môn tiếng Anh chỉ nên là trắc nghiệm hoàn toàn chứ không nên có phần thi viết. Đại diện trường ĐH Tiền Giang cho rằng môn Ngoại ngữ có 2 phần trắc nghiệm và tự luận. Dù phần tự luận chỉ chiếm tỉ lệ 20% thôi nhưng việc chấm thi rất phức tạp, tốn thời gian trong khi kinh phí chấm ít nên không ai chịu chấm. Vì thế, đại biểu này đề xuất “chúng ta nên bỏ hình thức tự luận, chỉ sử dụng hình thức trắc nghiệm mà thôi cho dễ”.

Đồng quan điểm này, đại diện trường ĐH Đà Nẵng cũng cho rằng nếu được thì năm nay môn tiếng Anh bỏ thi tự luận luôn. Nhưng nếu không thể bỏ thì ông đề xuất nên tổ chức môn thi Ngoại ngữ như kỳ thi Tốt nghiệp THPT trước đây. Tức là làm trắc nghiệm trước, sau đó thu bài về rồi phát phiếu để các em làm tự luận sau, bởi với bài thi 80% trắc nghiệm, thí sinh thường có tâm lý tập trung làm phần trắc nghiệm, hết giờ nộp bài không đủ thời gian làm phần tự luận.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết sẽ ghi nhận ý kiến của các trường và sẽ làm việc với Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục về vấn đề này.

Lê Phương