Đà Nẵng:

Lãnh đạo thành phố đối thoại với thanh niên về khởi nghiệp

(Dân trí) - Buổi đối thoại của lãnh đạo TP Đà Nẵng với thanh niên “nóng” lên với những câu chuyện khởi nghiệp từ tiệm bánh mì “Xin chào” của hai chàng trai Việt ở Tokyo, đến chuyện nông dân 8x ở Hòa Vang dám “cắm” 10 sổ đỏ để vay vốn nuôi heo kiểu mới.

Sáng 29/3, tại Đà Nẵng, diễn ra đối thoại chủ đề “Thanh niên khởi nghiệp” giữa lãnh đạo chính quyền và đoàn viên, thanh niên thành phố.

Chủ trì đối thoại có ông Võ Công Trí - Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Đà Nẵng, ông Hồ Kỳ Minh - Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng.

Ông Võ Công Trí - Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Đà Nẵng và ông Hồ Kỳ Minh - Phó Chủ tịch UBND TP chủ trì đối thoại với thanh niên về chủ đề khởi nghiệp
Ông Võ Công Trí - Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Đà Nẵng và ông Hồ Kỳ Minh - Phó Chủ tịch UBND TP chủ trì đối thoại với thanh niên về chủ đề khởi nghiệp

Buổi đối thoại ghi nhận nhiều ý kiến từ các đoàn viên, thanh niên về những khó khăn, cũng như kiến nghị chính sách hỗ trợ thanh niên lập nghiệp.

Anh Dương Đức Minh Huy - Phó Bí thư Đoàn trường ĐH Kinh tế Đà Nẵng cho rằng khởi nghiệp khác với kinh doanh, lập nghiệp thông thường là phải xất phát từ những ý tưởng sáng tạo. Song khi đã có ý tưởng, thì những người trẻ, hầu như là không có tiền, rất khó tìm được nguồn vốn hỗ trợ để những ý tưởng của mình được triển khai trong thực tiễn.

Theo đó, cần có chính sách, như Đà Nẵng có ngân sách hỗ trợ hàng năm cho các “startup” thì cần có thông báo cụ thể để những người trẻ có ý tưởng có thể tiếp cận nguồn vốn. Hoặc xây dựng nguồn quỹ đầu tư để những người trẻ khởi nghiệp có thể vay vốn ưu đãi không lãi suất.

Hàng trăm đoàn viên, thanh niên Đà Nẵng tham gia buổi đối thoại
Hàng trăm đoàn viên, thanh niên Đà Nẵng tham gia buổi đối thoại

Lắng nghe ý kiến của các đoàn viên, thanh niên của thành phố, ông Võ Công Trí - Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Đà Nẵng nói: “Với những bạn trẻ có ý tưởng khởi nghiệp tốt, khả thi mà cảm thấy khó tiếp cận cơ chế, chính sách hỗ trợ thì có thể mạnh dạn đến gặp Phó Chủ tịch UBND để trực tiếp trình bày ý tưởng”.

Ông Võ Công Trí kể lại câu chuyện của hai anh em Bùi Thanh Duy (SN 1986) và Bùi Thanh Tâm (SN 1991) đã khởi nghiệp với ý tưởng mở tiệm bánh mì Việt ngay tại con phố kinh doanh ẩm thực sầm uất ở Tokyo (Nhật Bản). Khi nhìn thấy những người Nhật xếp hàng mua bánh mì của một nước khác ở Tokyo, và từ thông tin trong nước, nhìn thấy du khách Nhật xếp hàng mua bánh mì ở Hội An, hai anh em đã nảy ra ý tưởng mở một tiệm bánh mì thuần hương vị Việt tại Nhật.

Vượt qua những khó khăn trong quy định điều kiện cần để bắt tay kinh doanh, họ đã thuyết phục người thân, bạn bè, lấy cả tiền cưới để làm vốn ban đầu và đã thành công bước đầu với tiệm bánh mì “Xin chào” khi được cả báo chí Nhật ca ngợi.

Từ câu chuyện tiệm bánh mì “Xin chào” của hai anh em người Việt tại Nhật, theo Phó Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, việc có cơ chế, chính sách hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp là cần thiết; song cũng không nên quá dựa dẫm vào sự hỗ trợ này, mà trước hết cần phải dựa dẫm vào nỗ lực của chính mình.

Tiếp câu chuyện thanh niên khởi nghiệp, ông Nguyễn Bá Cảnh - Phó Bí thư Thành Đoàn Đà Nẵng chia sẻ câu chuyện nông dân 8x - Nguyễn Anh Tuấn ở huyện Hòa Vang (Đà Nẵng) đã thuyết phục và liều “cắm” 10 sổ đỏ của gia đình, người thân, bạn bè để làm trại nuôi heo bằng... máy lạnh.

Anh Tuấn đã thành công với mô hình nuôi heo kiểu mới này khi là 1 trong 150 đại biểu cả nước nhận giải thưởng Lương Định Của. Để có được thành công, nông dân 8x này cũng “trầm trầy trầm trật” với không ít thất bại trước đó khi cứ mê nuôi heo mà heo cứ bị bệnh chết lỗ vốn hoài, và phải bôn ba khắp các trại heo ở cả nước để tìm ra mô hình nuôi heo kiểu mới này.

Từ câu chuyện của nông dân 8x này, Bí thư Thành Đoàn Đà Nẵng chia sẻ đến các thanh niên rằng phải thực sự có đam mê với lĩnh vực mà mình đeo đuổi, bền chí mới tìm ra con đường đúng, và cả phải liều, và thuyết phục được những người ở xung quanh, những “nhà đầu tư thiên thần” tin rằng cái sự liều của mình là có cơ sở để tin tưởng, ủng hộ.

Đồng tình với ý kiến nhấn mạnh thanh niên khởi nghiệp trước hết phải dựa vào nỗ lực của chính mình, chuyên gia kinh tế Trần Sĩ Chương chia sẻ thêm, nói đến khởi nghiệp là nói đến đam mê và sáng tạo. Song phải nói cụ thể ra đam mê là gì, là phải gắn với thái độ thực sự quan tâm những người xung quanh, mới thực sự nhìn thấy nhu cầu của xã hội, nhu cầu của thị trường với để có thể tìm ra đáp án, và cung ứng đúng hướng. Hai là sáng tạo, cũng là phải quan tâm mọi người xung quanh, quan sát những điều đang diễn ra xung quanh mình xem thử có tìm ra được cách làm nào khác, mới hơn có thể đáp ứng nhu cầu của xã hội.

Ông Chương nói, có nhiều bạn trẻ mang ý tưởng đi tìm nhà đầu tư chỉ tập trung nói chuyện về vốn, mà chưa tìm hiểu kỹ coi ý tưởng của mình ở đâu đó đã có chưa, người khác đã làm chưa. Một khi ý tưởng tốt, tin rằng, tiền sẽ chạy theo ý tưởng, chứ không phải ý tưởng chạy theo tiền nữa.

Khánh Hiền