Bạn đọc viết:

Làm thế nào để quản con trong kỳ nghỉ vì dịch Covid-19?

(Dân trí) - Kỳ nghỉ phòng tránh dịch Covid-19 đối với học sinh trên toàn quốc đang kéo dài đến hết tháng 2/2020. Làm thế nào để quản con trong kỳ nghỉ dài này là nỗi trăn trở của không ít phụ huynh hiện nay.

Bạn tôi ngày ngày vẫn lên trang cá nhân để than thở về hai cô con gái mải chơi, lơ là việc học. Cháu lớn lớp 7 vẫn học nhóm với giáo viên dạy kèm qua mạng nhưng thời lượng dành cho việc học chỉ gói gọn 1, 2 tiếng mỗi ngày. Cháu nhỏ học lớp 2 chủ yếu đăng ký lớp học tiếng Anh qua mạng và luôn nheo nhéo nhớ bạn, nhớ lớp.

Chỉ cần một người trong nhóm lên tiếng thở than về việc giữ con, quản con là y như rằng cả một “tá” lời ca thán vang lên, “kể khổ” về thói hư tật xấu của con trong hai tuần nghỉ vừa qua, nào là ngủ nướng đến tận trưa, nào là suốt ngày dán mắt vào iPad và smartphone, nào là nỗi lo trì trệ việc học, quên sạch kiến thức và cả những dự đoán bọn trẻ sẽ biếng học sau khi quay trở lại trường.

Khi kỳ nghỉ được lãnh đạo các cấp quyết định kéo dài đến hết tháng 2/2020, phụ huynh nhẹ nhõm với quyết định sáng suốt đó nhưng cũng nhen nhóm nỗi trăn trở về việc quản con như thế nào là hợp lý, hiệu quả trong những ngày nghỉ sắp tới.

Thêm một tuần học sinh không đến trường là thêm chừng ấy thời gian chúng ta còn phải vất vả vừa trông vừa quản con. Tôi nghĩ dành cho con thêm chút thời gian, quan tâm con hơn tí xíu, bạn sẽ biến kỳ nghỉ này thành khoảng thời gian ý nghĩa của gia đình mình!

Các thiết bị điện tử đang được nhiều phụ huynh tận dụng để quản con trong kỳ nghỉ. Nhiều gia đình giao khoán cho con cho ti vi và iPad cùng mấy cái điện thoại thông minh. Rõ ràng là các con đang trong kỳ nghỉ, thời gian rỗi rãi nhiều vô cùng nhưng nếu không giới hạn thời gian tiếp xúc với các thiết bị điện tử, không định hướng cách sử dụng khoa học, hợp lý tránh sa đà vào game online và các trang mạng xã hội thì nỗi lo con trẻ “nghiện” là hoàn toàn có cơ sở.

Vậy nên, mong lắm thay phụ huynh quan tâm nhiều hơn đến con trẻ để kéo con ra khỏi các thiết bị điện tử bằng cách tổ chức, sắp xếp hợp lý thời gian biểu của gia đình trong kỳ nghỉ: học lúc nào, chơi lúc nào, vun vén sinh hoạt gia đình như thế nào.

Những khóa học online và các trang mạng dạy học trực tuyến vẫn đang phát huy tác dụng của mình trong khi học sinh không thể đến trường. Tìm hiểu kỹ về chất lượng các khóa học để đăng ký cho con tham gia ôn luyện các môn học là một trong những phương án hữu hiệu để trẻ không trễ nải việc học khi quay lại trường.

Bên cạnh đó, đối với các địa phương không thể dạy học trực truyến, bài tập ôn luyện đã được các trường đăng tải trên trang web chính thức cũng như chuyển đến học sinh. Việc còn lại là vai trò nhắc nhở, động viên của phụ huynh đối với việc tự học của con cái. Từ đây, các con sẽ dần hình thành ý thức tự học và phương pháp tự học hợp lý.

Bên cạnh kiến thức, việc bồi dưỡng kỹ năng sống cho trẻ trong thời gian nghỉ phòng dịch cũng là một cơ hội. Cập nhật kiến thức về dịch bệnh, thực hành phòng bệnh bằng cách vệ sinh cá nhân, vệ sinh nhà cửa, chuẩn bị mâm cơm gia đình giàu dinh dưỡng cần sự chung tay của các thành viên trong gia đình. Tùy theo lứa tuổi của con, bạn hãy mạnh dạn phân công công việc phù hợp để trẻ ý thức được trách nhiệm của mình đối với gia đình và gắn kết tình thân.

Đọc sách cũng là một giải pháp hữu hiệu để quản con trong kỳ nghỉ. Trong khi thế giới sách đang mở ra bạt ngàn thể loại thì việc lựa chọn những quyển sách phù hợp với con trẻ là điều tương đối dễ dàng. Đây là cơ hội để vun bồi văn hóa đọc cho bọn trẻ. Chẳng có gì tuyệt vời hơn khi đám trẻ quây quần bên những trang giấy, thả mình vào từng câu chữ, khám phá giá trị kiến thức được chuyển tải qua những trang viết và bồi dưỡng tâm hồn, uốn nắn nhân cách!

Bên cạnh đó, chúng ta hoàn toàn có thể bàn luận với bọn trẻ về cách sử dụng mạng xã hội chuẩn mực bằng cách không tung “tin vịt”, không like và chia sẻ đối với thông tin chưa kiểm chứng. Những bài học hữu ích ấy không phải lúc nào cũng có cơ hội để có thể trao đổi cởi mở, thân thiện giữa bố mẹ và con cái khi mà cuộc sống thường nhật bị cuốn trôi trong bài vở, kiểm tra, thi cử. Và giờ là cơ hội để xây dựng cho con trẻ một “bộ lọc” thông tin hữu ích cũng như cách ứng xử thông minh trên các trang mạng xã hội.

Nguyễn Thùy

Mọi thông tin, bài viết đóng góp cho chuyên mục Giáo dục, quý độc giả có thể gửi ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn.  

Xin trân trọng cảm ơn!