Quảng Bình:

Lênh đênh đến trường trên những chuyến đò ngang

(Dân trí) - Thôn Hà Kiên bị chia cắt với phần còn lại của xã Hàm Ninh bởi dòng sông Nhật Lệ, vậy nên hàng ngày hàng chục học sinh tại đây phải đến trường bằng đò. Việc phải lênh đênh trên những chuyến đò ngang đầy bất tiện, hiểm nguy đã khiến con đường đến trường của các em trở nên gian nan hơn bội phần.

Hà Kiên là một thôn thuộc xã Hàm Ninh, huyện Quảng Ninh, (Quảng Bình). Bị chia cắt với phần còn lại của xã Hàm Ninh bởi dòng sông Nhật Lệ nên nhiều năm qua, việc người dân, đặc biệt là các em học sinh hằng ngày phải lênh đênh trên những chuyến đò ngang để về trung tâm xã, đến trường học đã không còn là điều xa lạ.

Toàn thôn Hà Kiên hiện có trên 157 hộ dân, trong đó có trên 50 em học sinh đang theo học tại các trường học trên địa bàn. Những người dân tại địa phương này cho biết, khoảng cách từ thôn này về trung tâm xã theo đường chim bay cũng chỉ vỏn vẹn chưa đầy 2km. Thế nhưng vì bị ngăn cách bởi dòng Nhật Lệ nên họ phải đi đường vòng gần 20km. Bởi vậy đi đò qua sông là phương án được người dân lựa chọn để rút ngắn thời gian.

“Ở đây nếu đi đường bộ về xã phải 20 cây số nên ai cũng chọn đi đò cho nhanh, mấy cháu học sinh ngày nào cũng phải hai lượt đi về. Biết là bất tiện và nguy hiểm nhưng nếu đi đường đường vòng còn cực và mất thời gian hơn nữa”, chị Võ Thị Thương, một người dân tại thôn Hà Kiên cho biết.

Thôn Hà Kiên bị ngăn cách với trung tâm xã Hàm Ninh bởi dòng sông Nhật Lệ
Thôn Hà Kiên bị ngăn cách với trung tâm xã Hàm Ninh bởi dòng sông Nhật Lệ

Hiện nay người dân và các em học sinh tại thôn Hà Kiên đang sử dụng con đò của gia đình ông Trần Văn Vững (SN 1965) để qua sông. Trung bình mỗi ngày vợ chồng ông Vững chạy khoảng 8 chuyến đò qua lại để phục vụ người dân. Ông Vững làm nghề lái đò đến nay cũng đã hơn 10 năm, ông cho biết cứ một lượt qua đò là 1 ngàn đồng, xe máy 5 ngàn. Riêng các cháu học sinh thì 15 ngàn/tháng.

“Ở đây dân họ chọn đi đò chứ không mấy ai đi đường bộ vì xa quá. Như các cháu học sinh cấp 1 mà đi xe đạp hay đi bộ hàng chục cây số như thế thì cực hơn nữa. Là người lái đò tui cũng rất mong chính quyền có sự hỗ trợ để gia đình tui có thể đầu tư chiếc đò lớn hơn để đưa đón các cháu cho an toàn. Bên cạnh đó hỗ trợ chi phí đi lại cho các cháu cho đỡ tốn kém”, ông Vững tâm sự.

Lênh đênh đến trường trên những chuyến đò ngang - 2
Vì đi đường bộ đến trung tâm xã quá xa nên người dân và học sinh thường vượt sông bằng đò
Vì đi đường bộ đến trung tâm xã quá xa nên người dân và học sinh thường vượt sông bằng đò

Đi đường vòng thì xa, còn đi đò lại vô cùng bất tiện và luôn rình rập hiểm nguy đã khiến con đường đến trường của các em học sinh tại thôn Hà Kiên trở nên gian nan hơn. Mỗi lần đi học các em thường phải đi sớm để không bị lỡ đò, bởi mỗi lần lỡ đò thường phải chờ gần 1 tiếng đồng hồ. Bên cạnh đó vào những ngày mưa to, gió lớn, đò ngang không thể hoạt động nhiều em đành phải nghỉ học.

“Cứ đông người là đò chạy nên cháu thường ra sớm chờ, nếu ra muộn sẽ phải chờ chuyến sau thì chậm học. Trời mưa to là đò không chạy, những ngày như thế nếu không ai chở đi là cháu lại phải nghỉ ”, em Võ Quốc Cường, học sinh Trường Tiểu học Hàm Ninh tâm sự.

Người dân thôn Hà Khê vẫn luôn mỏng mỏi có được một cây cầu để đi lại thuận tiện, an toàn hơn
Người dân thôn Hà Khê vẫn luôn mỏng mỏi có được một cây cầu để đi lại thuận tiện, an toàn hơn

Trao đổi với Dân trí, ông Võ Thanh Thuần, Trưởng thôn Hà Kiên cũng cho biết, những chuyến đò ngang dù bất tiện, phải chờ đợi và tiềm ẩn nhiều nguy hiểm thế nhưng so với đường bộ vẫn còn thuận tiện hơn nhiều. Người dân địa phương này luôn mong mỏi có một cây cầu để qua lại an toàn, để con đường đến trường của các em học sinh bớt vất vả hơn. Người dân cũng đã kiến nghị lên chính quyền nhưng mong mỏi đó vẫn chưa thể thành hiện thực.

“Đi đường bộ xa nên hầu hết người dân đều lựa chọn đi đò. Vào mùa mưa bão chứng kiến cảnh các em học sinh lênh đênh trên sống như vậy chúng tôi cũng rất lo lắng. Chúng tôi quán triệt người lái đò nếu mưa lớn, gió cấp 5 trở lên phải dừng đò để đảm bảo an toàn. Về lâu dài chúng tôi rất tha thiết sẽ có chiếc cầu nối đôi bờ sông để người dân và các em học sinh đi lại cho thuận tiện.

Còn trước mắt chúng tôi mong muốn UBND xã Hàm Ninh sẽ có hỗ trợ để thôn Hà Kiên có được chiếc đò chắc chắn, an toàn để qua sông. Bên cạnh đó cũng nên hỗ trợ chi phí qua đò cho học sinh để giảm bớt gánh nặng cho gia đình các em”, ông Thuần bày tỏ.

Tiến Thành