Làm thế nào khi trẻ mẫu giáo không thích đi học?

(Dân trí) - Sau các kỳ nghỉ lễ Tết, vì đã quen với việc ở nhà đâm ra mất nếp, không ít trẻ mẫu giáo lèo nhèo, kì kèo xin bố mẹ cho được ở nhà, “không phải đi học”. Nếu bố mẹ “nhượng bộ” mà ưng thuận cho trẻ ở nhà một lần thôi là trẻ sẽ có dịp “lấn tới”.

Vậy bố mẹ phải làm thế nào khi trẻ “nhất quyết” đòi ở nhà?

Thông thường, trẻ đòi ở nhà chỉ khi mà ở nhà vẫn có người lớn (ông bà nghỉ hưu), hoặc có bố/mẹ (với những gia đình mẹ làm nội trợ, hoặc bố mẹ làm tại nhà). Với những trường hợp này, người lớn nhiều khi khó từ chối, đành chấp nhận cho trẻ ở nhà một buổi khi trẻ khóc lóc quá mức, thậm chí có trẻ còn viện cớ ốm đau (đau bụng, nhức đầu…) để được cho ở nhà.

Có những em bé “nước mắt ngắn, nước mắt dài” không muốn đi học sau các kỳ nghỉ. (Ảnh minh họa)
Có những em bé “nước mắt ngắn, nước mắt dài” không muốn đi học sau các kỳ nghỉ. (Ảnh minh họa)

Một điều rõ ràng là lý do trẻ thích ở nhà hơn đến lớp vì ở nhà có những “đặc quyền” hấp dẫn hơn so với ở lớp (ví dụ như được thoải mái xem hoạt hình, chơi điện tử, thậm chí chơi điện thoại). Do vậy, nếu giả sử trẻ được ở nhà nhưng không có những “đặc quyền” này thì nhiều khả năng trẻ sẽ không còn muốn ở nhà nữa.

Theo phân tích của hai tiến sĩ Tâm lý học lâm sàng Henry Cloud và John Townsend - tác giả cuốn sách “Vạch ranh giới” (NXB Lao động), trong các tình huống dạy con, việc bố mẹ làm rõ ranh giới sẽ giúp xoay chuyển tình thế.

Xét trong trường hợp trẻ đòi ở nhà, nếu trẻ được cho nghỉ học ở nhà và vẫn có những “đặc quyền” như kể trên, vậy thì chả có gì khác giữa việc trẻ ngoan ngoãn đi học với việc trẻ “cứng đầu” ở nhà. Do vậy, lúc này bố mẹ cần làm rõ ranh giới với trẻ.

Ví dụ, khi trẻ độ tuổi mẫu giáo (3-6 tuổi) đòi ở nhà, bố mẹ có thể nói rằng: Con thấy đấy, mỗi người trong nhà có nhiệm vụ, trách nhiệm khác nhau. Đi học là một trách nhiệm của con.

Nhưng hôm nay nếu con thực sự cần ở nhà, thì cũng được thôi. Tuy nhiên, con sẽ chỉ được ở trong nhà, không được ra ngoài chơi vì không có ai trông con.

Con cũng không có những “quyền lợi” như trong ngày nghỉ (tức là con không được xem hoạt hình chẳng hạn).

Và con cũng chỉ được ăn cơm thôi (không được ăn thêm thứ khác như trái cây hay sữa chua) vì thực ra bố mẹ đã đóng tiền ăn cho con ở trường rồi.

Khi bố mẹ bình tĩnh giải thích như vậy với trẻ (và đảm bảo là sau đó thực sự làm như lời bố mẹ nói), thì tức là bố mẹ vạch ra cho trẻ hai lựa chọn. Bố mẹ không cần phải hét tướng lên với trẻ, mà chỉ cần nói từ tốn như vậy và để ý xem phản ứng của trẻ.

Trẻ có thể sẽ lựa chọn ở nhà trong lần đầu tiên bố mẹ ra “thông điệp” như vậy. Nhưng chắc chắn sau trải nghiệm lần đầu tiên, trẻ sẽ có sự so sánh về được và mất khi ở nhà và khi đi học, và trẻ sẽ có trách nhiệm hơn với việc đi học đều đặn của mình. Và trẻ hiểu rằng, ở nhà cũng chẳng hơn gì đến lớp, mà có khi còn buồn hơn vì chẳng có "đặc quyền" gì.

Khi trẻ vòi vĩnh được ở nhà thay vì đến lớp, việc bố mẹ làm rõ ranh giới sẽ giúp xoay chuyển tình thế. (ảnh minh họa)
Khi trẻ vòi vĩnh được ở nhà thay vì đến lớp, việc bố mẹ làm rõ ranh giới sẽ giúp xoay chuyển tình thế. (ảnh minh họa)

Nguyên Chi

Dòng sự kiện: Nuôi dạy con