Bạn đọc viết:

Làm thế nào để môn Sử “hồi sinh”?

(Dân trí) - Để làm sống lại môn Lịch sử, điều đơn giản là bồi đắp tình yêu môn Sử cho học sinh. Các em phải được học sử thông qua các câu chuyện bổ ích, các chuyến tham quan, thực tế ý nghĩa, các buổi sinh hoạt ngoại khóa lịch sử thú vị…

Đọc bài viết “Lịch sử khó hay chúng ta thực dụng với lịch sử” của tác giả Minh Thu trên báo Dân trí, tôi rất đồng cảm với nỗi lòng cả một người yêu sử. Học Lịch sử không khó, quan trọng nhất vẫn là niềm yêu thích bộ môn vun bồi niềm hăng say đọc sách sử, nhớ sự kiện sử. Và tôi chợt nhớ về cô cháu gái của mình đã tỉ tê khóc vì không được học lớp chuyên sử yêu thích vào hai năm trước.

Số là cô bé cực kì yêu thích môn Lịch sử và tất nhiên khi thi vào trường chuyên của tỉnh, cháu phải đăng ký hai môn chuyên là Ngữ văn và Lịch sử. Thế rồi kết quả thi ở hai môn đều cao và cháu được nhà trường ưu tiên xếp vào lớp chuyên văn. Vậy là suốt mấy tuần cháu đầm đìa nước mắt, mếu máo “Con muốn học chuyên Sử…”.

Bao nhiêu người vẫn mơ ước vào lớp chuyên Văn thay vì Sử, cháu thì ngược lại. Môn Sử có một sức hút kỳ lạ với cháu đến mức cháu có thể nói suốt cả buổi về một đề tài lịch sử nào đó nếu mọi người “rà trúng đài”.

Và trong khi tôi chứng kiến những giọt nước mắt rơi vì không được vào lớp chuyên Sử của cháu thì ngoài kia cả xã hội đang trăn trở về sự tụt dốc thảm hại của môn lịch sử.

Câu chuyện này không mới, nó đã lên tiếng đánh động từ mấy năm trước. Nhiều hội thảo, chuyên đề, giải pháp nâng cao chất lượng bộ môn đã được đề ra nhằm cứu chất lượng môn học. Bộ GD-ĐT cũng đã khẳng định đổi mới phương pháp dạy học, đổi mới cách kiểm tra thi cử, tránh nhồi nhét kiến thức cũng như hướng đến kiểm tra năng lực thông hiểu sự kiện, lý giải ý nghĩa và vận dụng giải quyết vấn đề thực tiễn.

Nhưng kết quả kỳ thi THPT quốc 2019 với điểm trung bình môn Sử “đội sổ” dường như đã minh chứng điều ngược lại, môn Sử đã và đang tiếp tục bị ngó lơ.

Bên cạnh nhiều góc nhìn lý giải về sự tụt dốc của môn Sử so với các môn học khác như: học lệch vì… thị trường lao động, chọn môn thi để xét tuyển tốt nghiệp, cách dạy và học chưa hấp dẫn…, tôi quan tâm nhiều hơn đến việc bồi dưỡng niềm yêu thích môn học cho học sinh.

Quá khó để học sinh bồi đắp tình yêu môn học khi mà khối lượng kiến thức quá nhiều, quá dài. Từng là một thí sinh chọn khối C thi đại học với 3 môn Ngữ văn, Lịch sử và Địa lý, thú thật tôi vẫn sợ nhất là môn sử. Nếu môn Văn cần nhiều hơn năng lực cảm thụ và kỹ năng viết bài, Địa lý với kiến thức có hạn và một phần điểm dành cho việc vẽ biểu đồ thì Lịch sử lại tràn lan kiến thức.

Dẫu siêng “gạo” bài thế nào đi nữa thì tôi cũng thật sự rối với hàng loạt sự kiện, ngày tháng, con số,… Càng cố nhớ lại càng lẫn lộn sự kiện này với sự kiện khác nhưng không thể bỏ qua bất cứ trang sách nào bởi kiến thức thi không giới hạn. Học sử vì nhiệm vụ thi đại học chứ soi kỹ lòng mình, hồi ấy tôi không hề yêu thích môn Sử chút nào.

Tuy nhiên, khi theo học chuyên ngành Sư phạm Văn, có dịp tiếp xúc với lịch sử ở một góc cạnh khác, tôi lại thấy yêu thích hơn những câu chuyện quá khứ. Trong chuyến đi thực tế đến địa danh ngã ba Đồng Lộc, lắng nghe lời thuyết trình của hướng dẫn viên, chúng tôi đã khóc ròng vì thương, vì tự hào trước sự hy sinh quả cảm của mười bông hoa bất tử.

Rồi những chuyến tham quan bảo tàng Hồ Chí Minh, viếng thăm đền Huyền Trân Công Chúa, khám phá khu di tích Chín Hầm… đã đọng lại trong tôi nhiều rung cảm và dư âm khó phai về lịch sử dựng nước, giữ nước của cha ông. Lịch sử được tái hiện ở đây không phải bằng những sự kiện, con số khô khan mà thông qua những câu chuyện cảm động.

Và những câu chuyện ấy được tôi lồng ghép, tích hợp khéo léo trong giờ giảng văn đã đem lại hiệu quả bất ngờ. Các em chăm chú lắng nghe, phản biện và ghi nhớ một cách tự nguyện những câu chuyện lịch sử được nghe. Rồi chính các em yêu cầu cô giáo kể chuyện lịch sử mỗi lúc rảnh rỗi.

Tôi nghĩ làm sống lại môn Lịch sử không nhất thiết phải là nâng cao vị thế môn học để học sinh tranh đua chọn lịch sử làm môn xét tuyển đại học. Bởi thực tế thị trường lao động đã chuyển hướng ưu tiên các môn khoa học tự nhiên, chúng ta không thể đi ngược lại xu thế hiện đại.

Để làm sống lại môn Lịch sử, điều đơn giản là bồi đắp tình yêu môn Sử cho học sinh. Các em phải được học sử thông qua các câu chuyện bổ ích, các chuyến tham quan, thực tế ý nghĩa, các buổi sinh hoạt ngoại khóa lịch sử thú vị… Có hứng thú với môn học làm nền tảng, hiểu biết lịch sử trong thế hệ trẻ sẽ tự nhiên nâng cao!

Điều này hoàn toàn có thể thực hiện được khi mà chương trình giáo dục phổ thông mới đang dần hoàn thiện và các nhà biên soạn sách giáo khoa chú trọng nhiều hơn đến việc bồi đắp tình yêu môn sử cho học sinh. Để những giọt nước mắt vì lỡ nguyện vọng chuyên sử như cháu tôi không còn là cá biệt…

Nguyễn Thùy

Mọi thông tin, bài viết đóng góp cho chuyên mục Giáo dục, quý độc giả có thể gửi ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn.

Xin trân trọng cảm ơn!