Lãnh đạo Bắc Ninh: Không có chuyện “ép” các trường về nguồn cấp thực phẩm

(Dân trí) - Trước nghi vấn vì sao 19 trường mầm non cùng lấy nguồn thực phẩm từ công ty TNHH Hương Thành, liệu có chịu sức ép nào từ cấp trên, ông Lê Văn Nho, Phó chủ tịch huyện Thuận Thành (Bắc Ninh) cho biết, huyện đã giao quyền tự chủ cho các nhà trường. Không có chuyện lãnh đạo huyện hoặc phòng GD&ĐT can thiệp.

Chiều 19/3, ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) chủ trì cuộc họp báo, thông tin vụ việc hàng trăm học sinh nhiễm sán lợn và các vấn đề liên quan đến thực phẩm trường học  do công ty Hương Thành cung cấp tại Bắc Ninh.

Không lưu mẫu thực phẩm là vi phạm pháp luật

Khi phóng viên đặt vấn đề về vi phạm an toàn thực phẩm trường học, Cục trưởng Nguyễn Thanh Phong cho rằng, không riêng ở Bắc Ninh, thời gian qua, nhiều đơn vị vi phạm an toàn thực phẩm trong trường học.

Trong đó, thông tư liên tịch của Bộ Y tế và Bộ GD&ĐT quy định rõ, hiệu trưởng nhà trường phải chịu trách nhiệm về an toàn thực phẩm. Cơ quan y tế chỉ chịu trách nhiệm về chuyên môn, khám sức khỏe, tập huấn và các quy định của pháp luật về đảm bảo an toàn trường học, trực tiếp giám sát và thực hiện phải là người đứng đầu của cơ sở giáo dục.

Lãnh đạo Bắc Ninh: Không có chuyện “ép” các trường về nguồn cấp thực phẩm - 1

Phụ huynh học sinh Trường mầm non Thanh Khương ứa nước mắt khi hai con dương tính với sán lợn

Ngay chỉ thị số 13- CT-TTg Của Thủ tướng Chính phủ về trách nhiệm quản lý an toàn thực phẩm, cũng nêu rất rõ về điều này. Rộng hơn nữa đó là về vấn đề an toàn thực phẩm, không chỉ trong trường học mà ở các địa phương, người đứng đầu tỉnh đó phải chịu trách nhiệm về vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn.

Về câu hỏi, hiện không còn mẫu thực phẩm để xét nghiệm xem có sán hay không nên không thể tìm ra nguyên nhân thì phải xử lý ra sao? Ông Phong cho hay, nếu cơ sở nào vi phạm về quy định lấy mẫu, quy định về nguồn gốc cung cấp thực phẩm, vi phạm quy định về vệ sinh trang thiết bị…, sẽ bị xử lý.

“Nếu lưu được mẫu thực phẩm nhưng kết luận mẫu đấy không có sán chăng nữa, cơ sở đó vẫn bị xử lý nếu vi phạm các quy định khác nếu vi phạm như: nguồn gốc cung cấp thực phẩm, vệ sinh trang thiết bị…

Còn kể cả khi có mẫu lưu nhưng đã nấu chín, đừng nghĩ đến chuyện xét nghiệm sán vì sẽ không ra kết quả”, ông Phong cho hay.

Cục trưởng cũng cho biết thêm, các mẫu thực phẩm chín kĩ, chỉ có thể xét nghiệm ra các độc tố kim loại nặng hoặc các tồn dư hóa chất bảo vệ thực vật mà nhiệt không phân hủy được, gây ngộ độc, hoặc các vi sinh quá trình bảo quản không đảm bảo vệ sinh. Không ai đi tìm kiếm xét nghiệm các yếu tố về ấu trùng và kí sinh trùng trong các thực phẩm chín.

Lãnh đạo Bắc Ninh: Không có chuyện “ép” các trường về nguồn cấp thực phẩm - 2

Không thể xét nghiệm được sán lợn gạo khi thực phẩm đã chín. (ảnh minh họa)

Không có chuyện “ép” cung cấp thực phẩm

Trả lời phóng viên về việc, sau khi phát hiện thực phẩm có sán lợn ở Trường mầm non Thanh Khương, công ty Hương Thành được phát hiện đã chuyển địa điểm và đổi tên, liệu có phải trốn tránh trách nhiệm?

Ông Phong cho rằng, không nên đánh đồng giữa việc vi phạm an toàn thực phẩm và việc người dân đang hoang mang. 

“Với vai trò là đơn vị quản lý nhà nước có thể khẳng định quan điểm, việc vi phạm an toàn thực phẩm phải xử lý nghiêm. Dù đơn vị đó thay tên đổi họ như thế nào, nếu đã vi phạm cũng phải xử lý đến nơi đến chốn”, ông Phong khẳng định.

Trước nghi vấn vì sao 19 trường cùng lấy nguồn thực phẩm từ công ty TNHH Hương Thành, liệu có chịu sức ép nào từ cấp trên, ông Lê Văn Nho, Phó chủ tịch huyện Thuận Thành, cho biết huyện đã giao quyền tự chủ cho các nhà trường.

Việc Công ty TNHH Hương Thành cung cấp thực phẩm cho 19 trường mầm non là do 19 hiệu trưởng tự quyết định. Không có chuyện lãnh đạo huyện hoặc phòng GD&ĐT can thiệp.

Chia sẻ thêm về vấn đề này, ông Phong cho rằng, nếu công ty đảm bảo an toàn thực phẩm thì cung cấp cho 100 trường là chuyện bình thường, còn không đảm bảo thì dù một trường cũng không được.

Mỹ Hà