Làm thế nào để đồng hành cùng con tại nhà trong mùa dịch Covid-19?

(Dân trí) - Việc đến trường tạm dừng vì dịch Covid-19 nhưng công tác giáo dục con trẻ thì không. Có 4 giải pháp để cha mẹ đồng hành cùng con trong thời gian cách ly xã hội để phòng, tránh dịch Covid-19.

Bức bí quá lâu có thể stress

Do nghỉ học để phòng tránh dịch Covid-19, đến nay trẻ đã có hơn 2 tháng nghỉ học, lịch sinh hoạt bị đảo lộn. Nhiều gia đình bị động trong việc lên kế hoạch và quản lý hoạt động của con cái khi chúng ở nhà quá lâu.

PGS.TS Trần Thành Nam, chuyên gia tâm lý học trẻ em và vị thành niên, Chủ nhiệm Khoa Các Khoa học Giáo dục (ĐH Giáo dục- ĐHQG Hà Nội) băn khoăn: “Không biết có bao nhiêu trẻ còn thói quen dậy đúng giờ, vệ sinh, ăn sáng, ăn trưa đúng bữa, cần ngồi vào bài học, đọc sách, vận động, tham gia giúp đỡ việc nhà và học tập, giải trí trên tivi, trên internet một cách an toàn”.

Theo chuyên gia này, cả người lớn và trẻ em đều bị ảnh hưởng tâm lý bởi cách ly xã hội.

Trẻ em càng bị ảnh hưởng nặng nề hơn vì hoạt động chủ đạo của chúng là giao lưu và vui chơi. Chúng sẽ càng lo lắng hơn nếu nhìn thấy sự lo lắng của chính bố mẹ chúng.

Làm thế nào để đồng hành cùng con tại nhà trong mùa dịch Covid-19? - 1

PGS.TS Trần Thành Nam, chuyên gia tâm lý học trẻ em và vị thành niên, Chủ nhiệm Khoa Các Khoa học Giáo dục (ĐH Giáo dục- ĐHQG Hà Nội).

Tuy nhiên trẻ thường không thể nói ra được những cảm xúc khó chịu để giải tỏa mà chúng thường chuyển hóa thành những hành vi mà cha mẹ cho là nghịch phá.

Chẳng hạn, cảm giác tức giận của trẻ có thể được thể hiện ra bằng việc trẻ chẳng hài lòng với bất cứ thứ gì ở trong nhà, liên tục phàn nàn ví dụ như đập rất mạnh cái điều khiển và nói “cái điều khiển ngu ngốc này”, hoặc ném mạnh cái bút “cứ sờ đến cái bút nào cũng không viết ra mực là sao”.

Sự chán chường thì thể hiện qua sự từ chối bất hợp tác như: “Con không làm đề cương môn Toán, con chỉ làm một bài thôi” hoặc hét lên “Chán chán chán!”.

Sự thất vọng về việc phải ngồi ở nhà được thể hiện qua hành vi giận cá chém thớt như “hét lên vào mặt đứa em”, “trùm chăn giả vờ ngủ nhưng thực ra chơi game”, “càu nhàu về thức ăn bữa tối chẳng ngon lành gì”.

Một số trẻ cảm thấy tê liệt và mất năng lượng: “Con chỉ muốn ngủ thôi”; “chỉ muốn đắp chăn nằm xem tivi”; mẹ nhờ cái gì đó thì phớt lờ nói “Con mệt!”.

PGS Trần Thành Nam chia sẻ: “Sự bí bức do ở lâu trong nhà có thể khiến cá nhân bị stress, khó chịu trong người, tâm trạng bất an và mất ngủ”.

Làm thế nào để đồng hành cùng con tại nhà trong mùa dịch Covid-19? - 2

Việc đến trường tạm gác lại để đề phòng dịch bệnh nhưng công tác giáo dục con trẻ thì không.

4 giải pháp đồng hành cùng con mùa dịch

Việc đến trường tạm gác lại để đề phòng dịch bệnh nhưng công tác giáo dục con trẻ thì không. Vậy bố mẹ cần giúp con đương đầu với cảm xúc “âm tính” như thế nào trong giai đoạn cách ly xã hội này?

Theo PGS.TS Trần Thành Nam, thứ nhất bố mẹ phải tự kiểm soát sự lo lắng của mình vì nỗi lo lắng của bố mẹ có thể phóng chiếu lên đứa con làm trẻ lo lắng hơn.

Điều này giống như lúc đi máy bay và gặp tình huống khẩn cấp, trước hết bạn phải đeo mặt nạ dưỡng khí cho mình trước, sau đó mới đeo mặt nạ dưỡng khí cho con.

Thái độ và cách thức cha mẹ ứng phó với lo lắng sẽ giúp trẻ bắt chước  và học được cách thức quản lý, bình thường hóa cảm xúc tiêu cực.

Thứ hai, quản lý nguồn thông tin tiếp cận đến trẻ, đặc biệt là các nguồn thông tin trên youtube, mạng xã hội và internet mà trẻ vô tình tiếp xúc có thể gây ra những tưởng tượng tồi tệ không chính xác làm cho trẻ lo âu nhiều hơn. Hãy giải thích đơn giản để tạo cho con cảm giác an toàn

Thứ ba, hướng dẫn con các bước cụ thể để giải quyết một vấn đề. Hướng dẫn con tạo ra những giải pháp để thực hiện được các nhiệm vụ mình muốn trong bối cảnh cách ly xã hội, cân nhắc tính khả thi của các giải pháp và lựa chọn một cái để thử. Không đổ lỗi khi thất bại.

Cha mẹ có thể hướng dẫn các con ghi lại vào một cuốn sổ về những giải pháp con thực hiện và đánh giá xem nó có thành công không.

Thứ tư, duy trì ăn ngủ tốt là điều cực kỳ quan trọng vì sức khỏe thể chất tốt sẽ giúp các con có sức đề kháng về tinh thần tốt hơn.

Làm thế nào để đồng hành cùng con tại nhà trong mùa dịch Covid-19? - 3

Nếu bố mẹ muốn tạo ra một lịch trình mới để con thực hiện, tốt nhất làm sao cho lịch trình này trở nên thật hứng thú với trẻ.

Giúp con xây dựng kế hoạch hoạt động

Việc nghỉ học ở trường sẽ khiến trẻ mất đi thói quen theo lịch trình có sẵn. Nếu bố mẹ muốn tạo ra một lịch trình mới để con thực hiện, tốt nhất làm sao cho lịch trình này trở nên thật hứng thú với trẻ.

Bên cạnh đó, thời gian nghỉ này có thể là một cơ hội tốt để giúp con có thói quen tự giác xây dựng kế hoạch hoạt động, tự học và tự làm việc nhà để trở thành một người có trách nhiệm.

Để trẻ hứng thú với lịch trình mới, sự chủ động và mức độ tham gia của trẻ vào việc xây dựng kế hoạch càng nhiều, sẽ quyết định việc trẻ có hứng thú làm theo hay không.

Chẳng hạn, việc con tự lên kế hoạch và thực hiện được những công việc mà con phải làm (học tập trực tuyến với các khóa học mở) bên cạnh những công việc mà con thích làm (như mua một bộ phim phụ đề và xem online), vận động (tập nhảy cùng với hướng dẫn viên youtube), tương tác với bạn bè (qua các cuộc gọi trực tuyến) giúp việc nhà như trong học kỳ bình thường…

Sau khi đã thống nhất được danh mục các công việc cần làm trong một ngày và kế hoạch chi tiết, con sẽ thực hiện chúng vào lúc nào. Cha mẹ sẽ cần tạo ra một hệ thống giám sát và nhắc việc thân thiện với con cái.

Thường thì bố mẹ sẽ cho phép đứa trẻ tự thiết kế và trang trí bảng kế hoạch, tự dán vào nơi dễ nhìn nhất trong nhà (ví dụ dán trên tủ lạnh) để nhắc nhở bản thân.

Một yếu tố nữa để trẻ luôn duy trì được hứng thú và tiếp tục tự giác thực hiện kế hoạch là bố mẹ tìm cách để trẻ hoàn thành kế hoạch đề ra trong những ngày đầu tiên, nếu không chúng sẽ chán và mất động lực.

Chẳng hạn bố mẹ thể hiện sẵn sàng giúp đỡ hỗ trợ con những nhiệm vụ khó. “Thống nhất nếu con có điều gì thực sự muốn mẹ giúp thì con có 5 vé giúp đỡ/ngày - mỗi lần con đưa vé sẽ được bố mẹ dành cho 10 phút”, hãy nói với con những điều như thế này.

Bố mẹ cũng có thể chia một nhiệm vụ khó thành các bước nhỏ cần hoàn thành để thực hiện được mục tiêu và khen ngợi động viên khi con cố gắng hoàn thành từng bước nhỏ này.

Cha mẹ cũng hoàn toàn có thể sử dụng các ứng dụng công nghệ để cho điểm thưởng ngay lập tức với các nhiệm vụ con hoàn thành và báo cáo qua tin nhắn hoặc ứng dụng.

Bố mẹ nên hào phóng lời khen trong giai đoạn này và sẵn sàng với những phần thưởng bất ngờ để trẻ thấy những cố gắng làm việc của mình luôn mang lại những điều thú vị.

Bố mẹ cũng nên quan niệm, phần thưởng rộng hơn không phải chỉ là những thứ mua được bằng tiền mà cả những thứ trẻ thích mà vẫn đang được sử dụng miễn phí (như mượn điện thoại của mẹ để chơi), các phần thưởng hoạt động (như cả gia đình cùng ngồi ăn vặt và xem một bộ phim yêu thích)…

Hạnh Nguyên (ghi)