Lai Châu mạnh tay “trảm” 3 hiệu trưởng trường THPT

(Dân trí)-Yếu kém về quản lý và để cho tình trạng mất đoàn kết nội bộ kéo dài là nguyên nhân chính dẫn đến việc Lai Châu quyết định “trảm” 3 hiệu trưởng trường THPT. Ông Đỗ Văn Hán - Giám đốc Sở GD-ĐT Lai Châu đã có cuộc trao đổi với <i>Dân trí</i> về vụ việc này.

Thưa ông, được biết năm học 2013-2014 Lai Châu đã "trảm" 3 hiệu trưởng và cho chuyển làm công tác khác. Ở vùng cao việc giữ được chân giáo viên đã là bài toán khó, vậy vì sao Lai Châu vẫn quyết định xử lý mạnh tay như vậy?

Ông Đỗ Văn Hán: Tôi nghĩ nếu chúng ta không có kỷ luật chặt chẽ thì chắn chắn sẽ không có hiệu quả trong công việc. Nhiều người nghĩ nó lỏng lẻo, thế này thế kia thì lại tốt - nhưng tôi thì lại quan niệm khác.

Khi tôi làm hiệu trưởng trường dân tộc nội trú tỉnh - lúc đó (những năm 1990 - 1991) tình trạng học sinh bỏ học rất nhiều. Trường chỉ có 190 học sinh thôi và đuổi một học sinh là phải cân nhắc rất kỹ, nhưng nếu không đuổi thì không giữ được kỷ cương...Việc tôi đuổi 1 học sinh nhưng lại làm cho 189 học sinh tốt hơn thì cũng là điều nên làm và thực tế 189 học sinh đều thành đạt về sau.

Ông Đỗ Văn Hán - Giám đốc Sở GD-ĐT Lai Châu

Ông Đỗ Văn Hán - Giám đốc Sở GD-ĐT Lai Châu

Chính vì thế, quan điểm của tôi là phải xử lý cương quyết thì chúng ta mới làm tốt được. Không để anh em có suy nghĩ đồng chí giám đốc cứ à uôm thì làm thế nào cũng được.

Lỗi của ba hiệu trưởng bị xử lý mắc lỗi thế nào dẫn đến quyết định xử lý mạnh tay?

Ông Đỗ Văn Hán: Tùy từng trường, mỗi trường có một lỗi khác nhau. Ví dụ như đồng chí hiệu trưởng trường Nội trú tỉnh có mắc lỗi công tác quản lý học sinh lỏng lẻo, chất lượng giáo dục yếu kém, nội bộ mất đoàn kết; Chế độ chính sách cho học sinh và giáo viên bị thâm hụt - nên buộc sở phải xử lý.

(Cười). Nói thật, việc xử lý đồng chí hiệu trưởng này cũng không đơn giản. Tôi cũng suýt bị cắt chức vì quyết định xử lý này...

Giáo viên vùng cao còn khó khăn, thậm chí thiếu về biên chế. Nếu sở cứ mạnh tay như vậy, ông có lo ngại sẽ không có người nào xung phong lên vùng cao nữa hay không?

Ông Đỗ Văn Hán: Tôi không lo ngại chuyện đó. Nó phải song hành với ba việc: Một là chúng ta phải thực hiện đầy đủ chính sách cho anh em.

Tôi quan tâm nhiều nhất vẫn là thanh tra chế độ chính sách để tất cả các trường thực hiện tốt nhất chế độ chính sách cho anh em.

Tiếp đến là xây dựng các quy chế và tôi cho rằng đây là hành lang pháp lý trong các trường học để quản lý bằng qui định, giống như chúng ta quản lý đất nước bằng hiến pháp. Trên cơ sở đó để có biện pháp xử lý nếu không hiệu trưởng làm thế nào cũng được. Từ việc thi đua khen thưởng cho đến đề bạt cất nhắc, đề bạt nâng lương...đều phải có quy chế.

Thực tế có những sai phạm nhưng việc xử lý còn nương nhẹ, thậm chí có sự bao bọc. Nhưng ở Lai Châu thể hiện sự mạnh tay và trong đó sẽ có hiệu ứng tiêu cực trong đó, ông có suy nghì về hiệu ứng có thể xảy ra?

Ông Đỗ Văn Hán: Cá nhân tôi nghĩ chỉ có thể là tốt lên. Tôi lấy một ví dụ: Cách đây khoảng 4 năm, khi duyệt quyết toán ở tất cả các đơn vị trực thuộc Sở (khoảng trên 30 đơn vị trực thuộc) thì có rà một nữa là xuất toán. Lúc đó cùng một lúc tôi làm hai việc, một là những đồng chí hiệu trưởng nào không để xuất toán trong một năm thì lập tức tôi khen thưởng, những đồng chí nào để xuất toán thì sẽ không xét thi đua. Hai là, nếu đồng chí nào để xuất toán nhiều thì sẽ tiến hành thanh tra , nếu sai phạm xử lý nghiệm.

Tất nhiên chúng ta làm việc phải có lộ trình. Ba đồng chí Hiệu trưởng bị xử lý không phải tôi làm đột ngột mà đã có lộ trình. Tôi cũng đã có cảnh báo lần thứ nhất, lần thứ hai...Thậm chí đồng chí hiệu trưởng trên Phong Thổ - một năm tôi phải lên đó 2 đến 3 lần để giải quyết vấn đề nội bộ. Thậm chí tôi đã vạch cho các bước đi để giải quyết nhưng vẫn không làm được thì phải nhận hình thức kỹ luật.

Quan điểm của tôi đối với cấp trực thuộc là như vậy. Còn đối với cấp huyện mặc dù tôi không có quyền đề bạt, cân nhắc nhưng sau khi thanh tra, kiểm tra tôi có văn bản yêu cầu các huyện phải xử lý.

Ông có chia sẻ gì đối với giáo viên vùng cao Lai Châu nói riêng và giáo viên vùng cao nói chung khi họ đã phải rất quyết tâm để lên vùng cao công tác?

Ông Đỗ Văn Hán: Trước hết, tôi rất chia sẻ với anh em giáo viên vùng cao. Với Lai Châu 4 năm trở lại đây chúng tôi đã có “quyền” lựa chọn rồi. Với giáo viên vùng cao cái khổ lớn nhất của họ là phong tục tập quán, tiếng địa phương - cho nên giáo viên lên công tác phải học các phong tục tập quán.

Thứ hai là vấn đề chỗ ở của thầy giáo, cô giáo. Thứ ba là luôn phải dỗ học sinh đến trường, giáo viên thường xuyên phải trích túi tiền của mình để mua kẹo nịnh học sinh đến trường. Chứ không như các tỉnh, thành phố phụ huynh phải đóng góp để con được đến trường, còn có vấn đề lạm thu chứ thầy cô vùng cao phải trực tiếp bỏ tiền túi của mình để hỗ trợ học sinh đến lớp...

Vì vậy chúng tôi có chỉ đạo các đồng chí trưởng phòng giáo dục bố trí để các giáo viên được luân chuyển từ vùng khó đến vùng thuận lợi, từ vùng khó khăn đến vùng khó khăn để tạo điều kiện cho anh em giáo viên có thu nhập tốt hơn, ổn định cuộc sống.

Chúng tôi cũng có chính sách động viên với những thầy cô ở lại lâu dài thì xã có đất sẽ cấp cho giáo viên ở.

Xin cảm ơn ông!

Nguyễn Hùng (thực hiện)