Làm gì sau khi có kết quả thi THPT quốc gia?

(Dân trí) - Thí sinh vừa biết kết quả thi THPT quốc gia đang chờ đợi đến 1 - 8 để nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển ĐH,CĐ theo quy định của Bộ GD-ĐT. Vậy, thời điểm này các thí sinh cần chuẩn bị gì?

Thắc mắc điểm thì phúc khảo

Theo quy chế thi THPT quốc gia thì mọi thí sinh đều có quyền xin phúc khảo bài thi và nộp lệ phí phúc khảo theo quy định. Sở GD-ĐT nhận đơn xin phúc khảo của thí sinh trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày công bố điểm thi và chuyển dữ liệu thí sinh xin phúc khảo bài thi đến Hội đồng thi.

Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày hết hạn nhận đơn phúc khảo, Hội đồng thi sẽ phải công bố kết quả phúc khảo.

 

Hôm nay 23/7, thí sinh có thể nộp đơn xin phúc khảo bài thi về Sở GD-ĐT

Hôm nay 23/7, thí sinh có thể nộp đơn xin phúc khảo bài thi về Sở GD-ĐT 

 

Bộ GD-ĐT cho biết, việc phúc khảo mỗi bài thi tự luận do hai cán bộ chấm thi thực hiện theo Quy chế thi THPT quốc gia. 

Trong trường hợp điểm phúc khảo bài thi lệch nhau từ 0,5 điểm trở lên đối với môn khoa học tự nhiên và từ 1,0 điểm trở lên đối với môn khoa học xã hội thì phải tổ chức đối thoại trực tiếp giữa các cán bộ chấm thi đợt đầu và cán bộ chấm phúc khảo (có ghi biên bản) đối với các bài thi của thí sinh có sự điều chỉnh điểm. Nếu thấy có biểu hiện tiêu cực thì xử lý theo quy định. Điểm phúc khảo sau khi đối thoại giữa hai cặp chấm và được Trưởng Ban Phúc khảo trình Chủ tịch Hội đồng thi ký duyệt là điểm chính thức của bài thi.

Đối với môn thi trắc nghiệm, tổ phúc khảo bài thi trắc nghiệm của Ban Phúc khảo có thành phần tương tự như Tổ xử lý bài trắc nghiệm của Ban Chấm thi. Điểm chấm lại của Tổ phúc khảo bài thi trắc nghiệm là điểm thi chính thức của thí sinh trong kỳ thi.

Xét tuyển vào ĐH, CĐ từ ngày 1/8

Theo quy định của Bộ GD-ĐT, bắt đầu từ ngày 1/8 đến hết ngày 20/8 các trường ĐH, CĐ nhận hồ sơ xét tuyển NV1.

Đối với thí sinh đăng ký vào trường sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia để xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ thì yêu cầu thí sinh đã đăng ký sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia để xét tuyển ĐH, CĐ; Tổng điểm các môn thi của tổ hợp môn thi dùng để xét tuyển không thấp hơn điểm xét tuyển do trường quy định và không có môn thi nào trong tổ hợp xét tuyển có kết quả từ 1,0 điểm trở xuống.

Bên cạnh đó, thí sinh phải đáp ứng các yêu cầu khác về điều kiện xét tuyển do trường quy định và công bố công khai trên trang thông tin điện tử của trường.

 

Việc thực hiện xét tuyển NV1 được thực hiện như sau: Thí sinh chỉ được sử dụng Giấy chứng nhận kết quả thi dùng để xét tuyển nguyện vọng I để đăng ký vào 01 trường ĐH hoặc CĐ, mỗi trường thí sinh được đăng ký tối đa 4 nguyện vọng vào các ngành xếp theo thứ tự ưu tiên từ 1 đến 4;

 

Trong thời gian 20 ngày xét tuyển NV1, nếu cần thí sinh có thể điều chỉnh nguyện vọng đã đăng ký ở trường đó hoặc rút hồ sơ để đăng ký sang trường khác; Các nguyện vọng (từ 1 đến 4 trong một trường) của thí sinh có giá trị xét tuyển như nhau. Thí sinh trúng tuyển nguyện vọng trước thì không được xét tiếp các nguyện vọng sau.

 

Thí sinh đã trúng tuyển nguyện vọng I, không được đăng ký ở các đợt xét tuyển nguyện vọng bổ sung.

 

Bộ GD-ĐT cũng quy định, trước mỗi đợt xét tuyển, các trường thông báo công khai trên trang thông tin điện tử các nội dung sau: Chỉ tiêu của các ngành hoặc nhóm ngành (gọi chung là ngành) đối với đợt xét tuyển đó.

Tổ hợp các môn thi dùng để xét tuyển vào từng ngành. Trường hợp sử dụng nhiều tổ hợp môn thi để xét tuyển cho một ngành, trường cần quy định rõ cách thức xét tuyển đối với từng tổ hợp.

Cách thức xử lý khi các thí sinh có cùng điểm xét tuyển; các điều kiện bổ sung (nếu có);

Điểm xét tuyển của trường hoặc từng ngành. Điểm xét tuyển không được thấp hơn ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào do Bộ GDĐT quy định và đảm bảo yêu cầu: điểm xét tuyển đợt xét tuyển sau không được thấp hơn điểm trúng tuyển đợt xét tuyển trước.

 

Nộp hồ sơ và phí đăng ký xét tuyển qua đường bưu điện

 

Lãnh đạo Bộ GD-ĐT cũng cho hay, trong thời hạn quy định của mỗi đợt xét tuyển, thí sinh nộp hồ sơ ĐKXT và phí ĐKXT qua đường bưu điện theo hình thức chuyển phát nhanh, chuyển phát ưu tiên hoặc nộp trực tiếp tại trường.

 

Hồ sơ và phí ĐKXT của thí sinh dù nộp qua đường bưu điện theo hình thức chuyển phát nhanh, dịch vụ chuyển phát ưu tiên hoặc nộp trực tiếp tại các trường trong thời hạn quy định của mỗi đợt xét tuyển, đều hợp lệ và có giá trị xét tuyển như nhau.

 

Bên cạnh đó, để tạo điều kiện cho người tham gia ĐKXT, khuyến khích các trường ĐH, CĐ cho các thí sinh thay đổi nguyện vọng ĐKXT theo hình thức trực tuyến. Tuy nhiên các trường cần báo cáo Bộ GD-ĐT để thống nhất sử dụng hệ thống quản lý dữ liệu tuyển sinh quốc gia và công bố công khai quy trình tiếp nhận thông tin đăng ký của thí sinh để thí sinh thực hiện đúng với quy định.

 

Nguyễn Hùng

(Email hungns@dantri.com.vn)