Làm thế nào để thế giới công nhận bằng đại học Việt Nam?

(Dân trí) - Bài toán đào tạo nguồn nhân lực ngày nay đặt ra yêu cầu bắt buộc phải hội nhập để nâng cao năng lực cạnh tranh, thích ứng và tồn tại, để sinh viên ra trường có cơ hội việc làm trong nước và khu vực.

Một trong những tiêu chí đánh giá mức độ hội nhập giữa các quốc gia trong khu vực và trên thế giới ngày nay là sự công nhận lẫn nhau về trình độ, chất lượng nguồn nhân lực.

Theo đó, yêu cầu cấp thiết là xây dựng chuẩn chương trình đào tạo (CTĐT), giúp các trường nâng cao năng lực cạnh tranh trong đào tạo nguồn nhân lực xuyên biên giới.

Làm thế nào để thế giới công nhận bằng đại học Việt Nam? - 1

Nguồn nhân lực xuyên biên giới: Bắt đầu từ chuẩn chương trình đào tạo

Vừa qua, Bộ GD&ĐT tổ chức hàng loạt các hội thảo, tọa đàm nhằm chuẩn bị xây dựng chuẩn chương trình đào tạo (CTĐT) với các trình độ của giáo dục đại học GDĐH tại Hà Nội và TP HCM.

Thông qua thảo luận nhóm, các chuyên gia, nhà khoa học và các cán bộ quản lý, giảng viên đến từ các cơ sở GDĐH trong nước và quốc tế đã cùng trao đổi, đóng góp kinh nghiệm, đề xuất ban đầu để chuẩn bị xây dựng chuẩn CTĐT cho 10 nhóm ngành phổ biến.

Bao gồm: Máy tính và công nghệ thông tin; Nông, lâm nghiệp và thủy sản, Sản xuất và chế biến, Thú y; Kiến trúc và xây dựng; Công nghệ kỹ thuật, Kỹ thuật; Môi trường và bảo vệ môi trường, Dịch vụ vận tải; Khoa học giáo dục và đào tạo giáo viên; Nhân văn, Khoa học xã hội và hành vi; Báo chí và thông tin, Pháp luật; Kinh doanh và quản lý; Khoa học sự sống, Khoa học tự nhiên, Toán và thống kê…

Phải xây dựng chuẩn chương trình đào tạo

Quyền Vụ trưởng Vụ GDĐH, Bộ GDĐT Nguyễn Thu Thủy chia sẻ: “Để đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của đơn vị sử dụng lao động, chuẩn CTĐT sẽ được thiết kế, xây dựng bởi hội đồng tư vấn bao gồm các bên liên quan như chuyên gia, đại diện hiệp hội nghề nghiệp, đơn vị sử dụng lao động...”.

Bà Thủy lý giải, bài toán đào tạo nguồn nhân lực ngày nay đặt ra yêu cầu bắt buộc là phải hội nhập để nâng cao năng lực cạnh tranh, thích ứng và tồn tại, để sinh viên ra trường có thể tìm kiếm cơ hội việc làm ở trong nước và khu vực.

Để giải bài toán này, các cơ sở GDĐH cần làm tốt công tác xây dựng, thực hiện và đánh giá CTĐT. Từ đó, công tác đào tạo nguồn nhân lực mới có thể hội nhập với các nước trong khu vực, đặc biệt là các nước trong ASEAN.

Đồng thời, Nhà nước cần có chính sách vĩ mô, giúp các cơ sở GDĐH có căn cứ để xây dựng các CTĐT mới. Đó chính là “chuẩn chương trình đào tạo” và việc thực hiện khung trình độ quốc gia (Vietnamese Qualifications Framework - VQF). Cuối cùng, nhà trường cần làm tốt công tác đảm bảo chất lượng bên trong và bên ngoài ở cấp độ chương trình và gắn với chuẩn chương trình.

Làm thế nào để thế giới công nhận bằng đại học Việt Nam? - 2
Bà Nguyễn Thu Thủy, Quyền Vụ trưởng Vụ GD Đại học phát biểu tại Tọa đàm

VQF quy định chuẩn đầu ra tối thiểu cho 1 trình độ (ĐH, Th.s, TS), đòi hỏi tất cả ngành học cùng trình độ đều phải đạt được. Việc phát triển CTĐT vừa phải đáp ứng các chuẩn đầu ra đối với từng trình độ, vừa phải đáp ứng chuẩn đầu ra tối thiểu đối với từng ngành/nhóm ngành ở một trình độ cụ thể của GDĐH.

Như vậy, để thực hiện VQF, GDĐH Việt Nam phải xây dựng chuẩn CTĐT cho từng ngành/nhóm ngành cụ thể, làm cơ sở để các trường phát triển CTĐT của riêng mình.

Nếu thiếu chuẩn CTĐT với những yêu cầu tối thiểu đối với một CTĐT, bằng cấp của GDĐH Việt Nam khó có thể được quốc tế công nhận. Do đó, nhiệm vụ xây dựng chuẩn CTĐT và không ngừng nâng chuẩn để nâng chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam là trách nhiệm đặt ra cho nhiều bên liên quan. Cụ thể: cơ quan quản lý nhà nước (Bộ GDĐT, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Y tế, Bộ Tài chính); các cơ sở đào tạo, phối hợp với các hiệp hội ngành nghề, nhà sử dụng lao động.

“Quy trình xây dựng CTĐT bắt đầu từ việc xây dựng chuẩn đầu ra. Chuẩn CTĐT có phù hợp hay không và xây dựng như thế nào do chính hội đồng tư vấn, bao gồm các bên liên quan đóng góp, hoàn thiện”, Quyền Vụ trưởng Vụ GDĐH nhấn mạnh.

Tự các trường đại học phải xây dựng

TS Lê Viết Khuyến, Trưởng ban Hỗ trợ chất lượng đại học, Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, phân tích: Hiện nay, các cơ sở GDĐH đã được tự chủ trong việc xây dựng, thực hiện và đánh giá CTĐT. Tuy nhiên, tự chủ trong khuôn khổ pháp lý chứ không phải “muốn làm gì thì làm”.

“Phương thức quản lý theo kiểu cầm tay chỉ việc phải xóa bỏ. Quản lý nhà nước cần thể hiện qua các văn bản, chuẩn chương trình, trên cơ sở chuẩn tối thiểu đó thì mới công nhận triển khai tự chủ cho các trường. Nên nhớ, đại học tự chủ chứ không “tự trị”, TS Lê Viết Khuyến khẳng định.

TS lưu ý thêm, các chuẩn chương trình không phải do Nhà nuớc hay chuyên viên, lãnh đạo nào của Bộ GDĐT đưa ra rồi phê duyệt, ban hành, mà chính các trường đại học sẽ tham gia cho ý kiến, chỉnh sửa, đề xuất, vì quyền lợi của chính mình và người học.

Làm thế nào để thế giới công nhận bằng đại học Việt Nam? - 3
Bà Nguyễn Thị Quế Anh, Chủ nhiệm Khoa Luật, ĐHQGHN

Bà Nguyễn Thị Quế Anh, Chủ nhiệm Khoa Luật, ĐHQGHN cho rằng, chuẩn CTĐT sẽ giúp xóa bỏ được tình trạng cạnh tranh không lành mạnh khi một số cơ sở/CTĐT chưa đạt chuẩn vẫn có chỉ tiêu tuyển sinh. “Rất cần hệ tiêu chuẩn tối thiểu để soi chiếu, xác định tính minh bạch và trách nhiệm xã hội của các cơ sở đào tạo”, Chủ nhiệm Khoa Luật, ĐHQGHN khẳng định.

Bà Quế Anh cho biết thêm, hiện nay, Việt Nam có khoảng 80 cơ sở đào tạo luật. Mạng lưới trường đại học đào tạo ngành luật đang được gây dựng, kết nối và sẽ chú trọng đến vấn đề chuẩn CTĐT trong các sinh hoạt chuyên môn.

Liên quan đến chuẩn đầu ra, bà Quế Anh góp ý, không nên xác định quá nhiều chuẩn đầu ra, chỉ cần tập trung vào một số nhóm chuẩn tối thiểu như kiến thức, kỹ năng, thái độ,…

Đại diện ngành Luật cũng cho rằng, những đơn vị cá nhân liên quan tham gia xây dựng chuẩn CTĐT phải tương thích với vị trí việc làm, chuẩn đầu ra của ngành/nhóm ngành đó. Đồng thời, danh sách tham gia nên có tính mở, để đáp ứng xu hướng mới như liên ngành, đa ngành.

Nhóm khối trường Sư phạm khẳng định sự cần thiết của chuẩn CTĐT trong việc tạo tiếng nói chung và tiếng nói pháp lý mạnh mẽ hơn đối với các trường đào tạo giáo viên. Đồng thời cho rằng, chuẩn CTĐT không nên quá sâu, vì có thể không theo kịp sự vận động liên tục của thực tiễn.

Mức độ của chuẩn CTĐT chỉ cần dừng ở nhóm ngành đào tạo giáo viên chứ không nên đi vào môn học. Bên cạnh đó, tham gia xây dựng chuẩn CTĐT cần có 8 trường đại học chủ chốt đang đào tạo giáo viên.

Ngày 18/10/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1982/QĐ-TTg về việc phê duyệt Khung trình độ quốc gia Việt Nam.

Để thực hiện VQF, ngày 30/3/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 436/QĐ-TTg giao Bộ GDĐT chủ trì, phối hợp với các bên liên quan triển khai xây dựng, ban hành chuẩn CTĐT đối với các ngành, nhóm ngành theo từng lĩnh vực đào tạo của GDĐH.

Quá trình xây dựng khung trình độ quốc gia và chuẩn bị xây dựng chuẩn CTĐT đã và đang nhận được sự hỗ trợ, tư vấn của Đại sứ quán Australia và Chương trình Australia cùng Việt Nam về phát triển nguồn nhân lực (Chương trình Aus4Skills).

Hồng Hạnh