Làm thế nào để trẻ tránh xa bim bim?

(Dân trí) - “Ôi, anh có không cho con ăn bim bim thì cháu sang hàng xóm cũng ăn thôi mà”, đó là trần tình của một anh người quen khi tôi chia sẻ về tác hại của bim bim.

Ô hay, thế cứ mặc kệ vậy sao, biết là độc hại mà vẫn nhắm mắt để con ăn sao?

Tác hại của bim bim, mọi người ít nhiều đều biết, nhưng không ít người vẫn cho con ăn bim bim thường xuyên, hoặc thậm chí tích trữ bim bim trong nhà để “khi ta cần là có”. Nếu tôi hỏi mọi người sao lại làm vậy thì thường nhận được câu trả lời là “Kiểu gì con cũng ăn ấy mà”.

Khoan nói đến fast food (đồ ăn nhanh), chỉ tính riêng snack (Việt Nam hay gọi là bim bim) thì tác hại đã là kinh khủng lắm rồi:

Theo chuyên gia của Quỹ Tim mạch Anh, nếu mỗi ngày ăn một gói snack khoai tây chiên thì một năm cơ thể trẻ hấp thu khoảng 5 lít dầu. Hầu hết các loại snack đều chế biến công nghiệp ở nhiệt độ cao nên dễ hiện diện chất béo trans-fat (có thể gây bệnh tim mạch, về lâu dài dẫn đến ung thư). Thành phần của snack còn có nhiều muối và đường, ăn thường xuyên với liều lượng cao sẽ gây béo phì, đái tháo đường, bệnh huyết áp, bệnh tim mạch, ảnh hưởng chức năng thận…Trẻ ăn nhiều snack sẽ khiến uống nhiều nước, từ đó dẫn đến đầy bụng, chán ăn... Chưa kể một số loại snack của các cơ sở sản xuất không có uy tín, không đảm bảo chất lượng, trẻ ăn vào dễ ngộ độc hoặc mắc các bệnh đường ruột.

Ăn snack thường xuyên sẽ tạo một thói quen không tốt: thích ăn vặt và có nhu cầu nhai suốt ngày, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe răng miệng. (Theo báo Sài Gòn tiếp thị)

Vậy làm thế nào để con trẻ không ăn bim bim và tránh xa bim bim?

- Cung cấp thông tin cho trẻ:

Các ông bố bà mẹ cần nói với con về tác hại của bim bim. Đừng lo trẻ còn nhỏ sẽ không hiểu. Các nhà khoa học cho biết, trẻ từ khoảng 3 tuổi (trẻ nào thông minh thì còn sớm hơn) là đã hiểu biết về nhân - quả rồi. Nên việc của bố mẹ là nhắc đi nhắc lại thông tin về tác hại của bim bim cho trẻ biết. Có thể nói thêm với trẻ là, “vì bim bim rất có hại cho sức khỏe nên bố mẹ mới không cho con ăn”.

- Không mua bim bim cho trẻ:

Trong mọi trường hợp, không mua bim bim cho trẻ, càng không tích trữ bim bim trong nhà. Và tất nhiên, người lớn cũng phải làm gương, không ăn bim bim.

- Để trẻ là người quyết định:

Nói chung là trong các việc, người lớn không thể theo từng bước để theo dõi, nhắc nhở hay “tuýt còi” trẻ. Khi trẻ được cung cấp thông tin, trẻ sẽ là người quyết định. Việc trẻ quyết định thế nào có thể là sớm hoặc muộn, nhưng nhất định rằng bố mẹ không nên là người can thiệp, vì có can thiệp thì hiệu quả cũng không cao.

Tiến sỹ Art Markman, giáo sư Trường đại học Illinois (Mỹ), nhận định trong cuốn sách “Smart Thinking: Three Essential Keys to Solve Problems, Innovate, and Get Things Done” (được xuất bản ở Việt Nam với tựa “Lối tư duy của người thông minh”) rằng: “Tự mình đi đến một quyết định là một cảm giác đầy quyền lực. Do đó, trao cho ai đó kiến thức liên quan đến quyết định là một cách tuyệt vời để giúp ích cho họ”.

Chúc các ông bố bà mẹ thành công trong việc giúp con em mình tránh xa đồ ăn có hại cho sức khỏe!

Nguyên Chi

(Email: minhthuong@dantri.com.vn)

Dòng sự kiện: Nuôi dạy con