Bạn đọc viết:

Lạm dụng học thêm sẽ giết chết năng lực tự học và tư duy!

(Dân trí) - Tự học là một trong những năng lực cực kỳ quan trọng và cần thiết để tự bổ khuyết trí thức, kĩ năng, phẩm chất của mình. Không chỉ là học sinh, mỗi người đều cần trau dồi năng lực tự học trong suốt cuộc đời mình cho công việc, cho ý thức phấn đấu và hoàn thiện bản thân. Nhưng nhìn vào bức tranh học thêm, dạy thêm tràn lan như hiện nay, năng lực tự học có nhiều phần bị thui chột mất rồi.

Chúng ta không phủ nhận hoàn toàn mặt tích cực của học thêm theo tinh thần tự nguyện nhằm nâng cao tri thức hoặc trau dồi thêm khi chưa đạt chuẩn. Bởi thêm thời gian học đồng nghĩa với cơ hội tiếp thu tri thức tăng lên, năng lực của bản thân người học được trau dồi nhiều hơn và đó sẽ là bước đệm vững chắc cho những bước tiến mới. Nhưng với tình trạng dạy thêm biến tướng rõ rệt như ngày nay thì việc học thêm đã đánh mất dần những ý nghĩa tốt đẹp ban đầu.

Chúng ta trân trọng và biết ơn những người thầy hết lòng vì học sinh, dạy thêm vì chính sự tiến bộ của các em. Nhưng tình trạng “ém” bài, “găm” bài, “gạ” bài cũng như những chiêu trò từ “dụ dỗ” đến “ép” học sinh phải đi học thêm và sự “trù úm”, phân biệt đối xử giữa học sinh có và không học thêm là một thực tế nhân lên nỗi bức xúc trong xã hội và làm méo mó hình ảnh người thầy.

Khi nhà nhà chuộng học thêm, người người ào ào học thêm, phong trào dạy thêm, học thêm được đẩy lên cao trào và bao nhiêu phần trăm trong đó xuất phát từ chính nhu cầu người học? Mọi con số thống kê đều mang tính hình thức và chỉ là bề nổi của tảng băng chìm!

Thử tưởng tượng đến cảnh các cháu lớp 1, lớp 2 phải đã cuốn vào guồng quay của học thêm khi ngày hai buổi đến trường lại còn phải ôn luyện mỗi tối ở nhà thầy cô. Thử tưởng tượng các cháu lớn hơn tí xíu đã quen với cảnh “gặm” vội ổ bánh mì để chạy đua với thời gian ở các lớp học thêm... Bức tranh xám xịt ấy giờ đây nhan nhản.

Không chỉ là gánh nặng về chi phí học tập đổ dồn lên kinh tế của mỗi gia đình mà quan trọng hơn, việc học thêm theo phong trào như hiện nay vô hình trung đã đổ một khối áp lực cực lớn lên vai con trẻ. Các con đã bị “cướp” nhiều thứ, từ sức khỏe, tuổi thơ đến cả khoảng thời gian cần thiết để xây dựng kĩ năng sống, vun đắp tình yêu thương với mọi người xung quanh.

Và một hậu quả tất yếu là năng lực tự học, năng lực tư duy của các con bị các lớp học thêm mài mòn nhẵn đến mức triệt tiêu dần. Tình trạng dạy thêm và dạy trước bài như một con dao hai lưỡi mà cái mất, cái hại lại là phần “lưỡi dao” bén hơn rất nhiều. Học trước bài để rồi tư tưởng chủ quan nảy sinh, xem thường giờ học chính khóa dẫ đến tâm thế uể oải khi tiếp nhận bài học “mới” vốn đã “cày” trước ở lớp học thêm. Đây là điều cực kỳ nguy hại nhưng lại là một nghịch lý vẫn diễn ra hằng ngày trong môi trường giáo dục.

Niềm sung sướng vỡ òa khi giải được một bài toán khó sau một thời gian đấu trí, đấu lực với sự hóc búa của tri thức đã mai một dần. Những bài văn rập khuôn, những câu viết sáo mòn và na ná nhau về bố cục, cách hành văn,… là điểm thưởng gặp của học sinh chung “lò luyện”. Lười tư duy, ít chịu khó suy nghĩ, ngại khám phá, mày mò là căn bệnh chung của học sinh khi các lớp học thêm luôn “mớm” trước bài, đáp án và cung cấp “khuôn” bài văn, cứ thế mà “in” và “cop-py”.

Thêm vào đó là tình trạng “lối mòn” trong tư duy mà người ta nói nhiều đến mức nhàm vẫn chưa hề biến chuyển. Trung thành với lớp học thêm, đồng nghĩa việc nhất nhất trung thành với phương pháp tư duy của người thầy đứng lớp. Khồng hề mạo hiểm tìm cách giải mới, ngần ngại thay đổi cách hành văn và phụ thuộc, ỷ lại vào tư duy người khác là một thực tế đáng buồn của một bộ phận học sinh siêng “cày” ở lớp học thêm.

Trong khi công cuộc đổi mới ngành giáo dục đang diễn ra với chủ trương lấy người học làm trung tâm và nâng cao năng lực tự học của học sinh thì tình trạng học thêm tràn lan, biến tướng sẽ là một chướng ngại vật không hề nhỏ. Nó cần bị đào thải nhanh chóng, triệt để nhằm tìm lại niềm hứng khởi trong các tiết học chính khóa, tìm lại cảm xúc lâng lâng sau nỗ lực “chiến thắng” trong cuộc chiếm lĩnh tri thức.

Thanh Ny

Mọi thông tin, bài viết đóng góp cho chuyên mục Giáo dục, quý độc giả có thể gửi ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn . Xin trân trọng cảm ơn!