Ý kiến bạn đọc:

Lo âu và niềm tin vào đổi mới giáo dục

(Dân trí) - Có thể nói là cả nước đang hồi hộp và lo âu về một sự kiện quan trọng là đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục nước nhà. Hồi hộp vì ai cũng mong chờ những đổi mới làm cho nền giáo dục nước nhà tiến kịp giáo dục hiện đại của thế giới – Lo âu vì một niềm tin. Liệu sự đổi mới có thành công như mục tiêu mong muốn hay lại có lắm vấn đề như mấy lần cải cách và đổi mới trước đây.

Thí sinh dự thi đại học (Ảnh minh họa)

Thí sinh dự thi đại học (Ảnh minh họa)

Mới đây, Bộ Giáo dục đã có những bước đi dù là bước đầu nhưng cũng rất quan trọng như việc chuẩn bị chương trình và biên soạn sách giáo khoa, như việc sát nhập các kỳ thi để tinh giảm việc thi cử vừa đỡ tốn kém kinh phí vừa hạn chế được những tiêu cực không đáng có, như việc giảm bớt buổi học ở cấp 1, tinh giảm việc chấm bài, giảm bớt việc ra bài tập, như việc mở thêm nhiều trường đại học và phổ cập tối đa trường đại học ở các tỉnh…

Ở bài này, chúng tôi xin có mấy ý kiến về một số vấn đề đổi mới gần đây mà theo chúng tôi, người dân chưa đồng tình cao và chưa yên tâm tin tưởng.

Trước hết là vấn đề giáo dục đại học – Phổ cập các ngành học cấp học trong ngành giáo dục là việc cần thiết để nâng cao dân trí, bồi dưỡng nhân lực. Phổ cập cấp 1, mầm non, cấp 2 và cả THPT nữa là cần nhưng phổ cập đại học cho các tỉnh, phát triển mạnh hệ đại học chạy theo số lượng các trường thì chưa thể là điều đúng và cần thiết, nhất là trong hoàn cảnh đất nước ta hiện nay.

Ở Nga từ chỗ có trên 1000 trường đại học, người ta đã tinh giảm đưa xuống 200 cơ sở đại học để tập trung cao cho chất lượng đại học. Các nước có phát triển đại học nhưng cũng không ai chủ trương mở đại học khắp các tỉnh, một tỉnh nhỏ củng có 2. 3 trường đại học và có cả một “cơ sở đại học”. Cũng phải biết mở đại học nhiều manh mún như hiện nay có hại gì?

Mở nhiều trường thì tốn kém kinh phí phụ cấp cán bộ, kinh phí xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm thiết bị, tốn kém thì không đủ tiền, phải đối phó làm cho có, chất lượng không đảm bảo. Mở nhiều trường quá ồ ạt thì thiếu cán bộ quản lý và thiếu cán bộ giảng dạy, để có tình trạng “cơm chấm cơm”.

Chỉ cần nói 2 điểm trên cũng đủ biết rằng, đại học trong tình trạng như vậy thì lấy gì đảm bảo cho việc nâng cao chất lượng đào tạo của đại học? Nếu mở với 1 số ít trường và xây dựng những cơ sở đại học có quy mô lớn thì có phải ta có kinh phí lớn tập trung cho hiện đại hóa hệ thống giáo dục đại học, có điều kiện để xây dựng các cơ sở đại học thành cơ sở đào tạo và nghiên cứu khoa học lớn ngang hàng với đại học thế giới. Thật trớ trêu khi ra sức nhập các trường cấp 1, cấp 2 để học sinh đi học xa phải bỏ học, dân phản đối mà ra sức mở các trường đại học ở các tỉnh xép!

Thứ 2 là việc tinh giảm các kỳ thi. Tinh giảm thi thì có lợi thật, ít tốn tiền, tốn thời gian, tốn cán bộ, hạn chế được tiêu cực trong thi cử. Nhưng để chạy cho những tốn kém đó mà bỏ thi, giảm thi, không nên giảm thì lại phản khoa học. Có học thì có thi – nguyên lý đấy chứ! Bỏ thi, giảm thi cần thiết thì lấy gì mà đánh giá chất lượng quản lý giáo dục, chất lượng dạy và học, nói chung là chất lượng đào tạo.

Lấy kỳ thi tốt nghiệp phổ thông lồng kiêm thi tuyển vào đại học rồi lại thi tuyển trong từng trường đại học thì lồng ghép làm gì? Nói cho cùng, lẽ ra xong mỗi cấp học là phải có thi tốt nghiệp hay hết cấp mới khoa học, hợp lẽ và mới đánh giá được giáo dục. Vấn đề là tìm ra cách cải tiến các kỳ thi, cách tổ chức thi sao cho đỡ tốn kém, sao cho ít tiêu cực, sao cho việc đánh giá chính xác mới là điều nên nghĩ và nên làm. Không làm được chăng?!

Thứ ba là vấn đề giảm bớt các buổi học ở cấp 1, bớt việc ra bài tập và giảm bớt việc chấm bài. Trong lúc ta đang nâng cao chương trình để kịp với chương trình các nước trên thế giới thì lại chủ trương giảm bớt học, bớt làm bài, bớt ra bài, bớt kiểm tra. Thật chẳng rõ chủ trương giảm như thế là 1 “phép mầu nhiệm” chăng?

Chúng tôi có mấy đề nghị:

Giảm bớt buổi học ở cấp 1 là cần vì dạy học như hiện nay ở một số nơi, số trường, để chất lượng đại trà sa sút thì tăng buổi mà làm gì? Học nữa giờ mà có chất lượng còn hơn là dạy cả buổi. Những ai đã học qua đại học hẳn biết rằng nghe một buổi phụ khóa của 1 chuyên gia, một giáo sư còn hơn cả tuần một giáo viên dạy kiểu “cơm chấm cơm” đó sao. Cho nên giảm số buổi học là đúng nên giảm thế nào cho hợp lý, cho khoa học mới là việc cần làm.

Giảm việc ra bài tập về nhà cho học sinh là dựa trên cơ sở khoa học và thực tiển nào? Ta phản đối việc ra quá nhiều bài tập gò ép học sinh (nhất là học sinh nhỏ) làm bài tập quá nhiều là điều không nên nhưng giảm quá hoặc không ra bài tập về nhà thì học sinh lấy gì để mà củng cố kiến thức, mà rèn kỷ năng?

Giảm việc chấm bài thì quả là điều hay đối với giáo viên. Đỡ mất công chấm bài thì thầy cô khỏe. Trò củng khỏe vì chẳng phải lo làm bài, học bài. Có người cho rằng, không chấm bài nhiều mà chỉ nhận xét. Nhận xét cái gì? Thật là ngạc nhiên!

Chúng tôi không phản đối hoàn toàn những cái gọi là đổi mới của giáo dục nhưng chúng tôi chưa thật đồng tình, chưa thật có thể tin tưởng rằng sự đổi mới đó sẽ nâng cao chất lượng giáo dục.

Một vấn đề nữa là học thêm, dạy thêm. Thực ra thì từ xưa đến nay, có sự học là đã có sự dạy thêm, học thêm rồi. Trò được học thêm thì biết được thêm nhiều nhất là đối với thầy dạy giỏi.

Học thêm thì trò được rèn luyện nhiều, có kỷ năng, kỷ xảo, nếu có động cơ thái độ học tập tốt thì càng nhanh chóng trở thành người giỏi. Ai cũng biết rằng, những học sinh giỏi đều được thầy giỏi dạy thêm, dạy thêm nhiều là đằng khác và những học sinh giỏi được học nhiều, luyện nhiều mà thành giỏi. Thực tế đó ai dám phủ nhận?

Nếu ta làm một điều tra cơ bản thì sẽ thấy rằng, Tỷ lệ số học sinh đậu vào các trường đại học cao là nhờ số đó có học thêm và được dạy thêm. Thực tế là học thêm và dạy thêm nhiều.

Nên phản đối việc chủ trương bắt học sinh học thêm buổi ở trường rồi thu học phí cao, rồi lấy tiền dạy thêm đó trích cho cán bộ quản lý, trong khi đó, chất lượng dạy thêm học thêm không đúng được đánh giá thực chất.

Trong chừng mực có thể, hợp lý, học sinh cần nên học thêm để giỏi thêm. Vấn đề là học với thầy thế nào, học lúc nào, học theo chương trình phương pháp nào để đảm bảo tính khoa học và thực tiển của việc dạy thêm, học thêm.

Giáo dục ta trong tình trạng hiện nay thì quá cần đổi mới, gì cũng cần đổi mới nhưng đổi mới như thế nào, đổi mới cái gì trước, cái gì sau, cái nào là chủ yếu, quan trọng, cái nào là thứ yếu.

Hải Hồng